Người Hrê hút khách bằng điệu dân ca

PHAN HIẾU

VHO - Lấy những làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc để thu hút du khách, đó là cách người Hrê ở Bình Định triển khai có hiệu quả Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”.

Người Hrê hút khách bằng điệu dân ca - ảnh 1
Trình diễn chiêng 5

Những ngày cuối năm 2024, chúng tôi theo đoàn công tác của Sở VHTT Bình Định đi tổng kết, nghiệm thu mô hình bảo tồn và phát huy dân ca, dân vũ, dân nhạc của đồng bào Hrê tại xã vùng cao An Trung, huyện An Lão. Tại đây, chúng tôi đã chứng kiến các nghệ nhân, thiếu nữ Hrê trình diễn chiêng 3, chiêng 5, đánh goong, đàn vroac, prăng, đàn tép vin vút, sáo, hát dân ca Hrê, múa xoang… tạo nên một không khí lễ hội, âm vang của các loại nhac cụ giữa núi rừng đại ngàn.

Nghệ nhân Đinh Xuân Hải chia sẻ: “Tôi biết sử dụng nhiều nhạc cụ truyền thồng của người Hrê. Ước muốn của tôi là nhạc cụ của người Hrê được nhiều người biết đến, đặc biệt là thế hệ trẻ noi theo, học tập để quảng bá nét đẹp truyền thống này trong cộng đồng dân tộc”. Phó Chủ tịch UBND xã An Trung Đinh Thị Xư cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng khi được Sở VHTT Bình Định chọn làm điểm về mô hình bảo tồn và phát huy dân ca, dân vũ, dân nhạc của đồng bào Hrê. Đây là dịp để các nghệ nhân truyền dạy những nét tinh túy, đặc sắc văn hóa của người Hrê. Đồng thời, khơi dậy niềm đam mê múa xoang đối với chị em phụ nữ. Mong rằng trong thời gian tới, tỉnh và huyện quan tâm, mở nhiều lớp tập huấn, mô hình truyền dạy để người dân học tập và bảo tồn nét đẹp truyền thống trên quê hương mình”.

Người Hrê hút khách bằng điệu dân ca - ảnh 2
Điệu múa xoang của người Hrê

Hiện nay, những giá trị văn hóa phi vật thể truyền thống vẫn đang hiện diện trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc huyện An Lão. Mỗi di sản văn hóa đều mang sắc thái riêng của mỗi dân tộc, thể hiện rõ nhu cầu và đặc trưng riêng. Đây chính là một tiềm năng dồi dào để phát triển văn hóa, trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện, trong đó có phát triển du lịch. Nhận thức được được vấn đề này, trong những năm qua, huyện An Lão triển khai đồng bộ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn huyện thông qua công tác nghiên cứu, sưu tầm, thống kê các tư liệu để đánh giá giá trị của từng di sản văn hóa. Trong đó đi sâu vào việc nghiên cứu di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Hrê.

Ông Châu Anh Tế, Trưởng phòng VHTT huyện An Lão cho biết: “Các làn điệu dân ca của người Hrê xuất hiện khá lâu đời và được truyền miệng cho các thế hệ. Trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các nghệ nhân địa phương đã sáng tác thêm nhiều bài hát có nội dung mới như: Ca ngợi chiến công của Anh hùng Đinh Nỉ, nội dung về dân công, nghĩa vụ, lao động sản xuất, tình yêu đôi lứa trong thời kỳ đổi mới. Độc đáo và tiêu biểu nhất trong nhạc cụ của người Hrê là trình diễn chiêng 3, chiêng 5, bài Chiêng của người Hrê cũng có nhiều nét mới lạ theo từng nhịp điệu và âm thanh chậm rãi, thiết tha, sâu lắng”.

Người Hrê hút khách bằng điệu dân ca - ảnh 3
Các nghệ nhân trình diễn đàn Ra đong, sáo Ta lía và đàn Tơ rưng

Ngoài ra, người Hrê còn có những di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc như tín ngưỡng, lễ hội, nghệ thuật trình diễn, dân ca, thơ ca dân gian, nghề thủ công truyền thống, y học dân gian, ẩm thực... mang đậm sắc thái cội nguồn. Trong đó, hệ thống lễ hội dân gian là giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu, chiếm vị trí hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Hrê như Lễ cưới của người Hrê, lễ rước Cồng chiêng, cúng được mùa, cúng con nước...

Nhằm thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Hrê gắn với phát triển du lịch trong thời gian tới, bà Huỳnh Thị Anh Thảo, Phó Giám đốc Sở VHTT Bình Định mong muốn huyện An Lão đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cùng tham gia bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, có chính sách, chế độ đãi ngộ cho các nghệ nhân, những cá nhân và gia đình có công sức giữ gìn những di sản văn hóa phi vật thể. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn nghệ quần chúng theo hướng xã hội hóa, kết hợp nhiều loại hình nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Bên cạnh đó, định hướng phát triển cả về số lượng ở một số xã, thị trấn và nâng cao chất lượng hoạt động của các câu lạc bộ dân ca và nhạc cụ đồng bào Hrê, các đội văn nghệ cấp thôn, khu phố, xã, thị trấn vừa hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị vừa làm dịch vụ du lịch.