Về đào tạo các ngành, nghề chuyên môn đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật (Bài cuối):

Cần cơ chế, chính sách riêng cho đào tạo chuyên sâu đặc thù về nghệ thuật

THÚY HIỀN

VHO - Sau hai kỳ bài báo “Về đào tạo các ngành, nghề chuyên môn đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật”, Văn Hóa đã nhận được sự quan tâm sâu sắc từ giới văn nghệ sĩ, nhà giáo, nhà phê bình và các chuyên gia đầu ngành trong từng lĩnh vực nghệ thuật.

Họ đã chia sẻ nhiều ý kiến, trong đó, câu hỏi được đặt ra một cách thẳng thắn và cấp thiết: Những bất cập trong quy định hiện hành liên quan đến công tác đào tạo nghệ thuật đặc thù đã được nhắc đến từ nhiều năm trước, vậy tại sao các nhà hoạch định chính sách vẫn chưa có sự điều chỉnh phù hợp để đồng bộ hóa hành lang pháp lý và tháo gỡ những vướng mắc tồn tại lâu dài này?

Cần cơ chế, chính sách riêng cho đào tạo chuyên sâu đặc thù về nghệ thuật - ảnh 1
Tiết mục biểu diễn của học sinh Học viện Múa Việt Nam

 Bao giờ mới hết bị làm khó?

Rất buồn khi lại phải quay lại thuyết phục từ đầu...

76 tuổi, tôi vẫn sẵn sàng tham gia các buổi làm việc, đối thoại với các cơ quan có trách nhiệm để họ thấu hiểu hơn vì sao đào tạo nghệ thuật phải có chính sách đặc thù.

Hiện nay, một số nước như: Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Đức… cũng đang đào tạo theo mô hình đào tạo trung cấp, cao đẳng trong trường đại học, học viện.

Đào tạo ở trung cấp lĩnh vực nghệ thuật, ngoài cung cấp nhân lực hoạt động cho xã hội, đào tạo tài năng cho đất nước, đồng thời bậc đào tạo này còn tạo nguồn tuyển ở trình độ đại học cho chính các cơ sở giáo dục đại học. 

Công nghệ số phát triển nhưng dù máy móc công nghệ hiện đại tới đâu cũng không thể thay thế được tài năng nghệ thuật. Xếp chung một học sinh trung cấp âm nhạc chuyên nghiệp từ 6 - 9 năm với một học sinh sửa điện lạnh có vài tháng vào chung một nhóm giáo dục nghề nghiệp thì không ổn.

(GS.TS.NGND Trần Thu Hà, nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam)

Khi được biết, dự thảo Nghị định quy định về đào tạo ngành, nghề chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật vẫn chưa được ban hành do vướng mắc các quy định tại một số luật liên quan, GS.TS. NGND Trần Thu Hà, nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, không giấu được sự trăn trở: “Tôi và nhiều chuyên gia đầu ngành nghệ thuật đã tham gia từ những ngày đầu tiên khi Bộ VHTTDL bắt tay vào xây dựng dự thảo Nghị định. Chúng tôi cũng đã có nhiều cuộc làm việc với các cơ quan có thẩm quyền như Văn phòng Chính phủ, Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương để khảo sát việc thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia VN từ năm 2020…”.

GS.TS.NGND Trần Thu Hà nhấn mạnh, trong các buổi làm việc, đại diện của các Bộ như Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ,TB&XH, Bộ Tư pháp đều khẳng định rằng các văn bản quy định về giáo dục vẫn chưa thực sự cụ thể đối với các ngành đào tạo năng khiếu nghệ thuật.

Các chuyên gia đã thống nhất đề xuất rằng, rất cần có nghị định riêng và một cơ chế đặc thù để điều chỉnh công tác đào tạo nghệ thuật. Tuy nhiên, câu hỏi lớn vẫn là: Tại sao vấn đề này kéo dài nhiều năm mà vẫn chưa được giải quyết dứt điểm?

Cần cơ chế, chính sách riêng cho đào tạo chuyên sâu đặc thù về nghệ thuật - ảnh 2

Cùng quan điểm với GS.TS. NGND Trần Thu Hà, nhiều chuyên gia đầu ngành như GS.TS.NSND Ngô Văn Thành, TS.NSƯT Trần Văn Hải, nguyên Giám đốc Học viện Múa Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội Dương Minh Ánh đều bày tỏ sự bức xúc trước hàng loạt những quy định bất cập trong công tác đào tạo nghệ thuật hiện nay.

Những quy định này không chỉ gây khó khăn cho việc đào tạo mà còn làm hạn chế sự phát triển của ngành nghệ thuật, như: Quy định về thời gian đào tạo trình độ trung cấp theo niên chế đối với người có bằng tốt nghiệp THCS từ 1-2 năm trong giáo dục nghề nghiệp; Cơ sở giáo dục đại học không được đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp; dù các trường nghệ thuật đều có Khoa văn hóa và đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn đào tạo văn hóa, nhưng chỉ có Trung tâm giáo dục nghề nghiệp mới được thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS và THPT?!

Một trong những ví dụ điển hình là quy định về thời gian đào tạo. Không có ngành nào quy định thời gian đào tạo trung cấp kéo dài 9 năm, mặc dù quy định này không sai nhưng lại không phù hợp với ngành nghệ thuật đặc thù.

Chẳng hạn, ngành Xiếc yêu cầu tới gần 6.000 tiết học trong toàn khóa học, nhưng nếu áp dụng quy định, toàn khóa trung cấp chỉ được dạy khoảng 1.800 tiết, điều này sẽ không thể giúp học viên có đủ kiến thức và kỹ năng để tốt nghiệp.

Với thực tế này, để đào tạo học sinh trong lĩnh vực nghệ thuật, các trường bắt buộc phải “vi phạm” quy định về thời gian đào tạo.

Cần cơ chế, chính sách riêng cho đào tạo chuyên sâu đặc thù về nghệ thuật - ảnh 3

Mong Quốc hội ra Nghị quyết riêng cho đào tạo nghệ thuật đặc thù

Theo Chủ tịch Hội đồng trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội Dương Minh Ánh, hiện nay có rất nhiều bất cập trong các quy định về đào tạo nghệ thuật đặc thù.

Một trong những điểm nổi bật là vấn đề thời gian đào tạo trung cấp theo quy định tại Khung trình độ quốc gia. Mặc dù các ngành, nghề khác có thời gian đào tạo trung cấp từ 1-2 năm, thì các chương trình đào tạo nghệ thuật đặc thù lại kéo dài từ 3-9 năm.

Đây là sự khác biệt rõ rệt bởi đối tượng học viên trong ngành nghệ thuật đều là những em có năng khiếu từ nhỏ, phải trải qua quá trình đào tạo và rèn luyện dài lâu mới có thể trở thành những tài năng cho đất nước.

Mô hình đào tạo này được áp dụng thành công trên toàn thế giới và đã đóng góp cho sự phát triển nền nghệ thuật của Việt Nam với những tên tuổi nổi bật như NSND Đặng Thái Sơn, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và nhiều văn nghệ sĩ xuất sắc khác…

 Bà Ánh cho biết, mô hình đào tạo nghề song song với giáo dục văn hóa trong các trường văn hóa nghệ thuật đã tồn tại gần 70 năm. Tuy nhiên, sau khi Luật Giáo dục sửa đổi được ban hành, các trường này không còn được phép giảng dạy văn hóa mà phải phối hợp với Trung tâm giáo dục thường xuyên cấp quận, huyện để thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp THCS và THPT.

Trong khi đó, các trường nghệ thuật có đủ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và chương trình giảng dạy đảm bảo chất lượng, được quản lý dưới sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố. Chất lượng đào tạo văn hóa của các trường này đã được chứng minh qua tỷ lệ học sinh tốt nghiệp từ 90-100%.

Cần cơ chế, chính sách riêng cho đào tạo chuyên sâu đặc thù về nghệ thuật - ảnh 4

“Sự thay đổi này đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ học sinh và phụ huynh. Sau khi các trường nghệ thuật đồng loạt kêu cứu, Bộ GD&ĐT đã cho phép các trường này được dạy văn hóa và cấp chứng nhận hoàn thành chương trình GDTX cấp THCS và THPT, trong khi chờ Nghị định quy định về đào tạo ngành, nghề chuyên sâu đặc thù. Tuy nhiên, cho đến nay, Nghị định vẫn chưa được ban hành, khiến các trường nghệ thuật tiếp tục trong trạng thái lo lắng, mong mỏi Quốc hội sớm ban hành nghị quyết để được phép tuyển sinh học sinh lớp 10 cho năm học 2025-2026”, bà Ánh nhấn mạnh.

Vì tính chất đặc thù của ngành nghệ thuật, việc bố trí kế hoạch giảng dạy rất phức tạp, đặc biệt ở các môn học chung. Học sinh ở các độ tuổi khác nhau nhưng lại theo học cùng một trình độ.

Việc đưa học sinh đến học tại các Trung tâm GDTX sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch đào tạo của trường. Hơn nữa, chất lượng giáo viên và cơ sở vật chất của các Trung tâm GDTX không thể đáp ứng được yêu cầu của học sinh ngành nghệ thuật.

Mặc dù nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã được ban hành nhằm phát triển ngành nghệ thuật, tuy nhiên, những bất cập trong cơ chế hiện tại vẫn cần được tháo gỡ.

Gần 5 năm qua, các chuyên gia đầu ngành đã sát cánh cùng Bộ VHTTDL kiên trì thúc đẩy những quy định cụ thể về đào tạo nghệ thuật đặc thù. Tuy nhiên, dự thảo Nghị định vẫn gặp vướng mắc và chưa được ban hành.

Vì vậy, việc Quốc hội sớm ra nghị quyết riêng, theo trình tự thủ tục rút gọn, để giải quyết những điểm nghẽn trong công tác đào tạo nghệ thuật, đảm bảo công bằng cho học sinh, sinh viên ngành nghệ thuật là việc làm cấp thiết để xây dựng một nguồn nhân lực tài năng cho đất nước.