Lấy văn hóa truyền thống làm sản phẩm du lịch
VHO - Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, tỉnh Cà Mau đã và đang nỗ lực khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, các dân tộc thiểu số trong tỉnh, tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có.
Thời gian qua, được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở VHTTDL đã phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan triển khai thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích theo đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Đến nay, toàn tỉnh đã lập hồ sơ khoa học và xếp hạng được 51 di tích, trong đó có 12 di tích quốc gia, có 39 di tích cấp tỉnh. Đồng thời, tiến hành nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê hiện vật, di vật, cổ vật quý hiếm được 900 hiện vật các loại thuộc văn hóa dân tộc Khmer và 100 ảnh tư liệu về các hoạt động sinh hoạt đời sống, lễ hội... của đồng bào dân tộc Khmer.
Việc triển khai Dự án 6 không chỉ góp phần bảo tồn các giá trị di sản mà còn nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Nhằm tiếp tục làm tốt công tác bảo tồn, khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa vật thể các dân tộc thiểu số, tỉnh Cà Mau đã đầu tư kinh phí tu bổ, sửa chữa di tích quốc gia chùa Cao Dân (xã Tân Lộc, huyện Thới Bình) với tổng kinh phí 770 triệu đồng và đang thực hiện công tác trùng tu, tôn tạo đối với 2 di tích là chùa Tam Hiệp (xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời) và chùa Đầu Nai (xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình).
Theo ông Trần Hoàng Nhỏ, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, trong năm 2023, từ nguồn vốn Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã hỗ trợ kinh phí để mua mới, tu bổ, sửa chữa ghe ngo và mua sắm 4 dàn nhạc ngũ âm cho 4 chùa của đồng bào Khmer với tổng kinh phí trên 932 triệu đồng; tổ chức đào tạo, truyền nghề về bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật Nhạc ngũ âm của đồng bào dân tộc Khmer; phục dựng lễ hội Chôl Chnăm Thmây và nghi thức lễ đắp núi cát, tổng kinh phí gần 500 triệu đồng.
Trong quá trình phát triển, người Khmer đã hun đúc, sáng tạo nên các loại hình nghệ thuật truyền thống vô cùng tinh tuý, đặc sắc, chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc, chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần trong cộng đồng người Khmer. Tiêu biểu phải kể đến nghệ thuật âm nhạc; múa truyền thống Khmer; nghệ thuật sân khấu Rôbăm, Dùkê; văn học dân gian; trang phục truyền thống... Tuy nhiên, các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc Khmer hiện đang gặp nhiều khó khăn, bất cập về nguồn nhân lực. Trong khi nguồn nhân lực tại chỗ chưa mang lại hiệu quả cao, số nghệ nhân, nghệ sĩ người Khmer giỏi, tinh thông nghệ thuật truyền thống hiện còn lại rất ít.
Ông Hữu Văn Kel, thành viên CLB Nhạc trống lớn, ấp Cây Khô, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình trăn trở: “Vấn đề lưu giữ và bảo tồn văn hóa nghệ thuật truyền thống cho con cháu cũng khá nan giải, những người am hiểu tuồng tích, các giai điệu truyền thống đều lớn tuổi, già yếu. Lớp trẻ khó kế thừa vì không có đam mê như ngày xưa, khó tìm được lớp kế tục có tâm huyết”.
Ông Hữu Trung, Trưởng đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Cà Mau cho biết: “Khán giả xem sân khấu dù kê ngày càng ít dần, chưa kể dù kê đang không còn lớp kế thừa mới. Những người viết kịch bản, dựng tuồng, nắm vững âm điệu trong từng vở dù kê cũng không còn nhiều. Việc dựng một vở dù kê cũng không dễ dàng, vừa mất công sức, mất nhiều thời gian. Ðoàn cố gắng vận động những em có năng khiếu ở cơ sở tham gia đoàn để học tập và rèn luyện. Tuy nhiên, kinh phí cho các em đi lại cũng như sinh hoạt còn hạn hẹp. Thêm nữa, để phát hiện được một tài năng và có đam mê thật sự không dễ dàng”.
Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số đang được tỉnh Cà Mau quan tâm đầu tư đã góp phần không nhỏ trong việc tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo riêng biệt. Các phong tục tập quán tốt đẹp, lễ hội truyền thống, văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào Khmer tỉnh Cà Mau đã và đang được duy trì tổ chức ngày càng tiến bộ, đậm đà bản sắc dân tộc. Có được những kết quả này, phải nhắc đến nguồn lực vô cùng quan trọng từ triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, đặc biệt là việc triển khai hiệu quả nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong những năm gần đây.