Du lịch nông nghiệp - nông thôn Quảng Nam:
Bài 2: Chắp hương rừng về phố
VHO - Theo diễn giải của ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND Hội An, làng rau Trà Quế là trường hợp đặc biệt, nên việc tổ chức du lịch canh nông cũng có thuận lợi nhất định.
Có điều, môi trường nông nghiệp Quảng Nam và mở rộng cả vùng duyên hải miền Trung, lại có quá nhiều bối cảnh, không thể lấy điểm Trà Quế đại diện. Nếu xét kỹ cơ hội, tiềm lực du lịch canh nông, các nhà chuyên môn cần chọn đến những địa điểm, môi trường xác đáng hơn.
Kết nối nông sản vào du lịch!
Suy nghĩ này của ông Lanh, ngẫu nhiên lại trùng với những nhận định từ Hội Khách sạn Đà Nẵng, mà người đại diện là ông Nguyễn Đức Quỳnh. Mùa xuân năm Giáp Thìn, giới truyền thông tại Đà Nẵng đã rất ngạc nhiên khi nhận thiệp mời dự lễ giới thiệu nông sản Tây Giang (Quảng Nam) ở khu nghỉ dưỡng Furama (Đà Nẵng), nơi ông Nguyễn Đức Quỳnh là CEO quản lý. Cớ gì một khu du lịch 5 sao lại quảng bá cho rau quả từ núi rừng Quảng Nam?
Ông Nguyễn Đức Quỳnh trao đổi, xuất phát từ trách nhiệm vận hành khu nghỉ dưỡng đẳng cấp 5 sao đã có 30 năm hoạt động, ông muốn Furama trở thành khu nghỉ dưỡng ẩm thực chất lượng và tinh tế, tổ chức những sự kiện tốt nhất cho Đà Nẵng và miền Trung. Muốn vậy, khách sạn phải điều chỉnh chất lượng hoạt động từ… chính khâu ẩm thực, phải đem lại những trải nghiệm khác lạ hơn, mới mẻ và tinh tế hơn cho khách lưu trú.
“Cá nhân tôi là người thích nấu ăn, thường vào bếp và một thực tế cần suy nghĩ là tại sao những món ăn Việt, rất phong phú hấp dẫn, lại khó đưa vào thực đơn các nhà hàng tiêu chuẩn cao cấp, để giữ được tình cảm thực khách nhiều hơn?. Do đó, tôi bắt đầu cải thiện lại các món ăn trong nhà hàng khách sạn, quan tâm đầu vào nông sản, phải đạt chất lượng cao hơn, tươi hơn và an toàn hơn”, ông Quỳnh phân tích.
Từ góc cạnh này, ông Quỳnh chia sẻ cùng các thành viên Hội Khách sạn Đà Nẵng, cùng tìm đầu mối cung cấp các loại rau củ quả đảm bảo hơn, thực sự hướng các nhà hàng khách sạn vào các tiêu chuẩn tự nhiên.
Kết quả những thay đổi đó, Hội Khách sạn Đà Nẵng đã gặp gỡ các đơn vị cung ứng thực phẩm tươi sống, kết nối cùng các hội nông dân, các hợp tác xã nông nghiệp, định hướng xây dựng quy trình cung ứng rau củ quả an tâm nhất phục vụ du khách. Vùng đất nông nghiệp Tây Giang Quảng Nam, tự nhiên được giới thiệu với Hội, đích thân ông Nguyễn Đức Quỳnh đã đi khảo sát.
“Ấy là cả một vùng nông nghiệp trải dài, những làng nông thôn yên ả xanh ngợi, những người nông dân thuần hậu, chất phác. Và rất nghèo!. Mình không lạ cảnh nghèo, nhưng với những bà con ở đây, cảm giác hoàn toàn khác biệt. Đó như là sự chấp nhận, nghiễm nhiên thỏa hiệp với cuộc sống thiếu thốn khó khăn, không có bất kỳ oán thán nào. Vì sao ở một nơi tự nhiên ưu đãi và đẹp thế, nhiều rau quả thế, mà người dân vẫn nghèo?”, ông Quỳnh đặt vấn đề với bà con nông dân và ý tưởng kết nối, đưa rau củ quả từ vùng Tây Giang về thành phố, để tiêu thụ tốt hơn đã thành hình. Mảng du lịch trong mắt Quỳnh, đã biến thành cơ hội kết nối với nông sản, để tăng giá trị, hấp dẫn hơn với du khách.
Du lịch canh nông, từ đồng đến phố
Từ mùa xuân 2024, Hội Khách sạn Đà Nẵng và Khu nghỉ dưỡng Furama đã trở thành địa chỉ đón nhận các đơn hàng rau củ tươi đẹp từ vùng núi rừng Tây Giang. Các món ăn của nhà hàng khu nghỉ dưỡng chính thức tiếp nạp các loại nông sản, của vùng quê này, để các thực khách làm quen các thực đơn “Việt hóa”.
Ông Nguyễn Đức Quỳnh còn cùng các cộng sự khởi động chương trình “hành trình ẩm thực Việt”, nhằm đẩy câu chuyện món ăn Việt thành đề tài du lịch của các khách sạn 5 sao Đà Nẵng, của du lịch Đà Nẵng và hướng tới cả du lịch Việt Nam.
Ông Quỳnh còn làm việc với Siêu thị Mena Gourmet (Mena Mall sân bay Saigon, Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh), thuyết phục đưa nông sản Quảng Nam vào chuỗi siêu thị cao cấp này, “chắp cánh đưa hương rừng về phố”.
Ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc vận hành chuỗi siêu thị Menas Việt Nam thừa nhận, ý tưởng đưa nông sản tự nhiên tiếp cận thực khách quả thật hấp dẫn và khi những bà nội trợ, những đầu bếp 5 sao ở TP. Hồ Chí Minh nhận được những món thực phẩm xanh tươi, quan hệ kết nối từ món ăn đến nhu cầu trải nghiệm, thực chứng du lịch canh nông đã đổi khác hoàn toàn.
Theo ông Nguyễn Đức Quỳnh, để một du khách dừng lại thưởng thức ở nhà hàng, cần có những món ăn ngon. Nếu biết được món ăn đó từ đâu đến, họ sẽ có mong muốn trải nghiệm du lịch đến nơi đó, xem thực tế thế nào. Đó chính là vấn đề mà du lịch canh nông phải nên đặt ra, cuốn hút du khách theo những câu chuyện và lịch trình khám phá, tìm thấy những hương vị mới trong cảm thụ của họ.
Hiện tại, các loại rau củ quả từ vùng núi Tây Giang đã hiện hữu giữa Đà Nẵng, đã có mặt ở siêu thị cao cấp TP. Hồ Chí Minh và đang lan tỏa qua các thành viên Hội Khách sạn Đà Nẵng. Phía sau, các đơn vị lữ hành địa phương cũng bắt đầu lên kịch bản mời gọi các du khách đến với Tây Giang, đến với nhiều vùng đất nông nghiệp Quảng Nam và miền Trung hơn nữa.
Câu chuyện xây dựng làng rau Trà Quế ở Hội An thành làng du lịch ở nhóm tốt nhất thế giới, là một cơ sở để mọi người tin sự trải nghiệm là hiệu quả. Còn câu chuyện những trái bầu, trái bí từ núi rừng Tây Giang trở thành món đãi khách hấp dẫn, lại khơi gợi nên một cánh cửa mới cho du lịch canh nông miền Trung – Việt Nam.
Ông Nguyễn Đức Quỳnh chia sẻ, anh rất mong các du khách sẽ đến với Tây Giang, sẽ tham gia cùng những người nông dân tưới cây, hái rau… Đó sẽ là một hứng khởi bất tuyệt, qua đó thực sự cấp thêm sức mạnh cho du lịch canh nông phát triển và giúp nông dân có cuộc sống tốt hơn, gắn kết du lịch mạnh mẽ hơn.