Hà Nam- điểm hẹn đầu tư và điểm đến lý tưởng
VHO - Ngày 18.10, trong khuôn khổ Tuần Văn hóa, Du lịch Hà Nam năm 2024, UBND tỉnh Hà Nam tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư và phát triển du lịch tỉnh Hà Nam với chủ đề “Hà Nam- hành trình kết nối”.
Nâng cao thương hiệu, vị thế điểm đến Hà Nam
Sự kiện này được tổ chức nhằm nâng cao thương hiệu, vị thế của Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới và quảng bá Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á của Hà Nam.
Đồng thời, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư trong lĩnh vực phát triển dịch vụ du lịch, những nét đặc sắc hấp dẫn, giá trị nổi bật về tài nguyên du lịch, các điểm đến và sản phẩm du lịch độc đáo nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước về đầu tư phát triển du lịch tại tỉnh Hà Nam.
Tiếp tục mở rộng liên kết phát triển du lịch trong nước và quốc tế, tạo cơ hội để các doanh nghiệp lữ hành tìm hiểu, mở rộng thị trường, xây dựng các tour, tuyến du lịch hấp dẫn giới thiệu đến du khách trong nước và quốc tế.
Tham dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư và phát triển du lịch tỉnh Hà Nam năm 2024 có Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam Lê Thị Thuỷ; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Nam Đinh Thị Lụa; Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy; Phó đại sứ, Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam Ishikawa Isamu.
Tham dự còn có lãnh đạo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, các đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL, Viện nghiên cứu phát triển du lịch, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia du lịch trong nước và quốc tế, giảng viên các trường Đại học đào tạo ngành Du lịch thuộc Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Văn hoá Hà Nội...
Hội nghị còn thu hút rất đông đại biểu đại diện Đại sứ quán Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Italia..., các tổ chức du lịch quốc tế, các tập đoàn quốc tế đang đầu tư trong lĩnh vực du lịch, đại diện Japan Desk Hà Nam, các doanh nghiệp Nhật Bản và quốc tế đang đầu tư tại tỉnh Hà Nam; Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội; lãnh đạo Sở VHTTDL, Sở Du lịch, Trung tâm xúc tiến du lịch trên cả nước; các Hiệp hội Du lịch, doanh nghiệp du lịch; các nhà đầu tư; các tập đoàn kinh tế, đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Nam Lê Thị Thủy cho biết: “Hội nghị Xúc tiến đầu tư và phát triển du lịch tỉnh Hà Nam là dịp để Hà Nam tiếp tục định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, nâng cao thương hiệu, vị thế Điểm đến văn hoá địa phương hàng đầu thế giới”.
Theo bà Lê Thị Thủy, năm 2023, Hà Nam đón hơn 4 triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt hơn 3.000 tỉ đồng. 9 tháng đầu năm 2024, Hà Nam đón khoảng 4,2 triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt hơn 3.200 tỉ đồng, qua đó đóng góp tích cực và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực khác.
Du lịch Hà Nam đang dần khẳng định thương hiệu là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách, liên tiếp trong hai năm 2023 và 2024 Hà Nam được Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới vinh danh là Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới và Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á.
Tỉnh đang quyết tâm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh và các nguồn lực để phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, xây dựng Hà Nam thành điểm đến hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng.
Thu hút du lịch cũng giống như tình yêu
Chia sẻ tại Hội nghị, ngài Ishikawa Isamu, Phó Đại sứ, Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, tỉnh Hà Nam đã có nhiều nỗ lực để phát triển ngành Du lịch trong những năm gần đây.
“Người ta thường nói rằng “du lịch là ngành công nghiệp hòa bình”, có vai trò giúp chúng ta tiếp xúc, giao lưu với các nền văn hóa và lịch sử khác nhau cũng như góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau xuyên biên giới. Du lịch là ngành thực sự thích hợp để Chính phủ đẩy mạnh tăng trưởng và cũng là ngành đem lại hiệu quả kinh tế lớn”, ngài Ishikawa Isamu cho biết.
Ngài Ishikawa Isamu kể: “Tôi đã làm việc tại Tổng lãnh sự quán Nhật Bản ở Thượng Hải (Trung Quốc) trong ba năm kể từ năm 2012. Trên cương vị Trưởng Ban Kinh tế, tôi đã đẩy mạnh việc thu hút gia tăng số lượng khách du lịch Trung Quốc đến thăm Nhật Bản. Tôi đã xây dựng một đội ngũ vững mạnh, hợp tác chặt chẽ với các công ty du lịch Trung Quốc và hơn nữa đã xúc tiến cải thiện cơ chế chính sách về thị thực…”
Khi ông Ishikawa Isamu kết thúc nhiệm kỳ và rời Thượng Hải vào mùa hè năm 2015, số lượng khách du lịch Trung Quốc đến Nhật Bản từ khu vực Thượng Hải (giai đoạn 2012- 2015) đã tăng gấp khoảng 6 lần, hiệu quả kinh tế hàng năm đạt khoảng 500 tỉ Yên Nhật.
Ngày nay, doanh thu từ khách du lịch nước ngoài của Nhật Bản có quy mô đứng sau ngành công nghiệp ô tô, ngành xuất khẩu lớn nhất của Nhật Bản.
Ông Ishikawa Isamu cho biết đây là lần đầu tiên ông đến thăm tỉnh Hà Nam và là tỉnh đầu tiên tôi đến thăm ngoài thành phố Hà Nội. Ông nói rằng, thu hút du lịch cũng giống như tình yêu. Trước hết, phải cho đối phương biết đến sự tồn tại của mình, mài giũa để trở nên thật quyến rũ và truyền tải về sự quyến rũ đó, cũng như hiểu rõ về sở thích của đối phương và tìm hiểu về tình địch, toàn bộ quá trình này là cần thiết”.
Nói rằng Hà Nam là điểm đến rất đẹp, ông Ishikawa Isamu cho biết lần tới sẽ đưa gia đình, đồng nghiệp và bạn bè đi thăm tỉnh Hà Nam với tư cách cá nhân, ở lại đây và tự mình trải nghiệm sự hấp dẫn của tỉnh Hà Nam, trong đó có cả những món ăn ngon tuyệt vời. Thông qua đó, giới thiệu với mọi người về nét quyến rũ của tỉnh Hà Nam.
Tạo mọi điều kiện thuận lợi thu hút nhà đầu tư và du khách
Ông Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Thời gian tới sẽ tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch để khách du lịch có thể trải nghiệm các dịch vụ, sản phẩm khác nhau ở Hà Nam”.
Để thúc đẩy phát triển du lịch, thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch, tỉnh Hà Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện, triển khai thực hiện hiệu quả các quy hoạch, đề án, dự án đã được phê duyệt. Trong đó, Chủ tịch Trương Quốc Huy nhấn mạnh trọng tâm là Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050; Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Tam Chúc, tỉnh Hà Nam đến năm 2030 và quy hoạch các khu, điểm có tiềm năng phát triển du lịch.
Đồng thời, tập trung huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, từ hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng thương mại, hạ tầng thông tin…
“Chúng tôi sẽ không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh; đặc biệt là xây dựng chính sách, cơ chế khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển du lịch, sản phẩm du lịch mới, mang đặc trưng du lịch Hà Nam, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước”, ông Trương Quốc Huy nói.
Tỉnh Hà Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi, ưu tiên đầu tư phát triển nguồn nhân lực du lịch. Hỗ trợ, kết nối và khuyến khích các tổ chức, cá nhân đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tổ chức nghiên cứu thị trường, thu thập thông tin, xu hướng của khách du lịch; xây dựng các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch phù hợp từng giai đoạn, đối tượng khách, đặc biệt là các thị trường khách quốc tế.
Một nội dung đặc biệt quan trọng là đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động quản lý, quảng bá, phát triển lĩnh vực du lịch sẽ được chú trọng thực hiện.
* Tại Hội nghị đã diễn ra Lễ ký kết hợp tác giữa UBND tỉnh Hà Nam với các nhà đầu tư, tập đoàn kinh doanh du lịch: Tập đoàn Sun Group; Công ty Cổ phần Flamingo Redtours; Tổng Công ty Du lịch Hà Nội; Công ty TNHH NN MTV Du lịch Công Đoàn Hà Nội; Công ty du lịch Vietravel, Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội; Công ty TNHH Sự kiện và Lữ hành CỘNG; Công ty Cổ phần Dịch vụ Giải trí Hà Nội.
Lễ ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa Sở VHTTDL tỉnh Hà Nam với Sở Du lịch Bình Định và Sở VHTTDL Hà Giang.