Đào tạo các ngành, nghề chuyên môn đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật (Bài 2):
Làm sao khắc phục “đến hẹn lại xin - cho”?
VHO -Các quy định hiện hành có liên quan đang gây ra những khó khăn trong lĩnh vực đào tạo nghệ thuật chuyên sâu, đặc thù. Bằng sự vào cuộc của các Bộ, ngành, một số vướng mắc, bất cập đã kịp thời được khơi thông như việc cho phép các trường nghệ thuật tiếp tục đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng; cho phép các trường được tiếp tục tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp THPT...

Tuy nhiên, cứ đến mùa tuyển sinh, các trường nghệ thuật lại phải đối diện với những mối lo này vì hiện nay vẫn chưa có những quy định mang tính pháp lý, phù hợp với thực tiễn nhằm giải quyết dứt điểm những khó khăn trong đào tạo nhân lực cho lĩnh vực năng khiếu nghệ thuật.
Vẫn phải xin “quota” đào tạo...
Ngày 1.4 vừa qua, Học viện Múa Việt Nam, Trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam lại có văn bản gửi Bộ VHTTDL về việc tiếp tục được giảng dạy chương trình GDTX cấp THCS và THPT tại hai trường này.
Hàng năm các trường nghệ thuật lại có văn bản xin phép đào tạo giảng dạy văn hóa phổ thông (VHPT) và chỉ được Bộ GD&ĐT đồng ý mới được thực hiện, vì thế Ban giám hiệu các trường nghệ thuật vẫn phải đệ đơn trình Bộ VHTTDL để qua đó tác động đề nghị Bộ GĐ&ĐT, Sở GĐ&ĐT Hà Nội cho phép những trường này tiếp tục tuyển sinh và đào tạo VHPT hệ GDTX cấp THCS và cấp THPT...
Trong văn bản báo cáo lãnh đạo Bộ VHTTDL, Học viện Múa Việt Nam và Trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam đều thống kê rất cụ thể về tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THCS, THPT từ năm 2021 đến 2024 đều đạt 100%.
Ông Bùi Anh Tú, Trưởng phòng đào tạo (Học viện Múa Việt Nam) cho biết: “Học viện đã thực hiện tuyển sinh và giảng dạy văn hóa cho học sinh trình độ trung cấp theo chương trình GDTX cấp THCS và THPT đúng quy định, đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Các điều kiện dạy, học chương trình VHPT của Học viện đã được Sở GD&ĐT Hà Nội kiểm tra và thẩm định. Mô hình đào tạo kết hợp song song giữa các môn VHPT và các môn chuyên ngành nghệ thuật múa trong cùng một cơ sở đào tạo là rất cần thiết, phù hợp với tính đặc thù của đào tạo các ngành năng khiếu nghệ thuật”.
Theo ông Tú, để kịp thời đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh và thực hiện tuyển sinh năm học 2025- 2026, Học viện lại phải đề nghị Bộ VHTTDL có văn bản gửi Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Hà Nội cho phép Học viện được tiếp tục giảng dạy VHPT hệ GDTX theo mô hình hiện nay của Học viện.
“Chúng tôi cứ hy vọng sẽ có Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu, đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật để các trường nghệ thuật có đầy đủ điều kiện đào tạo VHPT của ngành VHTTDL, đồng thời có thể tự chủ điều tiết, giảng dạy cho học sinh. Việc chủ động này sẽ giúp trường bố trí cho học sinh có nhiều thời gian để tập trung cho chuyên môn, cho nghề nghiệp chính là trở thành diễn viên múa, người hoạt động nghệ thuật trong lĩnh vực nghệ thuật. Tuy nhiên, đến thời điểm này Nghị định đã không được thông qua, mọi vướng mắc trong đào tạo nghệ thuật vẫn chưa được giải quyết...”, ông Tú nói.
Tại văn bản số 1858/BGDĐT-GDTX ngày 23.4.2024 gửi Bộ VHTTDL cùng các Sở GD&ĐT có trường nghệ thuật trên địa bàn, Bộ GD&ĐT nêu: “Trong khi chờ Nghị định của Chính phủ quy định về đào tạo chuyên sâu, đặc thù được ban hành; để đảm bảo quyền lợi của người học và giữ ổn định cho các cơ sở đào tạo nghệ thuật, Bộ GD&ĐT đồng ý với đề xuất của Bộ VHTTDL cho phép các cơ sở đào tạo nghệ thuật: Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Học viện Múa Việt Nam, Học viện Âm nhạc Huế, Nhạc viện TP.HCM, Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, Trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội tiếp tục thực hiện giảng dạy chương trình GDTX cấp THCS, cấp THPT đối với các khóa tuyển sinh trong năm 2024- 2025”.
Thế nhưng, đến thời điểm này vẫn chưa có một quy định cụ thể nào cho việc đào tạo VHPT ở các trường nghệ thuật. Điều này dẫn tới việc “đến hẹn lại lên”, các trường đào tạo nghệ thuật vẫn tiếp tục phương thức “xin - cho”.

Đây là nhóm nghề nặng nhọc, nguy hiểm
Trong danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, cao đẳng được Bộ LĐ,TB&XH ban hành tại Thông tư số 05/2023/ TT-BLĐTBXH, thì có tới 20 loại hình nghệ thuật biểu diễn trình độ trung cấp được xếp chung trong nhóm nghệ thuật trình diễn, gồm: Ca kịch Huế, dân ca, chèo, tuồng, cải lương, kịch múa, múa dân gian dân tộc, xiếc...
Đối với trình độ cao đẳng, trong nhóm nghệ thuật trình diễn có chín loại hình nghệ thuật biểu diễn nằm trong danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Điều này cũng cho thấy “sức hút” của các ngành nghề nghệ thuật không lớn đối với giới trẻ.
Tới Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, chúng tôi chứng kiến một buổi luyện tập của các em học sinh chuyên ngành xiếc, tận mắt chứng kiến sự tập luyện vất vả của thầy và trò mới thấy được sự kiên trì, chịu khổ, chịu khó của nghề diễn viên xiếc.
Thầy giáo Nguyễn Minh Thông chia sẻ: “Độ tuổi tuyển sinh vào trường từ 11 đến 15 tuổi đối với nữ và 11 đến 18 tuổi đối với nam. Để trở thành diễn viên xiếc, các em được đào tạo trong 5 năm. Hai năm đầu các em sẽ học các môn cơ bản như cơ bản thăng bằng, cơ bản nhào lộn, cơ bản thể thao và cơ bản tung hứng. Căn cứ vào năng khiếu và kết quả học tập của 2 năm này, bắt đầu từ năm thứ 3, học sinh được chia theo chuyên ngành để luyện tập chuyên sâu và luyện tập tiết mục cho đến khi tốt nghiệp”.
“Mặc dù tiền học phí đóng rất thấp và chỉ mang tính tượng trưng khoảng 50.000 đồng. Số tiền học bổng và trợ cấp của Nhà nước, mức bình quân vài trăm nghìn đối với một học sinh xiếc không đủ để cho các em ăn no, chưa nói đủ chất để có một thể lực tốt đáp ứng cho tập luyện vô cùng nặng nhọc, vất vả. Có khóa tuyển vào 60 diễn viên nhưng khi ra trường chỉ còn 20, 25 diễn viên theo nghề. Nhiều gia đình thấy con mình ngã vì luyện tập cũng không dám cho con học tiếp”, thầy Thông chia sẻ.
Trong khi các ngành học khác chỉ cần 18 tháng đã có thể tốt nghiệp trung cấp thì xiếc cần tới ít nhất 5 năm đào tạo mới có bằng tương đương. Đó là chưa kể với bằng này, các em chỉ được nhận mức lương của diễn viên hạng 4. Những diễn xiếc hay ballet phải dùng sức lực cường độ cao.
Tuy nhiên, duy trì đến mấy thì phụ nữ 35 tuổi là “trôi dốc”, nam giới cũng tương tự. Ngoài ra còn chưa kể đến những chấn thương, đau đớn, phải giải nghệ sớm hơn. Với thực tế này, nếu không có những chính sách đào tạo đặc thù nhằm đãi ngộ tài năng nghệ thuật thì sẽ khó có người trẻ đầu quân vào những ngành nghệ thuật như xiếc, múa...

Đến lớp học đào tạo tài năng múa của Học viện Múa Việt Nam, quan sát nhìn những tài năng trẻ đang được chuyên gia nước ngoài huấn luyện đã thấy phần nào sức hút của việc học chuyên môn đối với các học sinh.
Thầy Chu Quốc Tuấn (Phòng đào tạo, Học viện Múa Việt Nam) cho biết, Đề án “Đào tạo tài năng lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016- 2025, tầm nhìn đến năm 2030” của Bộ VHTTDL đã giúp trường tăng cường kỹ năng thực hành, kỹ năng làm nghề. Đồng thời mời được những chuyên gia giỏi ở nước ngoài về giảng dạy.
Theo chia sẻ từ chính những người thầy, giảng viên tại các trường nghệ thuật, việc giảm tải môn văn hóa, tăng cường tiết học chuyên ngành của các cơ sở đào tạo năng khiếu nghệ thuật là hướng tới đào tạo nghệ sĩ tài năng cho nền nghệ thuật nước nhà.
Làm sao để học sinh ở các trường nghệ thuật đáp ứng được yêu cầu cả về chuyên môn cho tới văn hóa là mục đích cao nhất đối với tất cả các trường hiện nay.
Thậm chí đối với những học sinh, sinh viên vì lý do nào đó không thể đeo đuổi đến cùng con đường làm nghệ thuật thì khi rẽ ngang họ cũng rất cần có sự đảm bảo bằng những bằng cấp tương đương về VHPT như bạn bè cùng lứa tuổi.
Có thể nói, những người làm nghệ thuật đang rất mong chờ Nhà nước ban hành những chủ trương, chính sách phù hợp trong đào tạo nghệ thuật để tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong công tác đào tạo hiện nay, đặc biệt là giải quyết những bất cập do quy định hiện hành chưa thống nhất, phù hợp với thực tiễn đào tạo nghệ thuật.
(Còn tiếp)