Lễ mừng cơm mới của cộng đồng dân tộc Thái
VHO - Trong khuôn khổ chương trình Chào năm mới 2025, tại không gian làng dân tộc Thái (làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), đồng bào dân tộc Thái tỉnh Thanh Hóa đã tái hiện Lễ mừng cơm mới.
Cộng đồng dân tộc Thái tỉnh Thanh Hóa có vốn di sản văn hóa truyền thống phong phú và đặc sắc. Người Thái nơi đây chủ yếu làm nông nghiệp, vì vậy các lễ hội thường gắn với hoạt động nông nghiệp. Trong đó, Lễ mừng cơm mới là nghi lễ nông nghiệp có tính chất tâm linh nhưng mang ý nghĩa tốt đẹp. Lễ mừng cơm mới là một hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần đặc sắc, một bức tranh đa sắc màu trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Thái xứ Thanh.
Đây là lễ nghi của người dân trong bản trước vòng quay của mùa vụ, cảm ơn các đấng thần linh, ông bà, tổ tiên đã phù hộ, đã “trông nom” nương rẫy để có một vụ mùa bội thu và cầu mong mùa tới lại tiếp tục được trâu bò đầy chuồng, lúa thóc đầy bồ.
Sau khi đã thu hoạch xong mùa màng, đồng bào dân tộc Thái xứ Thanh thường chuẩn bị tổ chức Lễ mừng cơm mới. Họ thường chọn ngày đẹp, tránh vào ngày kiêng cữ của gia đình như ngày mất của ông bà, bố mẹ, người thân trong nhà.
Từ bao đời nay, đồng bào người Thái ở Thanh Hóa luôn trân trọng và biết ơn trời - đất, rừng cây, sông suối, ruộng nương đã cho họ những phẩm vật quý giá, nuôi sống mỗi người và cả cộng đồng.
Người Thái cho rằng, để có một mùa vụ bội thu, thì sự phù hộ của đất trời, tổ tiên là rất quan trọng. Người Thái có câu: “Lực lan bỏ tàm kin cón, bỏ hón kin cai đằm pang” (Con cháu không dám ăn trước, không thể ăn qua mặt gia tiên) nên gia tiên phải là người ăn cơm mới trước, nếu không cây lúa sẽ không tốt và sẽ không được mùa.
Vì vậy, nhằm cảm ơn tổ tiên và công ơn sinh thành của cha mẹ, mừng mùa màng bội thu và cầu cho con cháu khỏe mạnh, mưa thuận, gió hòa giúp năm sau lại có những mùa vụ tươi tốt, mỗi gia đình dù có hoàn cảnh khác nhau vẫn thu xếp làm Lễ mừng cơm mới.
Trong lễ hội, thầy Mo đóng vai trò là chủ lễ. Thầy Mo là người kết nối giữa cộng đồng với các thần linh, đọc các bài văn khấn gửi tới các thần linh, ông bà tổ tiên, bày tỏ lòng biết ơn vì đã cho cộng đồng một mùa bội thu và cầu xin mưa thuận gió hòa để mùa vụ năm sau nhà nhà được no đủ, thóc lúa đầy bồ, khoai, sắn đầy sân, gia súc đầy chuồng.
Đây cũng là dịp để cầu an, cầu phúc cho gia đình, dòng tộc và cho cả cộng đồng, đồng thời cũng để bày tỏ những khát vọng, mơ ước về cuộc sống bình yên, sung túc, xua đi những nhọc nhằn vất vả, lo toan trong cuộc sống hiện tại và cũng là cơ hội để cộng đồng gắn kết, gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc.
Lễ mừng cơm mới là một trong những lễ quan trọng và linh thiêng nhất của người Thái trong năm, nên người Thái chuẩn bị cho lễ cúng rất chu đáo.
Để có lễ vật dâng lên thần linh, tổ tiên và đãi khách rất quan trọng, nên phải chuẩn bị chu đáo từng nhiều tháng trước. Sau khi thầy Mo chọn được ngày lành tháng tốt sẽ thông báo với gia đình.
Mâm lễ cúng được gia chủ chuẩn bị đủ đầy thịt lợn, cá, rượu cần, hoa quả, bánh kẹo, trầu cau, cua suối, ốc dài, trứng và nấm (nấm theo lời thầy Mo là thể hiện sự vươn lên của lớp trẻ).
Đặc biệt, trong mâm cúng không thể thiếu “Na mẫu” tức là cốm làm từ lúa nếp non, “Mạ cong” tức là gạo giã từ thóc xôi chín đem phơi, rất dẻo và thơm. Cùng với đó, khăn Piêu và vòng bạc cũng được dâng lên trong mâm lễ.
Lễ mừng cơm mới của người dân tộc Thái ở tỉnh Thanh Hóa chứa nhiều ý nghĩa nhân văn cao cả, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tạ ơn đất trời, các vị thần linh đã cho mưa thuận, gió hòa cây trồng, vật nuôi tươi tốt; cảm tạ ông bà tổ tiên đã có công khai phá ruộng nương để lại cho cháu con có cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc.
Lễ mừng cơm mới cũng là dịp để thắt chặt sự cộng cư, cộng mệnh và cộng cảm, cầu cho bản mường bình an, mùa màng tươi tốt, nhân khang vật thịnh, chung sức, chung lòng dựng xây bản mường giàu đẹp.