Giải pháp phát triển chăn nuôi gắn với du lịch sinh thái

NAM PHONG

VHO - Đó là chủ đề cuộc tọa đàm vừa được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN&PTNT Khánh Hoà tổ chức sáng 23.8, tại thành phố Nha Trang.

Giải pháp phát triển chăn nuôi gắn với du lịch sinh thái - ảnh 1
Các đại biểu tham gia buổi toạ đàm

Tham dự buổi Tọa đàm có các lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương; Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông thôn; các nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân một số địa phương trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà và khu vực.

Đây là dịp để các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về các sản phẩm nông nghiệp, các mô hình nuôi - trồng gắn với du lịch sinh thái; đề xuất các giải pháp, định hướng phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả thích ứng và giảm thiểu rủi ro thiên tai; nhằm thúc đẩy phát triển các sản phẩm nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, thu hút du khách, phát triển du lịch và nâng cao đời sống của người nông dân…

Tại Việt Nam, Du lịch và Nông nghiệp là hai ngành có mối quan hệ chặt chẽ và đều là ngành kinh tết mũi nhọn được ưu tiên phát triển (Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về vấn đề Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn; Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16.1.2017 của Bộ Chính trị đã xác định phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn…).

Giải pháp phát triển chăn nuôi gắn với du lịch sinh thái - ảnh 2
Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp trở thành sản phẩm du lịch độc đáo

Theo Ông Lê Minh Lịnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, phát triển Nông nghiệp gắn với Du lịch sinh thái đã và đang góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Vì vậy, du lịch nông nghiệp đang được các địa phương, doanh nghiệp và nông dân đẩy mạnh phát triển trên mọi miền đất nước; sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp đã trở thành điểm nhấn thu hút, thúc đẩy tăng trưởng du khách với nhiều sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa nông ngiệp của vùng miền, trải dài từ Bắc tới Nam.

Giải pháp phát triển chăn nuôi gắn với du lịch sinh thái - ảnh 3
Du khách tham quan làng Gốm Bàu Trúc - Ninh Thuận

Có thể kể đến các sản phẩm du lịch nông nghiệp điển hình như: Tham quan làng cổ Đường Lâm (Hà Nội); tham quan đồi chè, trang trại bò sữa ở nông trường Mộc Châu (Sơn La); thưởng ngoạn ruộng bậc thang mùa lúa chín ở Mù Cang Chải (Yên Bái), Sa Pa (Lào Cai); làng rau Trà Quế (Quảng Nam); du lịch trải nghiệm vườn rau thủy canh, đồi chè, hoa công nghệ cao ở Đà Lạt (Lâm Đồng); khu đồi trà hoa vàng, ba kích tím ở huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh), tham quan các vườn nho, trang trại cừu, dê ở Ninh Thuận…

Theo Cục Du lịch Quốc gia VN, nhiều sản phẩm từ ngành Nông nghiệp như thực phẩm, đồ uống, hàng thủ công mỹ nghệ, hoa quả, bánh kẹo… của các vùng, miền đã được sử dụng trong hệ thống các nhà hàng, khách sạn của ngành Du lịch. Việc khai thác nghệ thuật ẩm thực mang tính chất vùng, miền để phục vụ khách du lịch cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy hoạt động du lịch nông nghiệp phát triển.

Giải pháp phát triển chăn nuôi gắn với du lịch sinh thái - ảnh 4
Nhiều sản phẩm OCOP được du khách quan tâm

Hiện nay, trong tổng thu nhập của người dân nông thôn, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 27%; trong khi thu nhập từ các hoạt động sản xuất phi nông nghiệp và dịch vụ chiếm 73%.

Các mô hình du lịch nông nghiệp với sự tham gia trực tiếp của người dân bản địa đã tạo nên sự phong phú, hấp dẫn của các sản phẩm du lịch; đồng thời đem lại thu nhập cao hơn cho bà con nông dân, trở thành một phương thức giảm nghèo, hướng tới phát triển bền vững, hiệu quả tại những cộng đồng còn khó khăn và các miền quê trong cả nước…

Giải pháp phát triển chăn nuôi gắn với du lịch sinh thái - ảnh 5
Vườn nho Ninh Thuận thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm

Tại buổi Toạ đàm, sau khi xem phóng sự về các mô hình du lịch sinh thái, sản phẩm nông nghiệp gắn với du lịch và nghe các tham luận từ các địa phương… các đại biểu đã tập trung thảo luận về một số khó khăn, tồn tại và thách thức của các mô hình phát triển sản phẩm nông nghiệp gắn với phát triển du lịch.

Theo Ông Đặng Quý Nhân - Phó Trưởng phòng OCOP (Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương), mặc dù các mô hình khuyến nông gắn với du lịch đã mang lại một số kết quả khả quan, nhưng vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn, thách thức.

Giải pháp phát triển chăn nuôi gắn với du lịch sinh thái - ảnh 6
Giới thiệu sản phẩm nông nghiệp - OCOP tại lễ hội trái cây Khánh Sơn - Khánh Hoà

Ông Nhân cho biết, hiện nay, một số địa phương vẫn chưa có các chính sách hỗ trợ tài chính, đất đai, cũng như nguồn lực để phát triển nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái, nông nghiệp hay du lịch xanh. Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của các mô hình này.

Ngoài ra, ông Nhân cũng chỉ ra rằng, nhận thức của người dân và doanh nghiệp về du lịch nông nghiệp chưa đầy đủ, dẫn đến việc thiếu các kỹ năng cần thiết để cung cấp dịch vụ du lịch chất lượng.

Nhiều hộ sản xuất vẫn duy trì theo thói quen và kinh nghiệm truyền thống, do đó khi tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cũng như tham gia vào các hoạt động dịch vụ du lịch còn gặp nhiều khó khăn. Việc đầu tư vào cảnh quan, máy móc thiết bị sơ chế, chế biến sản phẩm để phục vụ khách du lịch vẫn chưa được chú trọng.

Giải pháp phát triển chăn nuôi gắn với du lịch sinh thái - ảnh 7
Du lịch nông nghiệp đang được nhiều địa phương quan tâm

Ông cũng nhấn mạnh rằng, cơ sở hạ tầng của các mô hình sản xuất gắn kết với du lịch sinh thái vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được những yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với việc phát triển bền vững và nâng cao chất lượng dịch vụ trong lĩnh vực này.

Ông Nhân đề xuất, cần có các chính sách hỗ trợ cụ thể, cùng với việc nâng cao nhận thức và kỹ năng cho người dân, doanh nghiệp tham gia vào du lịch nông nghiệp. Điều này không chỉ giúp khắc phục những khó khăn hiện tại mà còn mở ra tiềm năng phát triển to lớn cho mô hình du lịch nông nghiệp trong tương lai...

Giải pháp phát triển chăn nuôi gắn với du lịch sinh thái - ảnh 8
Lễ hội trái cây Khánh Sơn - Khánh Hoà, thu hút đông đảo du khách đến với địa phương này

Tham ra thảo luận tại buổi Toạ đàm, một số đại biểu cho rằng, trong thời gian tới, các địa phương cần có chính sách hỗ trợ tài chính, đất đai, nguồn lực để phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp hay du lịch xanh…

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn để người dân, doanh nghiệp nâng cao nhận thức về du lịch nông nghiệp nông thôn; nâng cao các kỹ năng cung cấp dịch vụ du lịch cho người làm du lịch nông nghiệp; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và các hoạt động dịch vụ du lịch để người dân chủ động đầu tư cảnh quan, môi trường, máy móc thiết bị chế biến sản phẩm để phục vụ khách du lịch…