Tuyển sinh văn hóa - nghệ thuật 2025 có nhiều điểm mới:
Mở đường cho bảo tồn và sáng tạo
VHO - Mùa tuyển sinh năm 2025 ở khối văn hóa - nghệ thuật ghi dấu những đổi mới đáng chú ý so với năm trước, đặc biệt tại các trường năng khiếu trực thuộc Bộ VHTTDL.

Những điều chỉnh về cách thức đăng ký, thời gian thi và chỉ tiêu tuyển sinh không chỉ thể hiện sự thích ứng linh hoạt với thực tiễn mà còn góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh trong việc định hướng, chuẩn bị và lựa chọn con đường nghệ thuật phù hợp với năng lực và đam mê.
Lần đầu tiên Việt Nam đào tạo ngành Di sản học ở bậc đại học
Theo phương án tuyển sinh năm 2025, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM dự kiến tuyển 1.000 chỉ tiêu cho 8 ngành đào tạo bậc đại học với 14 chuyên ngành. Đáng chú ý, năm nay trường bắt đầu tuyển sinh ngành Di sản học (90 chỉ tiêu) - trở thành đơn vị đầu tiên tại Việt Nam đào tạo ngành này ở trình độ đại học.
PGS.TS Lâm Nhân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngành Di sản học hướng đến đào tạo sinh viên có kiến thức nền tảng về lịch sử, văn hóa, khoa học xã hội và tự nhiên, đồng thời trang bị kỹ năng chuyên sâu về bảo tàng, di tích, di sản văn hóa phi vật thể và du lịch.
Ngoài ra, sinh viên còn được rèn luyện kỹ năng nghiên cứu khoa học, tư duy phản biện, làm việc nhóm và giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực bảo tồn và phát triển di sản theo hướng bền vững.
Việc mở ngành Di sản học được nhiều chuyên gia trong ngành đánh giá là bước đi kịp thời và cần thiết. TS Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, nhận định: “Trong bối cảnh phát triển nhanh của xã hội, các thiết chế văn hóa cần đổi mới để đáp ứng yêu cầu. Việc đào tạo đội ngũ chuyên gia có kiến thức đa ngành và kỹ năng linh hoạt sẽ giúp nâng cao hiệu quả bảo tồn di sản văn hóa”.
Đồng quan điểm, bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Áo dài, cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của đào tạo liên ngành: “Ngành Di sản học sẽ cung cấp nguồn nhân lực cần thiết cho các tổ chức văn hóa hiện nay, trong đó có Bảo tàng Áo dài”.
Ngành Sư phạm Mỹ thuật tổ chức thi riêng
PGS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM cho biết, năm 2025, nhà trường tuyển sinh 305 chỉ tiêu trình độ đại học hệ chính quy và VLVH, cho 6 ngành đào tạo: Hội họa; Đồ họa; Điêu khắc; Lý luận, Lịch sử và Phê bình mỹ thuật; Thiết kế đồ họa và ngành Sư phạm Mỹ thuật.
Trong đó, trường dành 20 chỉ tiêu liên thông đại học ngành Thiết kế đồ họa cho thí sinh đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai.
Tất cả các ngành dự thi vào trường đều tuyển sinh theo phương thức kết hợp xét tuyển môn Ngữ văn và thi tuyển 2 môn năng khiếu, được tổ chức trực tiếp tại trường.
Riêng ngành Sư phạm Mỹ thuật, Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM sẽ tổ chức một kỳ thi tuyển sinh riêng theo quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT về tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non.
Thí sinh muốn đăng ký dự thi ngành Sư phạm Mỹ thuật cần liên hệ với UBND cấp tỉnh nơi thường trú để làm đơn đề nghị hưởng chính sách đào tạo giáo viên theo các Nghị định nói trên và cam kết bồi hoàn học phí, chi phí sinh hoạt trong trường hợp không thực hiện đúng nghĩa vụ sau khi tốt nghiệp.
Dựa trên nhu cầu từ các địa phương, Bộ GD&ĐT sẽ phân bổ chỉ tiêu đào tạo ngành Sư phạm Mỹ thuật cho Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM.

Sân khấu, âm nhạc và múa mở rộng cánh cửa đón thế hệ mới
Theo TS Phạm Huy Quang, quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, năm nay trường tuyển 95 chỉ tiêu cho các ngành: Đạo diễn sân khấu (15 chỉ tiêu); Diễn viên kịch điện ảnh - truyền hình (40); Đạo diễn điện ảnh, truyền hình (25) và Quay phim (15). Phương thức tuyển sinh kết hợp kết quả học tập cấp THPT với điểm thi năng khiếu.
Trong đó, ngành Diễn viên kịch điện ảnh - truyền hình thi năng khiếu và xét tuyển môn Ngữ văn; đồng thời, thí sinh sẽ trải qua vòng sơ tuyển với nội dung kiểm tra hình thể và tiếng nói. Các ngành còn lại không thi sơ tuyển, nhưng vòng chung tuyển thi Phân tích, Năng khiếu và xét tuyển môn Ngữ văn (điểm học bạ lớp 12 từ 5 điểm trở lên).
Đại diện Nhạc viện TP.HCM cho biết, năm học 2025-2026, nhà trường dự kiến tuyển 410 chỉ tiêu: 300 chỉ tiêu trung cấp các hệ 4-6-7-9 năm; 100 cho đại học hệ 4 năm và 10 cho đại học hệ 2 năm (văn bằng 2).
Đối với bậc trung cấp hệ 4 năm, tuyển sinh các chuyên ngành: Biểu diễn nhạc cụ truyền thống (Sáo trúc, Gõ dân tộc, Tranh, Bầu, Nguyệt, Tỳ bà, Guitar phím lõm, Nhị, Tam thập lục); Âm nhạc học; Sáng tác âm nhạc; Chỉ huy âm nhạc (Chỉ huy hợp xướng); Piano; Violin; Organ điện tử; Biểu diễn nhạc cụ phương Tây; Thanh nhạc; Nhạc nhẹ.
Trung cấp 6 năm, tuyển các chuyên ngành Biểu diễn nhạc cụ truyền thống. Trung cấp 7 năm, tuyển các chuyên ngành: Dây, Kèn (cổ điển), Gõ giao hưởng, Guitar cổ điển, Organ điện tử, Nhạc nhẹ. Trung cấp 9 năm tuyển sinh hai chuyên ngành Piano, Violin.
Bậc đại học hệ 4 năm tuyển các ngành: Biểu diễn nhạc cụ truyền thống, Âm nhạc học, Sáng tác âm nhạc, Chỉ huy âm nhạc (chuyên ngành Chỉ huy hợp xướng, Chỉ huy dàn nhạc), Piano, Biểu diễn nhạc cụ phương Tây, Thanh nhạc, Nhạc nhẹ…
Mùa tuyển sinh năm nay, Trường Trung cấp Múa TP.HCM tuyển 120 chỉ tiêu. Trong đó, Nghệ thuật biểu diễn kịch múa (6 năm) tuyển 20 chỉ tiêu, thí sinh từ 10-13 tuổi; Nghệ thuật biểu diễn múa dân gian dân tộc (4 năm) tuyển 30 chỉ tiêu, thí sinh từ 14-20 tuổi; Nghệ thuật biểu diễn múa dân gian dân tộc (vừa làm vừa học, 2 năm) tuyển 70 chỉ tiêu, thí sinh 21-30 tuổi.