Ngắm hoàng hôn, thưởng thức trà chiều ở hồ Lục Nhạc

HOÀNG CÚC, ảnh: TUẤN ANH

VHO - Nhằm đa dạng hoá sản phẩm du lịch, tăng trải nghiệm cho du khách, mới đây, Khu du lịch Tam Chúc (thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, Hà Nam) đã ra mắt tour du lịch ngắm hoàng hôn trên hồ Lục Nhạc, thưởng thức trà chiều và tour đêm Tam Chúc.

Ngắm hoàng hôn, thưởng thức trà chiều ở hồ Lục Nhạc - ảnh 1
Ngắm hoàng hôn trên hồ Lục Nhạc ở Khu du lịch Tam Chúc

Câu chuyện truyền cảm hứng ở Tam Chúc

Khi chiều buông, trong ánh hoàng hôn hồng tím, du khách tham có thể tham gia các tour này trên du thuyền VIP, thưởng thức trà, bánh ngọt và nhìn ngắm bức tranh hùng vĩ, nghe những truyền thuyết thú vị về mảnh đất này.

Nếu may mắn, vào những ngày trời đẹp, du khách sẽ bắt gặp hàng ngàn cá thể cò, vạc bay rợp trời tạo nên cảnh quan thiên nhiên sơn thủy hữu tình.

Tam Chúc là một quần thể danh thắng tâm linh rộng lớn, trong đó có chùa Tam Chúc - một trong những ngôi chùa lớn nhất thế giới. Nơi đây không chỉ có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ hùng vĩ, đẹp tựa chốn bồng lai mà còn là nơi nuôi dưỡng, phát triển, truyền bá những giá trị văn hóa Phật giáo mang tầm quốc tế.

Toàn bộ khu du lịch Tam Chúc nằm trọn vẹn và ẩn mình trong quần thể núi đá vôi ngập nước độc đáo với phong cảnh nước non hùng vĩ và hữu tình, gắn liền với truyền thuyết “Tiền Lục Nhạc - hậu Thất Tinh”.

Truyền thuyết lưu truyền rằng: “Thuở xưa, trời đất còn gần nhau, các nàng tiên nữ xuống trần gian chơi. Đi qua Tam Chúc, thấy phong cảnh hữu tình nên mê mẩn đến quên đường về. Nhà trời mỗi lần gọi về sẽ ném xuống một quả chuông, ném đến sáu lần mà các nàng vẫn say sưa ngắm cảnh. Sáu quả chuông ném xuống đó chính là sáu ngọn núi nằm rải rác khắp hồ nước lớn trước cảnh chùa Tam Chúc hiện nay, hay còn gọi là “Tiền lục nhạc”.

Trên dãy núi 99 ngọn nằm ở phía Tây Nam hướng về chùa Hương có 7 ngọn gần làng Tam Chúc. Tích xưa kể rằng, khi ấy, cả 7 ngọn núi này đều xuất hiện những đốm sáng lớn tựa như 7 ngôi sao.

Ngắm hoàng hôn, thưởng thức trà chiều ở hồ Lục Nhạc - ảnh 2
Tam Chúc là một quần thể danh thắng tâm linh rộng lớn nằm tại thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam

Ánh sáng lung linh từ trên cao rọi xuống một vùng rộng lớn, dân làng gọi đó là núi Thất Tinh. Có người xấu muốn phá đi 7 ngôi sao để kìm hãm thế đất ấy. Họ chất củi thành đống lớn và đốt nhiều ngày khiến cho 4 ngôi sao bị mờ dần đi và cuối cùng chỉ còn lại 3 ngôi sao. Vì thế, thị trấn của huyện Kim Bảng có tên gọi Ba Sao được lấy từ tích ấy.

Khu du lịch quốc gia Tam Chúc, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn, được nhiều du khách yêu thích, đặc biệt là mỗi độ Xuân về.

Đây là địa điểm tâm linh an lành, thân thiện và lớn bậc nhất tại Việt Nam. Với quy mô hoành tráng cùng nhiều điểm du lịch độc đáo, thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoài nước đến thực hiện các nghi lễ tâm linh và tham quan, trải nghiệm an lành thân thiện.

Nơi đây còn lưu giữ những dấu tích huyền thoại của các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần cùng dấu chân của Thiền sư Nguyễn Minh Không trên bước đường xây dựng chùa, tu hành cứu nhân độ thế của ngài.

Nằm cách Hà Nội khoảng 60km, Tam Chúc là vùng đất địa linh bởi địa thế "tựa sơn hướng thủy". Quần thể chùa Tam Chúc nằm ẩn mình trong quần thể núi đá vôi ngập nước hình tay ngai.

Ngắm hoàng hôn, thưởng thức trà chiều ở hồ Lục Nhạc - ảnh 3
Khách du lịch tham gia tour ngắm hoàng hôn và thưởng thức trà chiều trên hồ Lục Nhạc bằng du thuyền VIP

Ngôi chùa ngày nay được xây dựng trên nền ngôi chùa Tam Chúc cổ tự có niên đại hơn 1.000 năm. Lễ hội Tam Chúc được phục dựng lại theo tích cổ cách đây 1.000 năm trên tuyến đường hành hương kết nối di sản: Chùa Vàng - Tràng An - Cố đô Hoa Lư - Chùa Bái Đính - Vân Long (Ninh Bình) - Chùa Đồng Tâm (Hòa Bình) - Chùa Tam Chúc (Hà Nam) - Chùa Hương Sơn - Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội).

Tam Chúc được thi công bởi rất nhiều thợ thủ công lành nghề đến từ nhiều quốc gia khác nhau, từ nhiều tôn giáo khác nhau gồm Phật giáo, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo, Hin đu giáo, nhưng vẫn mang đậm dấu ấn của kiến trúc chùa cổ Bắc Bộ Việt Nam.

Quần thể chùa Tam Chúc là sự kết nối hài hòa giữa quá khứ, hiện tại và tương lai; là sự phối hợp nhuần nhuyễn, tinh tế giữa nền văn hóa phương Đông và phương Tây dựa trên nền tảng Phật giáo, được thể hiện qua bàn tay tạo tác khéo léo của những nghệ nhân điêu khắc đến từ Việt Nam, Ấn Độ và Indonesia.

Chùa Tam Chúc được đánh giá là biểu tượng của sự đoàn kết và hòa hợp giữa các tôn giáo trên toàn thế giới. Tháng 5.2019, chùa Tam Chúc là nơi đăng cai tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019.

Ngắm hoàng hôn, thưởng thức trà chiều ở hồ Lục Nhạc - ảnh 4
Tam Chúc còn là bảo tàng thiên nhiên về đa dạng sinh học

Tam Chúc không chỉ là nơi lưu trữ các giá trị văn hóa, lịch sử mà còn là bảo tàng thiên nhiên về đa dạng sinh học. Hiện nay, khu bảo tồn loài voọc mông trắng cùng các loài sinh vật cảnh khác ở Tam Chúc có diện tích lên tới 3.182 ha. Đây là một trong những loài động vật quý hiếm đang được bảo tồn nghiêm ngặt.

Ngắm hoàng hôn, thưởng thức trà chiều ở hồ Lục Nhạc - ảnh 5
Có hàng vạn cá thể cò, vạc đang sinh sống trên đảo ở giữa hồ Lục Nhạc

Tam Chúc được biết đến là một nơi bồng lai tiên cảnh, một chốn bình yên để thức tỉnh và chữa lành thân - tâm, hướng đến một cuộc sống an lạc, hạnh phúc.

Ngoài tour ngắm hoàng hôn và tour đêm Tam Chúc, khách du lịch cũng có thể trải nghiệm tour thiền trà, thiền chuông trong ánh hoàng hôn ngay tại sân chính điện.

Đón đầu xu hướng du lịch chữa lành, trải nghiệm, thiền, Khu du lịch Tam Chúc đã xây dựng khu cắm trại ngoài tháp chuông, phù hợp cho giới trẻ.

Ngắm hoàng hôn, thưởng thức trà chiều ở hồ Lục Nhạc - ảnh 6
Trải nghiệm thiền trà, thiền chuông ở sân chính điện chùa Tam Chúc

Đặc biệt, trên các du thuyền, Khu du lịch Tam Chúc cũng tổ chức các bữa tiệc cao cấp, đáp ứng nhu cầu của khách inbound có thời gian dài khám phá và khả năng chi trả cao.

Khách xá Tam Chúc với thiết kế tinh tế, tỉ mỉ, mang dáng dấp của phong cách truyền thống, mang tới không gian an lành của Quần thể văn hóa tâm linh Tam Chúc, nghỉ dưỡng chữa lành với các trải nghiệm tại nhà Tuệ Tĩnh trong khuôn viên. Khách xá có quy mô 160 phòng, tương đương 4 sao, có phòng Tổng thống. Phòng Hội nghị tại Khách xá có sức chứa 400 chỗ, đáp ứng được nhu cầu của các đoàn khách du lịch MICE lớn.

Tại toạ đàm “Kết nối toàn diện sản phẩm Tam Chúc 2024- 2025”, ông Trần Thanh Sáng, Giám đốc kinh doanh Công ty Du lịch dịch vụ Chân Tâm quản lý Khu du lịch Tam Chúc cho biết: “Khu du lịch Tam Chúc nằm trong quần thể du lịch gắn liền với con đường di sản trong tương lai mà Tập đoàn Xuân Trường hi vọng sẽ tạo ra để khai thác tại khu vực miền Bắc; kết nối Hoa Lư, Khu du lịch Bái Đính, Tràng An (Ninh Bình) và chùa Hương (Hà Nội)”.

Sản phẩm chủ đạo của Khu du lịch Tam Chúc hiện nay là du lịch tâm linh. Sự đa dạng, tiềm năng kết nối với các sản phẩm khác sẽ là chất liệu để các doanh nghiệp du lịch tạo nên các cung đường tour, sản phẩm du lịch tâm linh đầu năm cũng như các sản phẩm mang tính trải nghiệm của Hà Nam - Ninh Bình - Hà Nội.

“Sản phẩm du lịch của Khu du lịch Tam Chúc rất đa dạng, mang tính chất tổng hợp các loại hình du lịch tâm linh, văn hoá, tín ngưỡng, sinh thái, thể thao, chăm sóc sức khoẻ… Gần đây, Khu du lịch Tam Chúc tổ chức giải chạy Sacombank quy mô 3.000 - 5.000 người. Với các sản phẩm đa dạng, chúng tôi hướng tới việc xoá bỏ tính mùa vụ của du lịch miền Bắc ở đây”, ông Sáng nói.

Với phòng hội nghị sức chứa lên tới 2.000 người, trước đó, Khu du lịch Tam Chúc được tín nhiệm giao nhiệm vụ tổ chức nhiều sự kiện trọng đại mang tính quốc tế như: Đại lễ Vesak 2019; Tuần lễ văn hóa kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản,…

Ngắm hoàng hôn, thưởng thức trà chiều ở hồ Lục Nhạc - ảnh 7
Khách xá Tam Chúc có quy mô 160 phòng, tương đương 4 sao, có phòng Tổng thống

Đưa Khu du lịch quốc gia Tam Chúc thành trung tâm du lịch hấp dẫn

Ngày 15.5.2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 526/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể Khu du lịch quốc gia Tam Chúc, tỉnh Hà Nam đến năm 2030. Theo đó, diện tích vùng lõi ưu tiên tập trung phát triển Khu du lịch quốc gia Tam Chúc là 4.000 ha.

Mục tiêu phát triển chung là đến năm 2025, Khu du lịch quốc gia Tam Chúc cơ bản đáp ứng các tiêu chí của Khu du lịch quốc gia. Phấn đấu đến năm 2030, Khu du lịch quốc gia Tam Chúc có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, sản phẩm du lịch chất lượng cao, hình thành thương hiệu du lịch, có đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Ngắm hoàng hôn, thưởng thức trà chiều ở hồ Lục Nhạc - ảnh 8
Mới đây, đoàn khảo sát gồm hơn 200 đại biểu đại diện doanh nghiệp lữ hành trên toàn quốc và đại diện các cơ quan thông tấn báo chí đã tới Tam Chúc, tham gia toạ đàm “Kết nối toàn diện sản phẩm Tam Chúc 2024- 2025”

Cùng với các cụm du lịch phụ cận trở thành trung tâm du lịch hấp dẫn của vùng Đồng bằng sông Hồng, Duyên hải Đông Bắc và cả nước.

Khu du lịch quốc gia Tam Chúc đặt mục tiêu đến năm 2025 đón khoảng 3,7 triệu lượt khách, trong đó, khách du lịch quốc tế đạt 470 nghìn lượt, tổng thu từ du lịch đạt 1.100 tỉ đồng. Năm 2030 đón 6 triệu lượt khách, trong đó có 750 nghìn khách quốc tế, tổng thu du lịch đạt 1.700 tỉ đồng.  

Tham gia toạ đàm “Kết nối toàn diện sản phẩm Tam Chúc 2024- 2025”, ông Nguyễn Xuân Trung, Tổng giám đốc Khu du lịch Tam Chúc cho biết: “Để tăng cường thu hút lượng khách du lịch nội địa và quốc tế tới Tam Chúc, chúng tôi sẽ tạo điều kiện tốt nhất để phục vụ du khách, nâng cao chất lượng dịch vụ, làm mới các sản phẩm, gia tăng trải nghiệm cho du khách”.