Du lịch dã ngoại cho học sinh:

Bài 2 - Đề cao trách nhiệm ngoài sách vở

TẠ DŨNG - NGUYÊN ĐỨC

VHO - Không ít giáo viên cấp THCS và THPT đều thừa nhận, khối lượng kiến thức từ giáo khoa của học sinh hiện rất nặng. Học sinh không chỉ phải giỏi các môn học mà còn phải đáp ứng nhiều yêu cầu từ nhà trường và gia đình, đến mức bị thui chột mọi cảm xúc tự nhiên nhất.

Để thay đổi điều này, ngành GD&ĐT nên chăng cần quan tâm xây dựng những chương trình giáo khoa hợp lý hơn, có thể giảm kiến thức mà giúp trẻ trau giồi những kỹ năng cuộc sống, nhất là về nhận thức, cảm xúc trách nhiệm…

Những giá trị ở ngoài trang giấy

Thầy giáo Trần Văn Thanh, cựu giáo viên môn toán Trường THCS Hoàng Văn Thụ (Đà Nẵng) chia sẻ, những đòi hỏi kiến thức ở nhà trường đang tạo ra áp lực lớn với các thế hệ trẻ.

Càng theo đuổi thành tích học tập tốt hơn, nắm bắt nhiều kiến thức hơn, cả nhà trường và gia đình càng tạo ra nhiều câu chuyện đau lòng về tổn thương tâm lý, tinh thần, bạo bệnh của trẻ em. Mỗi khi có sự việc phanh phui, cả cộng đồng xã hội lên án, chỉ trích người lớn sai lầm.

Bài 2 - Đề cao trách nhiệm ngoài sách vở - ảnh 1
Học sinh tham quan Đại nội Huế

Song sau đó, thì thực trạng các thế hệ trẻ phải chịu áp lực bồi bổ kiến thức quá tải, vẫn tiếp tục diễn ra. Những bộ sách giáo khoa dày hơn, những cặp sách nặng hơn và nhiều đứa trẻ vẫn phải ngồi vào bàn học từ 7 giờ sáng tới 10 giờ đêm…

“Người lớn chúng ta luôn có lý do vì tương lai cho bọn trẻ, mà không nghĩ rằng, những lý do đó, ở góc cạnh tâm lý, là gông xiềng tuổi thơ. Chí ít, những đứa trẻ cần sống tự nhiên, học những kỹ năng cuộc sống qua cư xử, lao động hàng ngày. Phải thay đổi cảnh bọn trẻ chỉ cắm đầu vào học, ở lì trong phòng, tiếp xúc thế giới qua màn hình điện tử”. Thầy Trần Văn Thanh nhận xét.

Đây là lý do để “ông thầy kiếm chuyện” Phạm Vũ Thanh An (Nha Trang) xây dựng những kịch bản, chương trình ngoại khóa, đề xuất mô hình hoạt động trải nghiệm gắn với giáo dục thể chất, cho những học sinh ở trường. Đây cũng không phải cá nhân duy nhất nghĩ đến yêu cầu đưa học sinh thoát khỏi áp lực học tập, tìm kiếm những giá trị tích cực hơn “ngoài trang giấy”.

Bài 2 - Đề cao trách nhiệm ngoài sách vở - ảnh 2
Các bạn trẻ được làm quen với Nhã nhạc Cung đình

Chương trình giáo dục di sản trong trường học trên địa bàn thành phố Huế, là một trong những hoạch định như vậy, thông qua quan hệ liên kết “thay đổi chất lượng giáo dục” giữa Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và phòng Giáo dục Đào tạo thành phố Huế.

Qua ký kết của hai đơn vị này, từ năm 2022 đến nay, tại Huế đã có hơn 57 ngàn lượt học sinh và giáo viên tham gia hoạt động tham quan, tập huấn… theo các chương trình học tập ngoại khóa, tại các điểm di tích, bảo tàng… văn hóa lịch sử địa phương.

Các học sinh này, được bố trí các nội dung hoạt động, thông tin nắm bắt tùy theo nhóm đối tượng, từ cấp học mầm non đến THPT, với 18 chương trình cụ thể. Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, điều quan trọng là, các học sinh khi tham gia hoạt động ngoại khóa, sẽ được tham quan các địa điểm, di tích, danh thắng, tham gia các hoạt động ngoài trời, vừa rèn luyện thể chất, vừa nắm bắt kiến thức về văn hóa di sản qua các trò chơi, sự kiện hoạt náo.

“Chúng tôi cho rằng, những hoạt động ngoài lớp học đã giúp các em thêm cảm xúc, tự tin trong sinh hoạt, giao tiếp, phần nào cải thiện những áp lực nhất định từ môi trường học tập”. Đại diện truyền thông Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chia sẻ.

Cần những thay đổi tích cực hơn

Tuy nhiên, với những người trong cuộc, yêu cầu thay đổi tâm lý, cảm xúc của các lớp học trẻ, qua hoạt động ngoại khóa, dù đã tạm rời đi áp lực kiến thức của nhà trường đơn thuần, cũng vẫn chưa đủ để các thế hệ bạn trẻ hôm nay thực sự hòa nhập, thực sự nắm bắt được các cảm xúc, nhận thức tự nhiên.

Theo thầy giáo Phạm Vũ Thanh An, đây là một vấn đề không đơn giản, nhưng nếu các thế hệ người lớn đi trước, cụ thể là những người trong ngành giáo dục trước đây, chỉ cần nhìn nhận lại môi trường cuộc sống từng có của mình, lấy từ những bài học, hoạt động quá khứ ấy, đã tạo nên một thay đổi lớn, giúp cho các học sinh hôm nay cảm thụ tốt hơn môi trường cuộc sống.

Bài 2 - Đề cao trách nhiệm ngoài sách vở - ảnh 3
Cùng học trải nghiệm bảo vệ môi trường ở di tích Huế

“Thuở nhỏ của mình, là được tự do đi chơi, ít phải học tập kiến thức, mà có thể thoải mái vận động, cùng bạn bè đùa nghịch, giúp gia đình làm các công việc khác nhau, kể cả phụ giúp ba mẹ bán hàng quán, trồng cây cối. Những trò chơi thiếu niên trước đây, chủ yếu tự chế tạo ra, cùng bạn bè chia sẻ và quây quần với nhau, thật sự rất khác với môi trường giải trí hiện nay. Nếu chúng ta có thể tái hiện lại những trò chơi ấy, xây dựng lại những môi trường sinh hoạt và giải trí như vậy, bọn trẻ sẽ có thể được giải phóng ra bên ngoài phòng học”. Thầy Phạm Vũ Thanh An nhìn nhận.

Theo thầy Trần Văn Thanh, chí ít để thay đổi bối cảnh giáo dục ngoại khóa lâu nay, đưa học sinh ra khỏi lớp học, tìm đến thiên nhiên nhiều hơn, các trường lớp cần có chủ trương tập hợp những giáo viên, phụ huynh và các học sinh yêu thích vận động, tìm hiểu khoa học, lịch sử, văn hóa… để tổ chức các hoạt động trải nghiệm khám phá tự nhiên; tổ chức tuyên truyền, cổ vũ, xây dựng ở các địa bàn trường học những mô hình câu lạc bộ khoa học học đường; tổ chức trao đổi các mô hình giáo dục thể chất tích cực, đưa những tiêu chí ngoại khóa ở chương trình giáo dục phổ thông vào thực tiễn giao tiếp thầy trò.

Bài 2 - Đề cao trách nhiệm ngoài sách vở - ảnh 4
Thầy giáo Thanh An cùng các em học sinh luyện tập kỹ năng thuyết trình

Thực tế những hoạt động điền dã, tham quan bên ngoài mà thầy trò thầy Phạm Vũ Thanh An đã tổ chức ở Nha Trang, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xây dựng ở thành phố Huế, đang tạo hiệu ứng xã hội nhất định, từ chính góc độ của nhiều phụ huynh học sinh.

Nhiều ý kiến từ phụ huynh ghi nhận sự tiến bộ hơn của các bạn trẻ, sau mỗi chuyến trải nghiệm, sinh hoạt ngoài trời. Vấn đề chỉ còn là, những môi trường ngoại khóa ấy nên tổ chức ra sao để hiệu quả hơn.