Du lịch dã ngoại cho học sinh:
Bài 1 - Những chuyến đi và “ông thầy kiếm chuyện“
VHO - Đổi mới giáo dục đang là vấn đề được cả xã hội quan tâm. Theo đó, những giải pháp thay đổi hoạt động giáo dục, giảm bớt thời lượng học tập, hướng đến điều kiện tương tác, phát triển các tố chất bản thân ở học sinh được xem là lựa chọn cần thiết, nhằm cân bằng hiện trạng “thầy đọc, trò chép” nặng tính khuôn mẫu và kiến thức hiện nay.
Thực tiễn ở nhiều cấp cơ sở, địa bàn, câu chuyện các thầy, cô giáo tìm kiếm các cách thức giúp học tập sinh động hơn, “rời phòng học ra điền dã”, đang được lan tỏa và được cộng đồng chú ý.
Ở Nha Trang có núi Cô Tiên. Thông tin này, hóa ra không phải ai cũng biết. Có rất nhiều người, từng nhiều lần ở vai du khách đến với Nha Trang (Khánh Hòa), song chưa hề để ý biết đến địa danh này.
Mãi gần đây, thông tin từ mạng xã hội, một số diễn đàn mở về du lịch thắng cảnh Khánh Hòa, mới tích cực nhắc về núi Cô Tiên. Bất ngờ ở chỗ, một trong những người tiên phong “sốt sắng” quảng bá ngọn núi này, lại là một giáo viên, thầy Phạm Vũ Thanh An, đang dạy ở trường THCS Võ Văn Ký, Nha Trang.
Từ một đam mê…
Thầy Thanh An kể: “Mình có tính phiêu lưu một chút, nên những khi rảnh rỗi, lại thích lang thang, khám phá chỗ này chỗ kia, tìm hiểu những địa danh, điểm đến tại quê hương, để tiện giới thiệu, rủ rê bạn bè thân quen đến đó, nếu họ ghé Nha Trang.
Mình rủ một số giáo viên trong trường, rồi đồng nghiệp cùng giảng dạy, thay vì tiếp đón nhau ở quán café này nhà hàng kia, bố trí thời gian cuối tuần, đi thăm thú này nọ, vừa sảng khoái hơn, vừa kết giao thêm mật thiết.
Rồi tự nhiên một lần có sự kiện, Ban Giám hiệu nhà trường muốn tổ chức buổi dã ngoại cho các học sinh. Mình được đề cử làm hướng dẫn viên, tổ chức cho các em đi chơi. Chuyến đi đó, nhìn các em rất hồ hởi, sung sướng nhảy múa hò la, tự nhiên mình nghĩ, sao cứ mãi để bọn trẻ cắm đầu vào học, nhồi nhét kiến thức rất nhiều, mà niềm vui trong tâm hồn trẻ thơ lại không được đầy đủ.
Thế là, mình quan tâm chương trình giáo dục thể chất, căn cứ những tiêu chuẩn, nội dung giáo dục được quy định, đưa ra những đề xuất với nhà trường, làm sao đưa học sinh ra với thiên nhiên, tiếp xúc nhiều hơn với cuộc sống bên ngoài, thay vì chỉ nhốt kín trong phòng học, miệt mài làm bài tập cả ngày, đến nỗi cận thị và ngại tiếp xúc trở thành phổ biến”.
Phạm Vũ Thanh An đã cơ bản đạt được mong muốn của mình, là bắt đầu dẫn ra các tiêu chí mới trong giáo dục học đường, hướng dẫn học sinh “biết cách học, biết cách chơi”, bố trí thời khóa biểu phù hợp để học tập tốt hơn.
Ban đầu, cuối mỗi tuần, thầy giáo trẻ này “bày chuyện”, dẫn các học sinh của mình đi tham quan các điểm dã ngoại, “cứ có nơi nào hay chưa ai biết thì đến”. Dần dần, hoạt động của thầy trò thầy An nhận được sự ủng hộ của nhiều phụ huynh, chính họ cũng tham gia thành thành viên những chuyến đi chơi cuối tuần.
Núi Cô Tiên vì thế đã là một “điểm phát hiện” trong lịch trình dã ngoại của các thầy trò, dần dần được chia sẻ nhiều hơn, được nhiều người biết đến. Cạnh điểm đến này, thầy Thanh An còn cùng nhiều người phát hiện thêm các địa chỉ mới. “Hóa ra, Nha Trang có rất nhiều nơi đẹp, nhiều vị trí cảnh sắc hữu tình, đơn sơ nhưng hấp dẫn, chỉ cần được hướng dẫn và thông tin là có thể biến thành “địa chỉ hot” với các bạn trẻ ngay”. Thanh An thổ lộ như vậy.
Đến một hoạch định dài lâu
Mùa hè năm 2024, thầy Thanh An “đặc biệt” được phòng Giáo dục Đào tạo TP. Nha Trang giao cùng một số giáo viên, cán bộ phòng nghiên cứu mở mô hình “giáo dục thể chất – dã ngoại” để tìm kiếm những cách thức, giải pháp gia tăng cơ hội học hỏi, trải nghiệm thực tế cho học sinh.
Đây là sáng kiến mới từ lãnh đạo phòng, khi nhìn thấy những việc mà thầy trò các trường THCS đang làm, liên quan đến phát kiến “học từ ngoài cổng trường” của thầy An.
Thế là “ông thầy kiếm chuyện” thêm việc làm mới, trở thành “diễn giả bất đắc dĩ” cho những đợt phát động phong trào cộng đồng, các hoạt động trải nghiệm điền dã, ngoài trời của học sinh, sinh viên ở Nha Trang. Thời gian biểu của thầy giáo trẻ này chuyển sang ưu tiên các hoạt động ngoại khóa ở các trường học, nhất là cấp học THCS.
Thầy Thanh An chia sẻ, bước đầu tạo được thu hút của lãnh đạo ngành, chấp nhận thí điểm mô hình hướng dẫn dã ngoại cho học sinh, đã là một thành công. Nhưng kế hoạch của “ông thầy kiếm chuyện” không dừng lại. Có ít nhất 3 nội dung mà Thanh An muốn xây dựng, chọn lọc trong các hoạt động của mình.
Thứ nhất, việc trải nghiệm thiên nhiên, sinh hoạt ngoài trời của các bạn trẻ cần được chú ý hơn, từ gia đình đến nhà trường. Môi trường sinh hoạt ở vùng đô thị thật ra không thuận lợi cho trẻ em tiếp xúc tự nhiên, thì phải bố trí lịch để đưa bọn trẻ đến những khu vực nông thôn, vùng thiên nhiên, giúp trẻ mở rộng kiến thức, hiểu biết thêm về cuộc sống bên ngoài khung cửa.
Thứ hai, không chỉ đưa học sinh tiếp cận thiên nhiên, các hoạt động ngoại khóa còn phải chú ý rèn luyện, hướng dẫn ý thức môi trường, trách nhiệm xã hội. Đã có những buổi, thầy Thanh An đưa học sinh đến những khu vực ô nhiễm rác ở bờ biển Nha Trang, để học sinh cảm nhận tính nguy hiểm khi ý thức con người thiếu trách nhiệm với thiên nhiên.
Đặc biệt, việc giới thiệu các địa danh lịch sử, các câu chuyện về lịch sử, là điều thầy Thanh An hết sức lưu ý, mong muốn học sinh nắm bắt, hiểu sâu về những vùng đất, quá khứ lịch sử ra sao.
Thứ ba, thực tế vận động phát triển kỹ năng học sinh qua ngoại khóa, điền dã cần sự hợp tác, hỗ trợ của cả cộng đồng, của ngành Giáo dục và nhiều nguồn lực xã hội khác.
Chương trình giáo dục hiện nay theo Bộ quy định đã có các điểm thay đổi mới, tích cực hơn cho các trường, các sở tổ chức, vận dụng hoạt động ngoại khóa cho học sinh tốt hơn. Song để tổ chức được thành công các kế hoạch thay đổi đó, câu chuyện không chỉ nằm ở một vài cá nhân. Từ tài chính đầu tư, cho đến ý tưởng thực hành các chương trình ngoại khóa, là cả một vấn đề.