Phát triển du lịch tại các vùng chè:

Tiềm năng lớn nhưng khai thác chưa hiệu quả

LÊ QUANG ĐĂNG - HOÀNG CÚC

VHO - Việt Nam là quốc gia nông nghiệp, có quỹ đất nông nghiệp lớn (diện tích 28.002.600 ha), chiếm 84,5% tổng diện tích tự nhiên cả nước. Đây tiềm năng “có một không hai”, là giá trị tài nguyên lớn không chỉ phát triển nông nghiệp mà còn phát triển các loại hình du lịch nông nghiệp - nông thôn, trong đó có du lịch gắn với các vùng chè.

Tiềm năng lớn nhưng khai thác chưa hiệu quả - ảnh 1
Thái Nguyên có vùng trồng chè lớn nhất cả nước, có nhiều điều kiện để phát triển du lịch gắn với sản phẩm chè

 Chưa thu hút được khách hạng sang

Tính đến hết năm 2023, tổng diện tích chè cả nước khoảng 123.000 ha, trong đó diện tích kiến thiết cơ bản 8.000 ha, diện tích chè kinh doanh 115.000 ha. Tiểu vùng Đông Bắc là khu vực có nhiều vùng chè tập trung và có diện tích chè lớn nhất so với các tiểu vùng khác trong cả nước. Ở tiểu vùng Đông Bắc, Thái Nguyên là địa phương có diện tích chè lớn nhất (và lớn nhất cả nước) với khoảng hơn 22.000 ha, tiếp theo là các tỉnh: Hà Giang (khoảng 21.000 ha), Tuyên Quang (khoảng 8.500 ha), Bắc Kạn (khoảng hơn 2.000 ha), Bắc Giang (khoảng 500 ha), Lạng Sơn (khoảng 450 ha), Cao Bằng (khoảng gần 100 ha).

Thái Nguyên là địa phương có sản lượng, diện tích chè dẫn đầu cả nước, được mệnh danh là “Đệ nhất danh trà”. Cây chè được trồng ở hầu hết các địa phương của tỉnh Thái Nguyên, trong đó nổi bật với 4 địa phương sở hữu các vùng chè lớn và độc đáo: TP Thái Nguyên (vùng chè Tân Cương), huyện Đại Từ (vùng chè La Bằng), huyện Đồng Hỷ (vùng chè Trại Cài), huyện Phú Lương (vùng chè Khe Cốc).

Với giá trị tài nguyên vùng chè được đánh giá đa dạng, độc đáo bậc nhất ở tiểu vùng Đông Bắc, Thái Nguyên hoàn toàn có thể khai thác, phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ du lịch. Tại một số vùng chè Tân Cương, La bằng, Khe Cốc đã hình thành các điểm du lịch cộng đồng, người dân địa phương đã tham gia làm du lịch, xây dựng các mô hình du lịch tham quan, trải nghiệm vùng chè gắn với lưu trú homestay và các hoạt động văn hóa cộng đồng. Tính đến nay, UBND tỉnh Thái Nguyên đã công nhận 6 điểm du lịch cộng đồng, trong đó có hai điểm du lịch cộng đồng sinh thái gắn với văn hóa chè.

Hoạt động du lịch chủ yếu tại các vùng chè của Thái Nguyên gồm tham quan vãn cảnh các đồi chè, cánh đồng chè; checkin chụp ảnh; tham quan các cơ sở sản xuất, chế biến chè; trải nghiệm hái chè, sao chè; pha trà, thưởng trà và nghe những câu chuyện kể về văn hóa trà, lịch sử phát triển của cây chè Thái Nguyên; du lịch kết hợp mua sắm các sản phẩm chè và đặc sản địa phương. Một số lễ hội, sự kiện văn hóa, du lịch của các địa phương cũng được nhiều huyện tổ chức hằng năm có liên quan đến chè và sự kiện festival trà quốc tế được tổ chức không thường xuyên.

Tuy nhiên, hoạt động du lịch gắn với các vùng chè tại Thái Nguyên chủ yếu phục vụ khách đại trà, khách nội tỉnh, cận tỉnh, khách tham quan trong ngày là chủ yếu. Sản phẩm, dịch vụ du lịch tại các vùng chè cơ bản còn nghèo, thiếu dịch vụ lưu trú và các dịch vụ vui chơi, giải trí. Hầu hết các vùng chè của tỉnh Thái Nguyên đều nằm cách trung tâm TP Thái Nguyên không xa, giao thông thuận tiện nên khách chủ yếu đến tham quan các vùng chè rồi về TP Thái Nguyên lưu trú. Tại các vùng chè của Thái Nguyên chưa có cơ sở lưu trú nghỉ dưỡng sinh thái, chưa có sản phẩm dịch vụ du lịch chất lượng cao có khả năng thu hút các phân khúc thị trường khách có khả năng chi tiêu cao và lưu trú dài ngày.

Không nhất thiết phải phát triển du lịch ở tất cả các vùng chè

Mỗi vùng chè ở mỗi địa phương của tiểu vùng Đông Bắc đều có những giá trị tài nguyên chung (gắn với nông nghiệp sản xuất chè) đồng thời có những giá trị đặc trưng riêng, khác biệt, gắn với mảnh đất, văn hóa và đặc điểm tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội ở từng địa phương.

Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch đã đề xuất các giải pháp, nhóm giải pháp nhằm phát triển du lịch tại các vùng chè ở tiểu vùng Đông Bắc. Trong đó, về các nhóm giải pháp chung: Chính quyền địa phương các cấp xây dựng quy hoạch phát triển các vùng chè theo hướng vừa phát triển vùng sản xuất chè vừa đánh giá, xác định giá trị tài nguyên, khoanh vùng tài nguyên vùng chè để phục vụ phát triển du lịch.

Phát triển du lịch tại các vùng chè là cần thiết nhưng không nhất thiết phải phát triển du lịch ở tất cả các vùng chè. Trên cơ sở quy hoạch chung, cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về du lịch ở địa phương xây dựng kế hoạch phát triển du lịch tại các vùng chè theo năm và theo giai đoạn. Đảm bảo công tác phát triển du lịch tại các vùng chè được quan tâm triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, khả thi, phù hợp với nguồn lực và điều kiện thực tế tại địa phương.

Chính quyền địa phương các cấp quan tâm, có chính sách, cơ chế thích hợp hỗ trợ phát triển du lịch tại các vùng chè, đặc biệt là chính sách chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất thương mại dịch vụ; hỗ trợ cộng đồng làm du lịch; hỗ trợ xúc tiến quảng bá du lịch; hỗ trợ chuyển đổi số.

Quan tâm phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển du lịch tại các vùng chè, hạ tầng giao thông kết nối các trung tâm hành chính, các khu du lịch trọng điểm, trục giao thông chính đến các vùng chè và giao thông nội khu tại các vùng chè, đảm bảo thuận tiện cho khách di chuyển. Chú trọng công tác bảo tồn, phục dựng, phát huy, quảng bá văn hóa trà Việt nói chung và văn hóa trà đặc trưng của từng dân tộc, từng vùng, địa phương đến đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế, một mặt quảng văn hóa của Việt Nam, văn hóa của các địa phương, mặt khác tăng cường quảng bá và xúc tiến du lịch, thu hút khách du lịch, làm tăng sự hài lòng của khách du lịch.

Phát triển sản phẩm du lịch tại các vùng chè vừa theo chiều sâu, vừa theo chiều rộng. Mỗi địa phương, vùng chè, căn cứ vào đặc điểm, thế mạnh tài nguyên để định hướng phát triển sản phẩm du lịch phù hợp. Đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề du lịch cho cộng đồng địa phương tham gia làm du lịch nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách tại các vùng chè, đặc biệt chú trọng các nhóm kỹ năng liên quan đến dịch vụ lưu trú, ẩm thực, hướng dẫn - thuyết minh tại điểm, biểu diễn văn nghệ và các kỹ năng khác trong tiếp đón, phục vụ khách du lịch.

Tăng cường chuyển đổi số hỗ trợ phát triển du lịch tại các vùng chè, chú trọng số hóa giá trị tài nguyên du lịch tại các vùng chè, xây dựng bản đồ số và chỉ dẫn địa lý trên các nền tảng bản đồ trực tuyến, tích hợp, cập nhật các vùng chè và cơ sở dịch vụ trên các nền tảng bản đồ trực tuyến và công cụ tìm kiếm trực tuyến.