Du lịch nông nghiệp - nông thôn Quảng Nam:

Bài 1: Kinh nghiệm từ một làng rau

TẠ ĐÌNH DŨNG - THUỴ BẤT NHI; ảnh TTVH HỘi AN

VHO -Hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn do Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc phối hợp Bộ VHTTDL sẽ được tổ chức tại Quảng Nam vào ngày 10.12 đang thu hút nhiều tổ chức du lịch quan tâm.

Đây là lần đầu tiên, vấn đề khai thác du lịch canh nông đặt ra rõ ràng mà không phải tự nhiên, Quảng Nam được chọn làm điểm giới thiệu mảng du lịch đặc thù này.

Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An chia sẻ, Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc (UN Tourism) đã công bố, vinh danh 55 làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2024, trong đó làng rau Trà Quế (Hội An, Quảng Nam), là đại diện duy nhất của Việt Nam ở danh sách năm nay.

Thành quả một quá trình

Ông Nguyễn Văn Lanh nói: “Đây là niềm vui lớn của bà con Trà Quế và Hội An chúng tôi. Thực tế, UN Tourism mới chứng nhận 130 làng trên toàn thế giới, mà Việt Nam có 3 làng: Thái Hải (Thái Nguyên) năm 2022, Tân Hóa (Quảng Bình) năm 2023 và giờ đến Trà Quế. UN Tourism nhận xét, làng rau Trà Quế là điểm đến đáng chú ý, với truyền thống nông nghiệp và di sản văn hóa lâu đời. Công nhận này rất ý nghĩa, đúc kết nhiều giá trị của cả làng trong thời gian qua”.

Bài 1: Kinh nghiệm từ một làng rau - ảnh 1
Đồng rau Trà Quế

Qua mô tả, làng Trà Quế hình thành từ thế kỷ XVI, cách phố cổ Hội An 3 km về hướng Đông Bắc, có dạng đảo sông gần biển, bao quanh là sông Cổ Cò và đầm Trà Quế.

Vì thế, khu vực này có khí hậu ôn hòa, thổ nhưỡng tươi tốt, thuận lợi phát triển nghề trồng rau. Các loại rau ở Trà Quế cung ứng cho người dân quanh vùng Hội An và ra Đà Nẵng, chủ yếu là rau xanh thực phẩm và rau gia vị…

Ở quá khứ, qui mô làng rau Trà Quế không lớn, sản lượng hạn chế. Song từ khi Hội An trở thành di sản văn hóa, vùng đô thị cổ thay đổi với sự kết nối du lịch ngày càng tăng, các khu vực tiệm cận như Trà Quế cũng có hiệu ứng lan tỏa. Các loại rau ở làng bởi tính chất tươi ngon và hương vị đậm đà, được nhiều du khách, người dùng tán thưởng, đã thu hút các nhà hàng, quán ăn chọn mua. Trong danh mục các sản vật du lịch Hội An, rau Trà Quế từ đó dần dần nổi bật.

Bài 1: Kinh nghiệm từ một làng rau - ảnh 2
Trải nghiệp không gian du lịch canh nông ở Trà Quế

Khi vấn đề du lịch trải nghiệm được đặt ra, lãnh đạo Hội An nhận ra cơ hội, đã chỉ đạo phát triển chuyên canh với làng rau Trà Quế. Người dân được hỗ trợ kiến thức canh tác khoa học, tổ chức chuyên canh tăng sản lượng, cũng như cải tạo hạ tầng phục vụ thu hoạch.

Văn hóa của làng qua đó cũng được chú trọng, người dân tu sửa các di tích lịch sử như giếng đá Chăm, miếu Thổ thần, miếu Ngũ hành…, phục dựng các tập tục tín ngưỡng, như lễ cúng Cầu Bông…

Tiếp đó, khi vấn đề du lịch canh nông được đề ra, làng rau Trà Quế nổi bật bởi hội tụ nhiều yếu tố, là làng nghề truyền thống nằm cạnh phố cổ, lịch sử hơn 500 năm, có sẵn nhiều hoạt động văn hóa bản địa… Chính quyền Hội An quyết định chọn làng làm mô hình tập trung, đưa du khách đến trải nghiệm canh tác sản xuất, qua đó xây dựng thành điểm đến hấp dẫn.

Năm 2022, nghề trồng rau Trà Quế được Bộ VHTTDL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, “loại hình tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống”. Điều này càng tạo thuận lợi để làng rau phát triển, thực sự là điểm du lịch canh nông.

Ba lưu ý phát triển

Theo ông Nguyễn Văn Lanh, làng rau Trà Quế hiện có 202 hộ dân với 326 lao động, đang tổ chức chuyên canh trên diện tích 18 ha đất nông nghiệp, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Hướng đầu tư du lịch canh nông ở Trà Quế, Hội An theo đó định vị rõ nét. Đến nay, thêm xác nhận vị thế làng du lịch tốt nhất từ Tổ chức Du lịch thế giới, làng rau sẽ tăng “điểm cộng hấp dẫn”.

Tuy nhiên, từ góc độ quản lý, ông Lanh lưu ý ba điểm cần quản trị cho làng rau Trà Quế, cũng là ba vấn đề đáng chú ý để du lịch canh nông bền vững.

Bài 1: Kinh nghiệm từ một làng rau - ảnh 3
Du khách vui thích khi được làm nông dân

Thứ nhất, làng rau phải tiếp tục phát triển ổn định, giữ nguyên các yếu tố truyền thống, tôn vinh các giá trị bền vững như không gian sinh hoạt, nhất là văn hóa bản địa, tránh rơi vào “bẫy thương mại hóa du lịch” như một số nơi đã vấp phải. Hiện trạng làng cần được bảo quản và duy trì, tránh nạn bê tông hóa cũng như các hoạt động cơ giới, điện tử hóa… trong nếp sống của người dân.

Thứ hai, tổ chức hoạt động canh tác sản xuất, thu hút du khách với các sản phẩm du lịch tại chỗ, như học làm nông dân, cùng trồng rau, thu hoạch, học nấu ăn… cần liên tục được đổi mới, biến thể độc đáo, dồi dào, đa dạng, hấp dẫn hơn.

Lợi thế công nghệ số hóa trong hoạt động du lịch cũng cần khai thác tốt hơn, giúp quảng bá hiệu quả, tạo nhiều thuận tiện cho du khách như thanh toán, được thực nghiệm một số mô hình “thực tế ảo” gắn với hành động trực tiếp…

Song điều này cũng phải đi kèm các giải pháp chống quá tải du lịch, hạn chế du khách tập trung một thời điểm, ảnh hưởng chất lượng trải nghiệm… “Chúng ta cần hướng dẫn du khách trân quý vùng di sản với số lượng vừa phải, cũng là một cách tổ chức làm du lịch sao cho chất lượng”, ông Lanh nhấn mạnh.

Bài 1: Kinh nghiệm từ một làng rau - ảnh 4
Du khách học nấu ăn ở Trà Quế

Cuối cùng, sản phẩm rau Trà Quế cần được “thương mại điện tử” hiệu quả hơn, vừa thêm sản lượng vừa có chất lượng chuyên sâu để tăng giá trị hàng hóa. Mà điều này, rất cần xây dựng những quan hệ phân phối, logistics, mở rộng phạm vi bán hàng.

Theo ông Lanh, lợi thế của Trà Quế là ở ngay “vùng an toàn” của đô thị cổ Hội An, tận dụng các ưu thế môi trường, quản lý du lịch. Song phải lưu ý, du lịch canh nông tại Trà Quế không nên co cụm chỉ ở một khu vực. Sản phẩm Trà Quế nên nhân rộng ra xung quanh, có thể hợp tác canh tác với nông dân vùng phụ cận.

Đặc biệt, làm sao đưa du khách từ xa đến thưởng thức đã là khó, đưa được rau củ Trà Quế đi đến với nhiều thực khách ở xa hơn, lại là bài toán không đơn giản. Mà làm được như vậy, mới thật là du lịch canh nông!.