Chung tay để du lịch nông nghiệp phát triển
VHO - Những năm gần đây, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, hay du lịch xanh đang dần trở nên quen thuộc với người dân và du khách. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp trở thành những sản phẩm du lịch hết sức độc đáo và tạo xu hướng trong những chuyến trải nghiệm… Tuy nhiên, do còn mới mẻ nên loại hình du lịch này cũng nảy sinh nhiều bất cập, hạn chế, cần sự chung tay của nhiều Bộ, ngành, địa phương.
Nhằm giải quyết vấn đề này, mới đây, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Sở NN&PTNT Khánh Hòa tổ chức tọa đàm “Giải pháp phát triển chăn nuôi gắn với du lịch sinh thái”. Tọa đàm đã gợi ra nhiều vấn đề cần sớm được giải quyết để hỗ trở loại hình du lịch này phát triển, góp phần thu hút du khách, nâng cao thu nhập cho người nông dân…
Hỗ trợ những mô hình chăn nuôi hướng đến du lịch
Những năm gần đây, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã và đang triển khai một số mô hình sản xuất nông nghiệp áp dụng khoa học công nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản; cùng với đó lồng ghép, phối hợp thực hiện các hoạt động gắn kết với du lịch.
Từ đó đã góp phần gia tăng năng xuất, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.
Trong đó, một số mô hình chăn nuôi tiêu biểu gắn với du lịch sinh thái như: Dự án xây dựng mô hình chăn nuôi cừu sinh sản thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Duyên hải Nam Trung bộ, thực hiện trong 3 năm từ 2024 - 2026 tại 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.
Dự án sẽ tổ chức tuyên truyền, giới thiệu cho nông dân mô hình chăn nuôi cừu sinh sản thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với du lịch sinh thái để bà con trao đổi, học tập kinh nghiệm, nâng cao chất lượng sản phẩm, kết hợp với phát triển du lịch để đạt hiệu quả kinh tế cao.
Hay dự án mô hình chăn nuôi dê sinh sản gắn với phát triển du lịch sinh thái triển khai tại 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Bình và Phú Thọ.
Tại tỉnh Khánh Hòa, qua 2 năm triển khai dự án tại 2 huyện Khánh Vĩnh và Cam Lâm đã thu hút 4 hộ tham gia, quy mô 210 con, chủ yếu giống dê lai Boer và dê Bách Thảo.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Trung tâm Khuyến nông Khánh Hòa, bước đầu cho thấy dự án phù hợp với chủ trương phát triển chăn nuôi của tỉnh và được người dân ủng hộ, nhiệt tình tham gia.
Giúp người dân phát triển kinh tế
Du lịch gắn với nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi được hiểu là loại hình du lịch, sản phẩm du lịch phục vụ du khách được dựa chủ yếu trên nền tảng của hoạt động, không gian sản xuất chăn nuôi với quan điểm phát triển bền vững về môi trường sinh thái và văn hóa, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên tham gia.
Khách du lịch được trải nghiệm, khám phá cuộc sống tại các vùng miền núi, nông thôn với khí hậu mát mẻ, trong lành, được trải nghiệp những mô hình chăn nuôi xanh, hiệu quả, cảm thấy hài lòng từ đó làm gia tăng các giá trị và thúc đẩy tiêu dùng các sản phẩm chăn nuôi thông qua các hoạt động du lịch.
Có thể kể đến các sản phẩm du lịch nông nghiệp điển hình như: Tham quan làng cổ Đường Lâm (Hà Nội); tham quan đồi chè, trang trại bò sữa ở nông trường Mộc Châu (Sơn La); thưởng ngoạn ruộng bậc thang mùa lúa chín ở Mù Cang Chải (Yên Bái), Sa Pa (Lào Cai);
Khu đồi trà hoa vàng, ba kích tím ở huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh), làng rau Trà Quế (Quảng Nam); du lịch trải nghiệm vườn rau thủy canh, đồi chè, hoa công nghệ cao ở Đà Lạt (Lâm Đồng); tham quan các vườn nho, trang trại cừu, dê ở Ninh Thuận…
Tại tọa đàm, ông Lê Minh Lịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, thời gian tới Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ xây dựng thêm một số mô hình chăn nuôi thỏ, đà điểu hay mô hình chăn nuôi bò sữa, trâu… gắn với du lịch sinh thái giúp du khách có những trải nghiệm vui vẻ như vắt bò sữa, cưỡi trâu, cưỡi bò, cưỡi đà điểu… qua đó giúp cho địa phương và người dân phát triển kinh tế.
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, nhiều sản phẩm từ ngành Nông nghiệp như thực phẩm, đồ uống, hàng thủ công mỹ nghệ, hoa quả, bánh kẹo… của các vùng, miền đã được sử dụng trong hệ thống các nhà hàng, khách sạn của ngành Du lịch.
Việc khai thác nghệ thuật ẩm thực mang tính chất vùng, miền để phục vụ khách du lịch cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy hoạt động du lịch nông nghiệp phát triển.
Các mô hình du lịch nông nghiệp với sự tham gia trực tiếp của người dân bản địa đã tạo nên sự phong phú, hấp dẫn của các sản phẩm du lịch đồng thời đem lại thu nhập cao hơn cho bà con nông dân, trở thành một phương thức giảm nghèo, hướng tới phát triển bền vững, hiệu quả tại những cộng đồng còn khó khăn và các miền quê trong cả nước…
Việc phát triển loại hình du lịch nông nghiệp còn giúp đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ du lịch, gia tăng luồng du khách đến các vùng nông thôn cũng như kéo dài mùa vụ du lịch trong những thời gian thấp điểm của ngành.
Tham gia hình thức du lịch này, du khách được trải nghiệm hoạt động sản xuất nông nghiệp, thưởng thức vẻ đẹp cảnh quan nhân văn do hoạt động sản xuất nông nghiệp tạo ra.
Tuy nhiên, do còn khá mới mẻ nên loại hình du lịch này cũng nảy sinh nhiều bất cập, hạn chế, chẳng hạn như việc chuyển đổi, sử dụng đất nông - lâm nghiệp vào mục đích dịch vụ, hay thói quen, kinh nghiệm làm du lịch của người dân chưa có, hạ tầng đường sá khó khăn, nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế…
Vì vậy, về lâu dài cần có các chính sách hỗ trợ cụ thể về tài chính, đất đai, nguồn lực để phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp hay du lịch xanh.
Ngoài ra, nhiều hộ sản xuất cần thay đổi thói quen, đầu tư cơ sở hạ tầng của các mô hình sản xuất gắn kết với du lịch sinh thái, tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư vào cảnh quan, máy móc thiết bị chế biến sản phẩm, điều này không chỉ giúp khắc phục những khó khăn hiện tại mà còn mở ra tiềm năng phát triển to lớn cho mô hình du lịch nông nghiệp trong tương lai.