Nhân lên giá trị văn hóa của đồng bào Khmer
VHO - Việc thực hiện hiệu quả Dự án 6 về: “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” đã góp phần giữ gìn và bảo tồn tiếng nói, chữ viết của cộng đồng dân tộc Khmer thông qua việc triển khai thực hiện tại tỉnh Trà Vinh.
Những năm qua, việc dạy chữ Khmer cho con em đồng bào dân tộc tại các điểm chùa, trường học ở tỉnh Trà Vinh luôn được sự ủng hộ, khuyến khích từ chính quyền địa phương và đồng bào phật tử, cả về tinh thần cũng như các hình thức hỗ trợ vật chất, kinh phí, đã trở thành phong trào học tập mạnh mẽ, góp phần quan trọng trong gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa, tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc Khmer.
Ông Thạch Mu Ni, Phó Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh cho biết: “Tại Trà Vinh hiện nay, việc dạy ngôn ngữ mẹ đẻ cho đồng bào Khmer rất phổ biến, thời gian qua, ngành giáo dục và đào tạo địa phương đã đưa chương trình dạy chữ Khmer vào các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Riêng năm học 2023 - 2024, Trà Vinh có 125 trường học dạy tiếng Khmer cho gần 36.000 học sinh. “Song song đó, khuyến khích các chùa Nam tông Khmer tiếp tục dạy chữ viết, tiếng nói đồng bào Khmer trong các kỳ hè. Các lớp học này do các vị sư và Achar (người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số) thông thạo tiếng Khmer đảm nhiệm công tác giảng dạy. Hơn 10 năm nay, Sở GD&ĐT đã tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho trên 2.000 vị Sư và Achar để phục vụ tốt công tác giảng dạy”, ông Mu Ni nói.
Achar Thạch Luyển là người giảng dạy nhiều năm tiếng Khmer tại chùa Giồng Lớn (xã Đại An, huyện Trà Cú) cho biết: “Việc dạy chữ Khmer cho đồng bào dân tộc mình là nghĩa vụ của người học trước truyền lại cho người học sau, là truyền thống lâu đời của dân tộc Khmer. Hằng năm chùa đều có mở lớp dạy ngoài giờ học tiếng Việt ở trường hoặc thời gian nghỉ hè các em muốn học thêm tiếng Khmer thì đến các điểm chùa ở địa phương để học”. Thượng tọa Trương Văn Biển, Trụ trì chùa Giồng Lớn chia sẻ: “Chùa có từ 3 - 4 lớp học tùy theo từng năm. Năm nay, chùa mở 3 lớp học từ lớp 1 đến lớp 3, lớp mở học từ 8h - 10h hằng ngày. Các em học sinh tiểu học cứ mùa hè là vào chùa học tiếng Khmer, mới vào học thì học từ đầu còn em nào từng học 1,2 năm rồi thì học lớp nâng cao hơn. Giáo viên đa số là các sư ở trong chùa, sau đã tu học ở Trường Bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam bộ về dạy miễn phí cho con em Khmer, giúp các em biết chữ, biết tiếng mẹ đẻ của mình. Đã là người dân tộc Khmer thì phải biết tiếng, biết chữ Khmer”.
Em Danh Sô Thia, học sinh cấp tiểu học ở xã Đại An, huyện Trà Cú, đang học ở chùa Giồng Lớn cho biết: “Con học được 2 năm ở chùa rồi. Con đã biết viết, biết đọc sách, biết các chữ Khmer. Các vị chư tăng quan tâm chăm sóc, dạy chúng con học hành. Chúng con cảm ơn các vị chư tăng, mong muốn chùa mở nhiều lớp học để nhiều bạn như chúng con được học chữ Khmer. Con cố gắng học giỏi để không phụ lòng cha mẹ, các sư. Học giỏi lớn lên con sẽ có một tương lai tốt đẹp, trở thành công dân có ích với xã hội, giúp đỡ gia đình”.
Cách trung tâm TP Trà Vinh khoảng 20 km, Chùa Ô Đùng (xã Hiếu Từ, huyện Tiểu Cần) như một trường học thực sự. Hè năm nay, chùa đón hơn 200 em học sinh ở mọi lứa tuổi. Suốt 2 tháng hè, ngày nào các em cũng đến chùa để học tiếng nói và chữ viết của người Khmer, 10 phòng học rộng rãi, khang trang, bàn ghế ngăn nắp, sách vở ngay ngắn, học sinh tuân thủ răm rắp nội quy của lớp học. Thượng tọa Kim Mạnh, trụ trì chùa Ô Đùng cho biết: “Ngoài chức năng là trung tâm phát triển tâm linh và là nơi sinh hoạt văn hóa xã hội, chùa còn là nơi truyền dạy cho thế hệ tương lai của người Khmer về đạo đức, nhân cách sống, về sự hiếu thảo và các nghi thức giao tiếp, ứng xử... Các vị chư tăng trong chùa sau nhiều năm học Phật giáo, Phật học trở về chùa phụ giúp dạy tiếng Khmer trong dịp hè cho con em. Chùa Ô Đùng năm nay có 10 vị chư tăng có đủ khả năng dạy tiếng Khmer, thay phiên nhau đứng lớp”.
Ông Lê Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh đánh giá, việc bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc Khmer ở tỉnh Trà Vinh luôn được chú trọng, quan tâm. Với tinh thần trách nhiệm, các vị sư sãi, Achar tham gia giảng dạy các lớp Khmer cho tăng sinh, học sinh xuyên suốt trong năm học. Việc học ngôn ngữ và giữ gìn chữ viết là giữ được tiếng nói và văn hóa của dân tộc mình. “Chính vì thế, việc dạy và học chữ Khmer đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển giáo dục, nâng cao dân trí, bảo tồn văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Khmer. Đồng thời, việc dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số phát huy được sự tham gia của cộng đồng vào sự nghiệp phát triển giáo dục, thực hiện tích cực quá trình xã hội hóa giáo dục và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số”, ông Bình nói.