Lễ Mở kho lúa của dân tộc B’râu (tỉnh Kon Tum)

Phóng sự ảnh: TRẦN HUẤN

VHO - Lễ Mở kho lúa của dân tộc B’râu (Kon Tum) diễn ra vào tháng 10 hoặc tháng 11 hằng năm. Già làng xem ngày và thông báo với toàn thể dân làng về việc chuẩn bị làm lễ. Khi ngày giờ đã được ấn định, tất cả gia đình bắt tay vào chuẩn bị rượu, gạo, lợn, gà...

 Lễ Mở kho lúa của dân tộc B’râu (tỉnh Kon Tum) - ảnh 1
Lễ hội Mở kho lúa nhằm cầu xin mưa thuận gió hòa, dân làng bình an mạnh khỏe, nương rẫy mùa màng tươi tốt

Đàn ông “lên dây chiêng”, sửa lại đàn, đàn bà con gái khẩn trương dệt nốt những bộ váy áo đẹp cho mình và người thân trong gia đình để kịp mặc trong ngày hội. Thanh niên trai tráng vào rừng tìm cây tre già thẳng ngọn, cây lồ ô giữa bụi để làm cây nêu, những người khác xuống sông, lên núi bắt nhiều con cá to, lấy nhiều đọt cây ngọt mây đắng cho ngày hội thêm nồng...

 Lễ Mở kho lúa của dân tộc B’râu (tỉnh Kon Tum) - ảnh 2
Già làng là người thực hiện các nghi lễ
 Lễ Mở kho lúa của dân tộc B’râu (tỉnh Kon Tum) - ảnh 3
Nghi thức cúng chiêng tha và mời tha ăn là quan trọng nhất

Lễ vật gồm có lợn, gà, rượu cần, các loại hạt giống như lúa, bầu, bí, bắp và một số loại lá cây rừng. Để chuẩn bị cho ngày lễ, già làng kêu gọi dân làng chuẩn bị mỗi nhà một ghè rượu, thanh niên trai tráng trong làng thì vào rừng chặt mây đắng, còn phụ nữ thì đi xúc cá, hái rau rừng, những người còn lại trang trí nơi cúng lễ.

 Lễ Mở kho lúa của dân tộc B’râu (tỉnh Kon Tum) - ảnh 4
Già làng và bà con buôn làng thực hiện nghi thức mở kho lúa
 Lễ Mở kho lúa của dân tộc B’râu (tỉnh Kon Tum) - ảnh 5
Những phụ nữ khéo tay thực hiện việc giã và xảy mẻ lúa đầu tiên

Sáng sớm ngày tổ chức lễ hội, già làng thông báo bà con tập trung lên nhà rông để tiến hành những công việc chuẩn bị cho phần lễ. Khi các bước chuẩn bị đã hoàn tất, già làng làm lễ Mở kho lúa, già làng khấn xin phép và thông báo với giàng. Trong lễ cúng Mở kho lúa, nghi thức cúng chiêng tha và mời tha ăn là quan trọng nhất vì người B’râu cho rằng chiêng tha không chỉ là nhạc khí mà còn là thần linh, là tổ tiên, đó cũng là sợi dây, cầu nối giữa cộng đồng buôn làng với thần linh để mang những lời cầu nguyện của dân làng đến với thần linh. Vì vậy, để mời tha nói trước tiên phải làm lễ mời tha ăn, mời tha uống.

 Lễ Mở kho lúa của dân tộc B’râu (tỉnh Kon Tum) - ảnh 6
 Lễ Mở kho lúa của dân tộc B’râu (tỉnh Kon Tum) - ảnh 7
Khi thực hiện xong phần lễ, dân làng chuyển sang phần hội bằng việc tổ chức đánh cồng chiêng, múa xoang

Khi thực hiện xong phần lễ, dân làng chuyển sang phần hội bằng việc tổ chức ăn uống, đánh cồng chiêng, múa xoang với mong muốn các giàng, các đấng thần linh và mẹ thiên nhiên phù hộ bảo vệ làng tránh khỏi được những tai họa của thiên nhiên, cầu xin mưa thuận gió hòa, dân làng bình an mạnh khỏe, nương rẫy mùa màng tươi tốt.