Bắc Kạn:
Chú trọng phát huy giá trị văn hóa gắn với du lịch
VHO - Du lịch là một trong 6 đột phá được xác định trong Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn. Đặc biệt việc phục dựng, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc gắn với du lịch được tỉnh miền núi này chú trọng.
Lễ hội Lồng tồng xã Đồng Thắng, huyện Chợ Đồn có nguồn gốc lịch sử từ lâu đời và là lễ hội lớn nhất của tổng Đông Viên từ thế kỷ trước. Địa điểm diễn ra lễ hội Lồng tồng của tổng Đông Viên (nay là xã Đồng Thắng), được các thế hệ cha ông lựa chọn tổ chức tại thôn Khau Chủ. Đến những năm 40 của thế kỷ trước, do chiến tranh nên lễ hội không được duy trì trong một thời gian dài.
Sau nhiều năm vắng bóng, xuân Giáp Thìn vừa qua, lễ hội Lồng tồng xã Đồng Thắng được tổ vào ngày 17.2 (tức mùng 8 Tết). Tại lễ hội Lồng tồng xã Đồng Thắng, Ban tổ chức đã phục dựng lại các nghi lễ cầu an, cầu mùa, rước mâm cúng của huyện, xã và 22 thôn, bản trong xã. Những mâm cỗ đủ đầy, được bà con chuẩn bị từ những sản vật làm ra từ nông nghiệp như: Bánh chưng, bánh dày, thịt lợn, thịt gà, xôi ngũ sắc… tượng trưng cho Trời - Đất và những khát vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc, sinh sôi nảy nở, được đồng bào gửi gắm vào mâm cỗ của mình để dâng lên các vị thần linh; bày tỏ lòng thành kính và cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bản làng bình yên, no ấm...
Phần hội với nhiều trò chơi dân gian truyền thống, trong đó vui nhất, đông người tham gia nhất là hội tung còn, người dân địa phương quan niệm rằng, trong hội phải có người tung được quả còn xuyên thủng hồng tâm thì năm đó bản làng làm ăn thuận lợi. Ngoài ra, Ban tổ chức còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, trò chơi dân gian.
Phục dựng và tổ chức lễ hội Lồng tồng xã Đồng Thắng là một trong những nội dung được triển khai theo Đề án “Quản lý và phát huy giá trị di tích, di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Chợ Đồn giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” của Sở VHTTDL. Lễ hội không chỉ là hoạt động văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương, mà còn quảng bá về những danh lam thắng cảnh, quần thể di tích lịch sử văn hóa, một tiềm năng phát triển du lịch của huyện trong tương lai. Ông Nông Quốc Huấn, Chủ tịch UBND xã Đồng Thắng cho biết: “Phục dựng lễ hội Lồng tồng được bà con nhân dân trong xã đồng tình ủng hộ. Do đó, ở những năm tới địa phương sẽ tiếp tục duy trì lễ hội với quy mô và nhiều nội dung hơn góp phần quảng bá hình ảnh của địa phương đến gần với du khách thập phương”.
Hoạt động phục dựng và tổ chức lễ hội Lồng tồng xã Đồng Thắng đã tiếp thêm động lực để nhân dân các dân tộc trong xã bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, mời gọi du khách gần xa, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Ông Hà Văn Thông, người cao tuổi ở xã Đồng Thắng trực tiếp thực hiện nghi lễ Cầu mùa chia sẻ: “Tôi đã cầu lộc, cầu an, thần linh, thổ công, thổ địa, các anh hùng liệt sĩ đến trưng diện với làng xã trong ngày hội; cầu mùa, cầu lộc, cầu bình an cho nhân dân yên bình; tôi mong muốn sau khi phục dựng địa phương tiếp tục duy trì lễ hội hằng năm vào dịp tết đến, xuân về”.
Không chỉ lễ hội Lồng tồng xã Đồng Thắng, nhiều lễ hội, di sản văn hóa khác cũng đang được Bắc Kạn triển khai phục dựng và bảo tồn. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở VHTTDL Bắc Kạn đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Dựán 6 về “Bảo tồn, phát huy giátrịvăn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu sốgắn với phát triển du lịch”. Kế hoạch đã đề ra mục tiêu khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó ưu tiên các dân tộc thiểu số rất ít người. Phấn đấu đến năm 2025, trên 88% thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa; trên 30% thôn có đội văn nghệ (câu lạc bộ) hoạt động thường xuyên, có chất lượng, gắn với bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc.
Hiện nay, các đơn vị đang tiến hành khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của 6 dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, gồm: Tày, Nùng, Dao, Mông, Hoa và Sán Chay; Tổ chức bảo tồn lễ hội truyền thống tại các địa phương, khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch gồm: Lễ hội Mù Là (dân tộc Mông) tại xã CổLinh huyện Pác Nặm; lễ hội Lồng tồng, xã Đồng Thắng, huyện Chợ Đồn; lễ hội Lồng tồng, xã Quân Hà, huyện Bạch Thông.
Bên cạnh đó, Sở VHTTDL Bắc Kạn cũng đang xây dựng chính sách và hỗ trợ nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú người dân tộc thiểu số trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy những người kế cận; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể. Hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơmai một; hỗ trợ hoạt động cho đội văn nghệ truyền thống; xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu; xây dựng nội dung, xuất bản sách, đĩa phim tư liệu vềvăn hóa truyền thống cấp phát cho cộng đồng các dân tộc thiểu số…
Ông Trần Đình Thất, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bắc Kạn cho hay, thực hiện Dự án 6 của tỉnh còn có nội dung xây dựng mô hình văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, mô hình trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa đặc thù các dân tộc thiểu số, mô hình bảo vệ văn hóa phi vật thể, mô hình xây dựng đời sống văn hóa các dân tộc thiểu số, xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tổ chức Ngày hội, giao lưu, liên hoan vềcác loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống, hoạt động thi đấu thể thao truyền thống nhằm bảo tồn các môn thể thao truyền thống, trò chơi dân gian của các dân tộc thiểu số…