Cách làm hay ở vùng cao An Lão
VHO - An Lão là huyện miền núi, vùng cao của tỉnh Bình Định có nhiều tiềm năng trong phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch nghỉ dưỡng. Ngoài những lợi thế về tự nhiên, An Lão còn có nhiều nét văn hóa đặc sắc, trong đó phải kể đến trang phục truyền thống của người Hrê và Ba Na.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Yang Danh cho rằng: “Trang phục truyền thống của người Hrê, Ba Na chính là sự kết tinh văn hóa trong môi trường tự nhiên, xã hội riêng biệt. Nó mang nét đẹp của sự hồn nhiên, thanh khiết như đất, như nước, như núi rừng”. Theo ông Yang Danh, thổ cẩm, trang phục truyền thống đã thành một phần tất yếu của đời sống cư dân và là một phần trong đời sống văn hóa của đồng bào Hrê, Ba Na.
Cũng theo nhà nghiên cứu Yang Dang, sản phẩm thổ cẩm của đồng bào Hrê, Ba Na được chế tác thủ công chủ yếu bằng nguyên liệu chính là bông được trồng trên rẫy. Đến mùa bông nở rộ, người phụ nữ Hrê, Ba Na lại mang gùi lên rẫy hái về phơi khô, tách hạt, nhồi mịn, xoe từng lọn nhỏ, kéo thành sợi, sau đó đem nhuộm thành nhiều màu khác nhau. Trong đó có màu đen, màu đỏ và màu trắng. Màu đen làm nền chủ đạo, vì màu đen là màu kín đáo, dịu dàng và mạnh mẽ.
Nghệ nhân Đinh Văn Bình, đồng bào Hrê ở xã An Dũng chia sẻ: “Hoa văn trên thổ cẩm của đồng bào Hrê được bố trí đối xứng, gắn liền với thiên nhiên núi rừng, sông nước, cây cối, hoa lá, với quan niệm vạn vật hữu linh, nhân sinh, vũ trụ, lịch sử, văn hóa tộc người làm chủ đạo, từ những dải băng màu song song, đến hoa văn hình học cách điệu tam giác cân, các hình vuông xếp cạnh nhau”.
Cũng theo nghệ nhân Đinh Văn Bình, người Hrê cho rằng hai màu đen, trắng sẽ đại diện cho đất và nước, màu đỏ đại diện cho thần linh, cả ba màu ấy hòa quyện, bổ trợ nhau trên từng chi tiết cho các sản phẩm thổ cẩm thêm rực rỡ. Các gam màu đỏ, đen, trắng trên trang phục của người Hrê được kết hợp với bố cục có chọn lọc, các đường sọc đỏ không rực rỡ, màu đen được sử dụng làm nền vẫn không lấn át các màu khác, màu xám, màu xanh không quá đậm khiến cho các màu sắc hoa văn tạo nên sự dịu dàng, đằm thắm vững chãi không rực rỡ chói mắt. Màu sắc hoa văn trên sản phẩm dệt thổ cẩm của người Hrê còn thể hiện đặc điểm giới tính khá rõ nét. “Riêng chiếc váy của phụ nữ Hrê có màu đen dịu dàng, tượng trưng màu của đất, còn chiếc khố và khăn quấn đầu của người đàn ông Hrê thì bao giờ màu đỏ cũng chiếm ưu thế nổi trội”, nghệ nhân Đinh Văn Bình cho biết thêm.
Nhắc đến thổ cẩm, trang phục truyền thống của người Ba Na, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chi hội Văn nghệ dân gian Bình Định cho biết: “Thổ cẩm của người Ba Na dùng nhiều họa tiết hoa văn hình học với các đường thẳng, hình chữ nhật, hình tam giác. Họa tiết thường là những nét hoa văn li ti chồng lên nhau tạo thành một dải phức hợp quanh một mẫu trang trí chính là hình thoi dệt trên nền trắng, đỏ. Người Ba Na chọn màu đen làm màu chủ đạo trong trang phục thổ cẩm kết hợp với các màu đỏ, trắng và điểm một ít màu vàng, xanh non tạo nên ấn tượng mạnh mẽ nhờ sự tương phản”.
Thời gian qua, cán bộ công chức, viên chức đồng bào Hrê, Ba Na huyện An Lão tự trang bị trang phục truyền thống của dân tộc mình và mặc trang phục truyền thống trong các dịp lễ, hội họp, sinh hoạt; học sinh mặc từ 1 đến 2 buổi trên tuần khi đến lớp và vào các dịp lễ, hội; người đồng bào dân tộc mặc trang phục truyền thống dịp hiếu, hỉ, hội họp, sinh hoạt.
Ông Châu Anh Tế, Trưởng phòng VHTT huyện An Lão cho hay, hiện nay toàn huyện có 40 thôn của 8 xã và 1 thị trấn có đồng bào Hrê, Ba Na sinh sống. Mỗi dân tộc đều có bộ trang phục truyền thống riêng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, những bộ trang phục truyền thống của họ dần mai một. Trước thực trạng trên, UBND huyện An Lão đã tổ chức một cuộc hội thảo lấy ý kiến về bộ trang phục truyền thống của đồng bào Hrê, Ba Na trên địa bàn huyện. Kết quả, UBND huyện An Lão thống nhất chọn mẫu trang phục truyền thống đồng bào Hrê huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) về màu sắc, hoa văn, chất liệu làm bộ trang phục truyền thống đồng bào Hrê huyện An Lão. Trang phục truyền thống đồng bào Ba Na, UBND huyện An Lão thống nhất chọn mẫu trang phục truyền thống đồng bào Ba Na xã An Toàn, An Nghĩa đang sử dụng về màu sắc, hoa văn, chất liệu làm bộ trang phục truyền thống đồng bào Ba Na huyện An Lão; bổ sung thêm khố nam Ba Na, mũ nam và dây cột đầu nữ.
Ông Đinh Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão cho biết: “Huyện rất chú trọng, quan tâm tới công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa của các dân tộc trên địa bàn huyện, nhất là loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Vừa qua, UBND huyện triển khai thực hiện Kế hoạch “xây dựng, phục dựng hoàn thiện bộ trang phục truyền thống đồng bào Hrê, Ba Na theo quyết định số 1831 QĐ- UBND ngày 22.06.2023 của UBND huyện An Lão”. Theo ông Đinh Văn Phú, xây dựng, phục dựng trang phục truyền thống của đồng bào Hrê, Ba Na trên địa bàn huyện An Lão cũng góp phần đẩy mạnh thực hiện Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”.