Hướng tới Hội nghị tập huấn công tác gia đình năm 2024 ở hai miền:
Khơi dậy những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam
VHO - Bộ VHTTDL vừa ban hành Quyết định 1875/QĐ-BVHTTDL về việc tổ chức Hội nghị tập huấn công tác gia đình năm 2024, nhằm triển khai các văn bản mới ban hành; cung cấp kiến thức, hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ triển khai nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình; trao đổi, thảo luận, giải đáp những vướng mắc trong quá trình thực thi nhiệm vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình...
Tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của xã hội
Nội dung tập huấn gồm 7 chuyên đề với các nội dung cụ thể: Chuyên đề 1- Triển khai các văn bản mới về công tác gia đình; Chuyên đề 2- Các hành vi vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình. Chuyên đề 3- Tư vấn, hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình; Chuyên đề 4- Hướng dẫn thủ tục hành chính trong phòng, chống bạo lực gia đình; Chuyên đề 5- Kỹ năng nhận diện, phát hiện, lên tiếng khi bị bạo lực gia đình hoặc chứng kiến hành vi bạo lực gia đình; Chuyên đề 6- Quy trình tiếp nhận tin, xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình; Chuyên đề 7- Xây dựng và vận hành Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình.
Hội nghị sẽ được tổ chức trực tiếp trong quý III ở hai khu vực (phía Bắc tại TP Hải Phòng và phía Nam tại tỉnh Long An), mỗi nơi 2 ngày. Thành phần tham gia gồm các đại biểu Trung ương: Đại diện Bộ LĐ,TB&XH, Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam... Đại biểu địa phương có Sở VHTT, Sở VHTTDL các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, gồm: Lãnh đạo Sở, lãnh đạo và chuyên viên đơn vị thực hiện công tác gia đình. Mời BCĐ công tác gia đình cấp tỉnh, cán bộ thực hiện công tác gia đình cấp huyện tại địa phương nơi tổ chức Hội nghị tập huấn. Số lượng người tham gia khu vực phía Bắc dự kiến 130 người và khu vực phía Nam dự kiến 130 người.
Bộ VHTTDL cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ Kế hoạch triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ để Hội nghị đạt kết quả tốt. Công tác tổ chức tập huấn đảm bảo đúng kế hoạch; chu đáo, tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế.
Một trong những nội dung quan trọng của Hội nghị là trao đổi, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình cấp Trung ương và cấp tỉnh để tổ chức tuyên truyền, triển khai các văn bản, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác gia đình; triển khai các hoạt động nghiệp vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực gia đình. Trong đó có hướng dẫn thực hiện kế hoạch tổ chức triển khai Ngày gia đình Việt Nam 28.6 với nhiều hoạt động hiệu quả, có sức lan tỏa, khơi dậy những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của xã hội.
Vấn đề của gia đình chính là vấn đề của cộng đồng, xã hội
Có thể thấy trong những năm qua, bên cạnh những giá trị nhân văn được gìn giữ và phát huy, thì gia đình Việt cũng đang đối mặt với những vấn đề biến đổi giá trị, do đó cần có phương pháp truyền thông phù hợp để đáp ứng xu thế mới. GS.TS Hoàng Bá Thịnh, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, cần đa dạng hóa các loại hình tuyên truyền và nâng cao chất lượng truyền thông, giáo dục… Trong bối cảnh phát triển của công nghệ thông tin với sự đa dạng của các phương tiện truyền thông, cần kết hợp các loại hình truyền thống với mạng xã hội để tuyên truyền, giáo dục đạt hiệu quả.
Cần chú ý sử dụng loại hình, phương tiện và nội dung truyền thông phù hợp với gia đình ở từng vùng, miền, dân tộc khác nhau. Nội dung giáo dục cần cung cấp các kiến thức, kỹ năng sống, như kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng ứng xử giữa các thành viên trong gia đình và với cộng đồng... Giáo dục và vận động các gia đình tự nguyện, tự giác, tích cực thực hiện nếp sống văn minh, không trọng nam khinh nữ, không lựa chọn giới tính khi sinh. Bên cạnh đó, vận động cộng đồng tích cực tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước, quy chế dân chủ ở cơ sở; phát triển các hình thức tổ hòa giải, CLB gia đình tại cộng đồng; giữ gìn và phát huy văn hóa gia đình và truyền thống tốt đẹp của dòng họ; xây dựng tình làng nghĩa xóm, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, nhắc nhở, động viên nhau thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
“Trong giáo dục, phải kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam gắn với xây dựng giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển. Chú ý đến đặc thù văn hóa gia đình các DTTS trong tuyên truyền, giáo dục”, GS.TS Hoàng Bá Thịnh nhấn mạnh.
Cũng theo GS Hoàng Bá Thịnh, xây dựng gia đình phải luôn gắn với sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Bạo lực gia đình, mất cân bằng giới tính khi sinh là những biểu hiện của bất bình đẳng giới vẫn đang hiện diện. Do vậy, xây dựng gia đình và công tác gia đình cần phải gắn liền với sự nghiệp giải phóng phụ nữ, với tiến trình bình đẳng giới. Để làm được điều này, không nên xem gia đình là lĩnh vực riêng của ngành nào, mà cần coi những vấn đề của gia đình là vấn đề của cộng đồng, xã hội. Các chính sách, phong trào xã hội không nên tạo ra gánh nặng, vai trò kép đối với người phụ nữ, người vợ, người mẹ...
Bên cạnh đó, cần đặc biệt quan tâm xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình, đặc biệt là tư tưởng coi thường phụ nữ. Hạn chế và tiến tới chấm dứt tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Nam giới, cộng đồng, gia đình và xã hội cần tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ làm tốt vai trò của họ và có cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp.
(Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL thực hiện)