Lễ hội cầu may đầu năm mới ở miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hoá
VHO - Miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hoá được ví như bức tranh thổ cẩm đa sắc màu, gồm 11 huyện với 6 dân tộc thiểu số đoàn kết cùng sinh sống gồm dân tộc Mường, Thái, Dao, Mông, Thổ, Khơ Mú. Đồng bào các dân tộc thiểu số ở Thanh Hóa có nhiều phong tục tập quán đặc sắc. Trong đó, Lễ hội cầu may được đồng bào duy trì từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Mục đích chính của Lễ hội cầu may là để cầu một năm mọi người dân đều mạnh khỏe, bình an, may mắn, mùa màng bội thu, gia đình yên ấm, thuận hòa. Đó là phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa vào mỗi dịp đầu xuân năm mới.
Lễ hội cầu may của các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa là nét văn hóa tín ngưỡng đặc sắc. Đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây quan niệm, trong cuộc đời cần phải có một sợi dây tâm linh ràng buộc hồn vía và thể xác lại với nhau, tựa như “chiếc bùa hộ mệnh”, vừa bảo vệ vừa mang lại sức khỏe, may mắn.
Theo quan niệm của đồng bào nơi đây, mỗi con người gồm có hai phần là “hồn” và “xác”. Hồn hình thành trên mường trời do bà mụ thứ nhất (bà con gọi là me bảu) cho vào khuôn đốt thành khí, xác hình thành dưới trần gian do vật chất cấu thành theo hình hài do bà mụ thứ 2 (bà con gọi là me nang) nặn ra.
“Hồn” và “xác” kết hợp với nhau cùng song song tồn tại trong một thời gian nhất định, nếu “xác” mất “hồn”, hoặc “hồn” mất “xác” thì đều không còn sự sống. “Hồn” và “xác” rời khỏi nhau đều trở về với cội nguồn, hồn lên trời, còn xác thì xuống đất.
Vì thế, đồng bào mới có tục cầu may nhằm buộc chỉ vào cổ tay để giữ “hồn” ở lại với “xác”, để sự sống của con người được trường tồn…
Lễ hội cầu may là một trong những lễ quan trọng nhất trong năm nên đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Thanh Hóa chuẩn bị cho lễ cúng rất chu đáo.
Nhiều công việc phải tiến hành từ rất sớm như nuôi lợn, nuôi gà,... đặc biệt không thể thiếu rượu cần để mời khách tới dự lễ.
Để chuẩn bị mâm lễ cúng, quan trọng nhất là các sợi chỉ được đặt vào mâm cúng. Lễ vật cúng có thịt lợn luộc, gà, xôi to, một cặp nến sáp ong, gạo, một hũ rượu cần, trầu cau đã têm, trứng gà, hoa quả, bánh kẹo, một đĩa các sợi chỉ màu…
Ngày làm lễ, từ sáng sớm tinh mơ, người dân trong bản đã tập trung đầy đủ, mỗi người một tay trang trí,làm mâm cỗ, trước để cúng thần linh và sau là người dân trong bản chung vui, tiếp khách quý.
Sau khi thực hiện các nghi thức làm lễ , ông Mo sẽ ban lộc cho từng người bằng cách buộc chỉ cổ tay. Mỗi người tùy theo lứa tuổi, địa vị để được ông Mo buộc chỉ màu khác nhau. Đây được xem là bùa may mắn mà ông Mo ban tặng tất cả mọi người.
Theo quan niệm của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa, từ khi sinh ra, ai cũng có linh hồn. Trong ngày quan trọng của Lễ hội cầu may, những đứa trẻ sẽ được thầy Mo buộc chỉ cổ tay, được gửi gắm cho thần linh, thổ địa, tổ tiên và những phần vía của mình, nhờ cậy những đấng siêu nhiên, các vị thần linh, tổ tiên bảo vệ cho con trẻ mình được trọn đời khỏe mạnh, may mắn.
Cùng với đó, đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa đều có Lễ cầu may cho bậc đấng sinh thành của họ.
Lễ cầu may cho cha mẹ mục đích là cầu mong cho cha mẹ sống lâu, bình an, đồng thời cũng tỏ lòng biết ơn công nuôi dưỡng, sinh thành của cha mẹ. Đây là cách con cháu báo hiếu cha mẹ, ông bà để hồn vía được giữ chặt bên con cháu, tránh mọi tai ương, để gia đình được hòa thuận, ấm êm, hạnh phúc.