Đà Nẵng khôi phục ngành du lịch từ thế mạnh

VHO- Phát triển các ngành dịch vụ trọng tâm, tăng tỷ lệ khách có khả năng chi trả cao, giữ gìn môi trường du lịch và mở rộng thị trường khách quốc tế, tiếp tục phát triển du lịch bền vững và thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố là những mục tiêu cơ bản ngành du lịch Đà Nẵng hướng tới sau khi đẩy lùi dịch bệnh.

Điểm qua doanh thu từ các dịch vụ du lịch chủ chốt  
Theo báo cáo của Cục thống kê thành phố Đà Nẵng, 8 tháng của năm 2021, doanh thu 3 nhóm ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, dịch vụ lữ hành và dịch vụ tiêu dùng khác đạt gần 16.000 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ năm 2020.

Cụ thể, ước tính tháng 8.2021 doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống, dịch vụ lữ hành và dịch vụ tiêu dùng khác đạt 903 tỷ đồng, bằng 66,8% so với tháng trước và giảm 24,9% so cùng kỳ năm 2020. Trong đó, dịch vụ lưu trú dự kiến đạt 368,6 tỷ đồng (chủ yếu phát sinh từ những cơ sở lưu trú dùng làm khu cách ly cho các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm Covid-19), bằng 74,7% so với tháng trước và giảm 16,4% so với tháng cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch trong tháng 8.2021 tiếp tục không phát sinh do các hoạt động liên quan phải tạm ngừng hoạt động để phòng, chống dịch.

Đà Nẵng khôi phục ngành du lịch từ thế mạnh - Anh 1

Tính chung 8 tháng năm 2021, tổng số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ bằng 52,4% so với cùng kỳ

Lũy kế 8 tháng năm 2021, tổng doanh thu của 3 nhóm ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống; dịch vụ lữ hành và dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 15.939 tỷ đồng giảm 13% so với cùng kỳ năm 2020 và chỉ bằng 62,8% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, nhóm dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 8.070 tỷ đồng; nhóm dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch đạt gần 322 tỷ đồng; nhóm dịch vụ tiêu dùng đạt 7.547 tỷ đồng. Cả 3 nhóm dịch vụ trên đều có mức tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm 2020 lần lượt (-14,1%), (-44,6) và (-9,5%) và bằng (60,4%), (21%) và (72,1%) so với cùng kỳ năm 2019.

 Tổng số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ tháng 8.2021 ước đạt 16.400 lượt, bằng 48,7% so với tháng trước và giảm 11,6% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 8 tháng năm 2021, số lượt khách dự kiến đạt hơn 1 triệu lượt, bằng 52,4% so với cùng kỳ; số lượt khách phục vụ tập trung chủ yếu là khách ngủ qua đêm với 921.700 lượt khách tương ứng với 2,196 triệu ngày khách phục vụ; số ngày khách lưu trú bình quân đối với khách quốc tế đạt 2,47 ngày và khách trong nước đạt 2,37 ngày.

Tổng số lượt khách do cơ sở lữ hành phục vụ trong tháng 8 không phát sinh. Tính chung 8 tháng năm 2021, lượt khách do cơ sở lữ hành phục vụ đạt 60.300 lượt, bằng 16,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khách quốc tế đạt 1.300 lượt, bằng 0,7%; khách trong nước gần 59.000 lượt, bằng 37% so với cùng kỳ năm trước. Ngày khách du lịch theo tour ước đạt 197.500 ngày khách và bằng 20% so với cùng kỳ năm 2020.

Tập trung vào khôi phục khách hàng và phát triển sản phẩm tiềm năng

Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, với mục tiêu khôi phục hoạt động du lịch sau ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19, ngành du lịch Đà Nẵng đã xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng, trong đó phấn đấu đến năm 2025, tổng lượng khách tham quan, du lịch Đà Nẵng ước đạt 12,3 triệu lượt khách, tăng 1,4 lần so với năm 2019; tổng thu du lịch ước đạt 61 ngàn tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2019. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của du lịch vào GRDP đạt 27%.

Đà Nẵng khôi phục ngành du lịch từ thế mạnh - Anh 2

Đà Nẵng hướng đến tiếp tục khai thác thị trường khách quốc tế trọng điểm

Định hướng chung là phát triển du lịch bền vững theo 5 định hướng trọng tâm. Về quy hoạch sẽ ưu tiên phát triển du lịch trên toàn thành phố với trọng tâm dọc theo bờ biển Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn (Bờ Đông), ven vịnh Đà Nẵng, khu vực đồi phía Tây và bán đảo Sơn Trà để khai thác hiệu quả các tài nguyên mặt nước tự nhiên, di tích văn hóa lịch sử, cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học. Khi đó toàn bộ thành phố sẽ trở thành một điểm du lịch đặc sắc với 6 nút du lịch theo chuyên đề gồm nút du lịch đô thị tại trung tâm thành phố với điểm nhấn là thành phố cổ; nút du lịch sinh thái cộng đồng tại các vùng núi và hồ chứa phía Tây và bán đảo Sơn Trà; nút du lịch tàu biển tại Cảng Tiên Sa; nút văn hóa, thể thao quanh các trung tâm thể thao, văn hóa thành phố và Di tích quốc gia đặc biệt Danh thắng Ngũ Hành Sơn; nút du lịch ven bờ Đông và nút du lịch ven vịnh Đà Nẵng. 

Phấn đấu về tăng tỷ lệ khách có khả năng chi trả cao và đa dạng hóa các thị trường khách quốc tế. Đối với thị trường nội địa, ngành du lịch Đà Nẵng định hướng tập trung quảng bá du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch giải trí, du lịch MICE, du lịch trải nghiệm điểm check-in mới... đối với thị trường lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Bắc, các tỉnh vùng Tây Nguyên. Mở rộng khai thác các thị trường tiềm năng: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa các tỉnh Tây Bắc và Tây Nam Bộ. Tiếp tục khai thác thị trường khách quốc tế trọng điểm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đông Nam Á, Hồng Kông, Đài Loan, trong đó tập trung vào phân khúc khách chất lượng cao và khách đi tự túc (FIT); mở rộng khai thác thị trường tiềm năng: Ấn Độ, Nga, Úc, Châu Âu, Mỹ và Trung Đông. Cơ cấu lại thị trường khách quốc tế theo hướng tăng tỷ lệ khách từ các thị trường xa (Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Đại Dương) lên 20% và thị trường ASEAN (Thái Lan, Malaysia và Singapore) lên 20%, giảm tỷ lệ khách từ khu vực Đông Bắc Á xuống 57%, điều chỉnh tỷ lệ các thị trường khác ở mức là 3%. 

Cùng với đó, 4 nhóm sản phẩm chủ lực sẽ được ưu tiên phát triển, bao gồm: Du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp; du lịch mua sắm, vui chơi giải trí, golf, hội nghị hội thảo (MICE); du lịch văn hoá, lịch sử, tâm linh, cộng đồng, sinh thái (gắn với nông nghiệp công nghệ cao) và du lịch đô thị gắn với thành phố trung tâm của cả khu vực. Trong đó  đặc biệt chú trọng phát triển sản phẩm, dịch vụ tham gia phát triển kinh tế ban đêm, gắn với đa dạng hóa sản phẩm hỗ trợ như du lịch ẩm thực, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch cưới...

MINH CHÂU
 

Ý kiến bạn đọc