Về đào tạo các ngành, nghề chuyên môn đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật:

Cần lắm Nghị quyết riêng của Quốc hội

THÚY HIỀN

VHO - Hiện nay, Vụ Khoa học công nghệ, Đào tạo và Môi trường (Bộ VHTTDL) đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo Hồ sơ “Nghị quyết của Quốc hội về đào tạo các ngành, nghề chuyên môn đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật”.

 Dự thảo hồ sơ nêu rõ những vấn đề bất cập cũng như những căn cứ để đề xuất xây dựng Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn.

 Xung quanh vấn đề này, lãnh đạo các cơ sở đào tạo nghệ thuật đã có những chia sẻ với Văn Hóa về những lo lắng cũng như chờ đợi Nhà nước sớm có chủ trương, chính sách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với công tác đào tạo chuyên sâu, đặc thù, nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.

Cần lắm Nghị quyết riêng của Quốc hội - ảnh 1
Học sinh Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam

Lý do đề xuất xây dựng một Nghị quyết riêng của Quốc hội

Hiện nay, thực tiễn đã có nhiều bất cập liên quan đến đào tạo các ngành, nghề chuyên môn đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có nguyên nhân từ hành lang pháp lý.

Trước hết là bất cập về quy định thời gian đào tạo trình độ trung cấp trong Luật Giáo dục nghề nghiệp và Luật Giáo dục. Tại khoản 2 Điều 33 Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định, thời gian đào tạo trình độ trung cấp theo niên chế đối với người có bằng tốt nghiệp THCS trở lên là từ 1 đến 2 năm học tùy theo chuyên ngành hoặc nghề đào tạo...

Quy định này là không phù hợp với thực tế thời gian đào tạo trình độ trung cấp từ 3 năm đến 9 năm, tùy thuộc vào yêu cầu của ngành, nghề đào tạo nghệ thuật.

Bên cạnh đó là sự không nhất quán trong quy định việc đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp trong các trường đại học tại Luật Giáo dục nghề nghiệp và Luật Giáo dục đại học.

Tại Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 24/2022/ NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp quy định: “Cơ sở giáo dục đại học đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp để tổ chức đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp các ngành, nghề chuyên môn đặc thù hoặc thuộc các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư thì tiếp tục được tuyển sinh đến hết ngày 31.12.2025”.

Theo nhiều nhà chuyên môn, với quy định này dẫn đến các cơ sở giáo dục đại học sẽ phải dừng tuyển sinh trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng các ngành, nghề nghệ thuật vào 31.12.2025.

Việc này sẽ tạo ra sự gián đoạn, đứt gãy trong hoạt động đào tạo, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhu cầu học nghệ thuật chuyên nghiệp của hàng ngàn học sinh có năng khiếu nghệ thuật.

Ngoài ra, theo Luật Giáo dục quy định chỉ có Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên có nhiệm vụ thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS và cấp THPT.

Vì vậy, năm 2021, Bộ GD&ĐT đã có văn bản đề nghị các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp có đào tạo các ngành, nghề chuyên môn đặc thù lĩnh vực nghệ thuật liên kết với các trung tâm giáo dục thường xuyên để giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS và cấp THPT.

Quy định mới này đã gây ra những khó khăn đối với các cơ sở đào tạo nghệ thuật và tác động trực tiếp đến tâm lý người học năng khiếu nghệ thuật, vì từ trước đến nay, các cơ sở đào tạo đã được phép của cơ quan có thẩm quyền thành lập Khoa văn hóa để tổ chức đào tạo văn hóa kết hợp với đào tạo chuyên môn ở trình độ trung cấp với thời gian đào tạo 3 năm, 4 năm, 5 năm, 6 năm, 7 năm và 9 năm.

Các cơ sở đào tạo đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý đào tạo địa phương (Sở GD&ĐT) tổ chức đào tạo chương trình giáo dục thường xuyên và có một số cơ sở đào tạo tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục THCS, chương trình giáo dục phổ thông tại các trường theo quy định.

Việc người học phải di chuyển đến Trung tâm giáo dục thường xuyên để học văn hóa, không bảo đảm được nhiệm vụ vừa học văn hóa vừa học chuyên môn nghệ thuật, gây ảnh hưởng đến quá trình đào tạo, mặt khác còn làm ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như không bảo đảm an toàn của người học (đối với các học sinh nghệ thuật độ tuổi nhỏ, cần có bảo mẫu chăm sóc hàng ngày).

Đại diện Vụ Khoa học công nghệ, đào tạo và môi trường (Bộ VHTTDL) cho biết, lý do đề xuất xây dựng một Nghị quyết của Quốc hội là thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2663/VPCP-KGVX ngày 19.4.2021 về việc kiến nghị của Bộ VHTTDL đối với đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, cho phép các cơ sở đào tạo lĩnh vực nghệ thuật tiếp tục được đào tạo trình độ trung cấp các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù cho đến khi xây dựng được Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu, đặc thù trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

Bộ VHTTDL đã triển khai xây dựng Nghị định từ năm 2021 đến nay, đã phối hợp với các Bộ, ngành và có nhiều văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức các cuộc họp với các Bộ, ngành liên quan về những nội dung cần điều chỉnh, bổ sung trong dự thảo Nghị định.

Tuy nhiên, do vướng các quy định tại một số luật liên quan nên Nghị định đã được ban hành.

Các nội dung của chính sách được đề cập trong “Nghị quyết của Quốc hội quy định về đào tạo các ngành, nghề đặc thù trong nghệ thuật” được kế thừa từ dự thảo Nghị định quy định về Đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật, nhằm giải quyết những bất cập, quy định đối với cơ sở giáo dục đại học được đào tạo trình độ trung cấp và thời gian đào tạo trình độ trung cấp các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật: Cơ sở giáo dục đại học được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp để đào tạo các ngành, nghề chuyên môn đặc thù lĩnh vực nghệ thuật trình độ trung cấp, cao đẳng theo quy định của Nghị quyết khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp; Thời gian đào tạo trình độ trung cấp các ngành, nghề chuyên môn đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật từ 3 đến 9 năm tùy theo ngành, nghề đối với người đã hoàn thành chương trình tiểu học trở lên; kết hợp học chuyên môn nghệ thuật với kiến thức văn hóa; Cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo các ngành, nghề chuyên môn đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật trình độ trung cấp được tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT phù hợp với điều kiện của cơ sở đào tạo và phù hợp với đặc thù ngành, nghề và thời gian đào tạo quy định tại Nghị quyết…

Cần lắm Nghị quyết riêng của Quốc hội - ảnh 2
Học sinh trường xiếc phải được tuyển chọn từ độ tuổi rất nhỏ

Rất cấp thiết đối với sự nghiệp đào tạo nghệ thuật

Trao đổi với Văn Hóa, ông Ngô Lê Thắng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam cho biết, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao phải có cơ chế, chính sách đặc thù; đào tạo từ rất sớm, ngay từ nhỏ với các tài năng, năng khiếu.

Hiện nay, các cơ sở đào tạo nghệ thuật rất mong chờ các Bộ, ngành cùng vào cuộc để nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách và quy định phù hợp, tạo điều kiện cho các cơ sở đảm bảo được điều kiện kiểm định chất lượng giáo dục và phù hợp với quy định hiện hành.

 Việc xây dựng Hồ sơ Nghị quyết của Quốc hội về đào tạo các ngành, nghề chuyên môn đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật là thật sự cấp thiết đối với sự nghiệp đào tạo nghệ thuật.

Ở đây, chúng ta rất cần các nhà hoạch định thay đổi tư duy làm chính sách đối với đào tạo nghệ thuật.

Chúng tôi đã “kêu” rất nhiều về tính đặc thù trong đào tạo của ngành nghệ thuật như đối tượng học sinh đều phải có năng khiếu được tuyển chọn từ nhỏ, quy trình đào tạo công phu, lâu dài và phải có hệ thống liên tục ở nhiều trình độ.

Chúng tôi khẩn thiết đề nghị nhà nước giải quyết, khắc phục một cách căn cơ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tế đối với các quy định của pháp luật hiện hành…

(PGS.TS.NGND NGUYỄN ĐÌNH THI, Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội)

Còn PGS.TS.NGND Nguyễn Đình Thi, Hiệu trưởng ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội thì cho rằng, nhiều năm nay các cơ sở đào tạo nghệ thuật đều mong chờ Nghị định quy định về Đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật, bởi lẽ rất nhiều nội dung đào tạo trong nghệ thuật chưa được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật.

Chính vì vậy, việc xây dựng Hồ sơ Nghị quyết của Quốc hội về đào tạo các ngành, nghề chuyên môn đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật là thật sự cấp thiết đối với sự nghiệp đào tạo nghệ thuật. Ở đây, chúng ta rất cần các nhà hoạch định thay đổi tư duy làm chính sách đối với đào tạo nghệ thuật.

“Chúng tôi đã “kêu” rất nhiều về tính đặc thù trong đào tạo của ngành nghệ thuật như đối tượng học sinh đều phải có năng khiếu được tuyển chọn từ nhỏ, quy trình đào tạo công phu, lâu dài và phải có hệ thống liên tục ở nhiều trình độ. Do đặc thù nghề nghiệp có đơn vị không đào tạo ở trình độ đại học mà chủ yếu đào tạo ở trình độ trung cấp. Chúng tôi khẩn thiết đề nghị nhà nước giải quyết, khắc phục một cách căn cơ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tế đối với các quy định của pháp luật hiện hành”, ông Nguyễn Đình Thi đề nghị.

Theo ông Thi, trường vừa có hội nghị đối thoại với sinh viên, và tại đây các thầy cô giáo, sinh viên đều có kiến nghị nhà nước cần có chính sách ưu đãi đặc thù như việc làm bài thi tốt nghiệp cho sinh viên cần có hỗ trợ kinh phí để xây dựng một tác phẩm sân khấu hoặc một bộ phim.

Kinh phí tốn hàng trăm triệu là ít nhất. Nếu không có chính sách đặc thù thì sinh viên sẽ rất khó khăn để làm bài thi tốt nghiệp.

Và cần khẳng định, có rất nhiều tác phẩm vượt ra khỏi tầm bài thi tốt nghiệp và đạt giải thưởng cao tại các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp.

Giám đốc Học viện Múa Việt Nam, TS.NGƯT Nguyễn Thúy Nga cũng cho rằng, do đặc thù ngành múa và một số ngành nghệ thuật khác, các học viên theo học hệ trung cấp, cao đẳng được tuyển vào rất sớm (từ đầu cấp THCS).

Bởi vậy, các cơ sở đào tạo nghệ thuật, đặc biệt là Học viện Múa Việt Nam luôn gặp trở ngại bởi vấn đề đào tạo kiến thức văn hóa và cấp bằng THPT do không có được sự chủ động.

Ban Giám đốc Học viện Múa Việt Nam, học sinh, phụ huynh và thầy cô giáo của Học viện khẩn thiết mong các Bộ, ngành cùng chung tay tháo gỡ, giải quyết dứt điểm những khó khăn, bất cập.

Các chế độ, chính sách hiện nay trong công tác đào tạo cũng gặp rất nhiều những vướng mắc từ các văn bản và quy định. Lâu nay, Học viện vẫn được nhận 50% chế độ phụ cấp dành cho trường chuyên biệt.

Tuy nhiên, năm 2024 vừa qua khi kiểm toán vào làm việc kết luận rằng không có văn bản quy định cụ thể nên chỉ áp dụng 25%. Điều này đã khiến Học viện phải hoàn trả lại 25% số phụ cấp này, ảnh hưởng rất lớn đến tâm tư của giảng viên.

Đứng ở lĩnh vực âm nhạc, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Huy Phương cho hay: Hiện nay, hệ thống cơ sở vật chất và chế độ chính sách đãi ngộ cho công tác đào tạo nghệ thuật ở Việt Nam còn rất lạc hậu so với các nước có nền nghệ thuật phát triển.

Chỉ cần nhìn sang các nước trong khối ASEAN như Singapore, Thái Lan... thì chúng ta đã đi sau rất nhiều về đầu tư cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ chính sách.

Đào tạo một người làm nghệ thuật phải được đào tạo theo hình chóp nón, từ bề rộng đi lên. Không nên đánh đồng giữa đào tạo trung cấp chuyên nghiệp nghệ thuật hệ 4 năm, 7 năm với trung cấp 18 tháng ở các ngành nghề khác. Muốn nền nghệ thuật chuyên nghiệp phát triển và đào tạo ra tài năng cần phải có sự đầu tư chính thống từ nhà nước.

“Trên thực tế, sự bất cập không chỉ ở khâu đào tạo mà còn đối với ngành nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt là chế độ, chính sách đối với những người làm nghệ thuật. Bởi những quy định hiện nay đã quá cũ và không còn phù hợp với thực tiễn. Chúng tôi mong rằng, các Bộ, ngành sẽ có những định hướng, giải pháp cụ thể để phát huy giá trị nghệ thuật, tạo động lực sáng tạo cho những người làm nghệ thuật biểu diễn”, PGS.TS Nguyễn Huy Phương.

(Còn tiếp)