Về Định Quán, vui với lễ hội đồng bào dân tộc thiểu số
VHO - Huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai có 34 thành phần dân tộc, với hơn 37 ngàn người dân tộc thiểu số (DTTS) cùng chung sống. Trong những năm qua, công tác bảo tồn văn hóa truyền thống các DTTS trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả đáng kể, cả về quy mô cũng như chiều sâu. Trong đó phải kể đến việc phục dựng và tổ chức các lễ hội truyền thống, thu hút du khách.
Lễ hội là một phần không thể thiếu trong văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS, được gìn giữ qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên theo thời gian, do nhiều nguyên nhân, một số lễ hội, lễ nghi đã bị mai một. Để khắc phục tình trạng này, huyện Định Quán đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, bảo tồn, phát huy các lễ hội, nghi lễ truyền thống của đồng bào các dân tộc.
Đặc biệt, huyện Định Quán duy trì tổ chức 5 lễ hội truyền thống đồng bào các dân tộc gồm: Sayangva, Yangcoi, Yangbơnơm, Tạ Tài Phán và Lồng Tồng.
Lễ hội Sayangva, hay còn gọi Lễ cúng thần Lúa của người Chơro được tổ chức vào ngày 15.3 âm lịch hằng năm tại ấp Đồn Điền 2 xã Túc Trưng. Đây cũng là lễ hội lớn nhất trong năm của người Chơro.
Trước sân nhà người Chơro dựng một cây nêu. Nơi gốc cây nêu cột heo cỏ, gà chuẩn bị làm thịt cúng tế. Buổi sáng, những người phụ nữ Chơro đi rước hồn lúa – vốn là chùm lúa rẫy được bó để dành sau mùa thu hoạch trên nương. Rước về, họ chia bông lúa trang trí trên bàn thờ, làm thịt gà, heo bôi huyết trên cây nhang và chuẩn bị rượu cần, các lễ vật để cúng thần. Nghi thức cúng chính là cúng thần nhà trước, sau đến cúng tổ tiên, thần lúa.
Già làng hoặc chủ nhà đảm trách việc đọc lời khấn, trình bày tấm lòng thành của gia chủ, cầu mong được thần linh hộ trì cho sức khoẻ, ban cho mùa màng tươi tốt, cây lắm trái, lúa nhiều hạt. Sau khi cúng thần nhà, người Chơro đem lễ vật ra kho lúa. Tại đây diễn ra những nghi tế và khấn riêng cho thần lúa.
Trong lễ hội, sau những nghi thức cúng thần linh, cầu bình an cho bản làng, mùa màng, người Chơro vui chơi, uống rượu cần, nhảy múa ca hát trong không khí náo nhiệt của một hội lễ sau những ngày nhọc sức lên nương, làm rẫy, đi rừng săn bắn. Trong khi khách tham dự tiệc, uống rượu cần, cồng chiêng được tấu lên.
Một số phụ nữ, trẻ em Chơro hát, múa những bài hát của dân tộc mình. Tiếng đàn tre, khèn môi hay kèn lúa được nhiều người khảy, thổi để cầu phúc, chúc lành cho nhau cho đến khi kết thúc. Mọi người vui hoà trong không khí hội với men rượu cần cho đến khi đống lửa tàn, thường vào lúc nửa đêm, mới kết thúc trọn vẹn ngày cúng Sayangva.
Ngày nay, tại một số nơi, người Chơro vẫn duy trì lễ hội Sayangva nhưng không còn kéo dài như xưa do tác động nhiều mặt của xã hội.
Đối với Lễ hội Lồng Tồng của bà con đồng bào dân tộc Tày, Nùng, thời gian qua đã được chính quyền hỗ trợ, phối hợp cùng bà con khôi phục và duy trì tổ chức. Lễ hội Lồng Tồng thường được tổ chức vào tháng Giêng hàng năm, với mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu, con người bình an, mạnh khỏe…
Trước ngày hội, các gia đình đều quét dọn nhà cửa, làng, bản sạch sẽ; chuẩn bị lương thực để đón khách. Vào ngày diễn ra Lễ xuống đồng, mỗi gia đình chuẩn bị một mâm cỗ (tùy theo điều kiện kinh tế của từng nhà). Mâm cỗ mang hàm ý phô bày sự khéo léo của người phụ nữ trong việc nội trợ, nấu nướng các món ăn truyền thống như bánh chưng, bánh dày, chè lam, bánh bỏng...
Trên mỗi mâm đều có một chiếc bánh hình bông hoa nhiều mầu sắc. Mỗi mâm cỗ còn có thêm đôi quả còn được làm bằng vải mầu, trong nhồi cát, bông, có tua rua nhiều mầu sắc sặc sỡ.
Một lễ hội khác không thể không nhắc đến là Lễ hội Tạ Tài Phán của đồng bào người Hoa ở Định Quán. Lễ hội có quy mô lớn, diễn ra trong nhiều ngày với các nghi thức mang tính dung hợp từ nhiều tín ngưỡng.
Mục đích của lễ hội là cầu an, cầu siêu và thực hiện các nghi thức bắt buộc thể hiện sự tấn phong cho thầy cúng. Lễ hội gồm các nghi thức cúng cầu an, cầu siêu, có các tiết mục ca kịch diễn tuồng, hát bội, Lễ trảm tế vật sống, hội đấu thánh đăng. Đặc biệt nhất là nghi thức đi qua dãy than hồng diễn ra trong đêm cuối cùng của Lễ hội. Đây là nghi lễ thu hút đông người tham gia với tâm niệm hướng cầu điều phúc, sở nguyện.
Trong thời gian vừa qua, công tác khôi phục và duy trì các lễ hội truyền thống, đã kịp thời đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của đồng bào; góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, tạo bầu không khí vui tươi, phấn khởi trong lao động, sản xuất của bà con DTTS trên địa bàn huyện.
Hiện trên địa bàn huyện Định Quán hiện có 5 nhà văn hóa dân tộc thiểu số gồm: dân tộc Mạ ở khu phố Hiệp Nghĩa, thị trấn Định Quán; dân tộc Chơro ở xã Túc Trưng; dân tộc Mường ở xã Phú Túc; dân tộc Chơro ở xã La Ngà và Nhà cộng đồng dân tộc Khmer tại thị trấn Định Quán. Đây là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao cho đồng bào các dân tộc.
Để tăng cường công tác bảo tồn văn hoá dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện, vào đầu tháng 10.2024 vừa qua, tại nhà văn hóa cộng đồng dân tộc Châu Mạ khu phố Hiệp Nghĩa, Thị trấn Định Quán, Cục văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) đã tổ chức khai giảng lớp tập huấn về xây dựng mô hình điểm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Châu Mạ, huyện Định Quán.
Tại đây, các giảng viên, nghệ nhân đã trao đổi, hướng dẫn bà con đồng bào dân tộc Châu Mạ các kỹ năng triển khai xây dựng mô hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại thôn, bản; xây dựng mô hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại thôn, bản; truyền dạy nghệ thuật đánh Còng, Chiêng, nghệ thuật hát dân ca Tam pơt, truyền dạy các điệu múa truyền thống dân tộc Mạ.
Sau lớp tập huấn UBND thị trấn Định Quán đã thành lập 3 câu lạc bộ văn hóa gồm: Câu Lạc bộ Cồng, Chiêng với 15 thành viên, Câu lạc bộ dân ca Tam Pớt với 14 thành viên, Câu lạc bộ dân vũ với 17 thành viên. Các câu lạc bộ sẽ xây dựng quy chế hoạt động riêng cho từng loại hình, để tiếp tục bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống và có kế hoạch tổ chức truyền dạy, lưu giữ văn hóa truyền thống cho các thế hệ trẻ của đồng bào dân tộc Châu Mạ tại địa phương.