Lễ hội mừng lúa mới đồng bào vùng cao Quảng Nam

THU HOÀI

VHO - Hằng năm, khi mọi việc nương rẫy kết thúc, mùa màng đã thu hoạch, đồng bào ở vùng cao Quảng Nam lại chức lễ cúng cơm mới tạ ơn thần lúa đã ban tặng dân làng những hạt thóc dẻo thơm.

Đây cũng là dịp bà con báo cáo với thần linh, ông bà, tổ tiên rằng đã thu hoạch xong mùa vụ, tạ ơn trời đất đã phù hộ cho bản làng, gia đình một năm mưa thuận, gió hòa, đem đến vụ mùa bội thu, bản làng no đủ. Là dịp dân làng cùng tụ họp, hưởng thụ thành quả vụ mùa năm qua, kết nối tình cảm trong các gia đình, dòng họ và cộng đồng.

Lễ hội mừng lúa mới đồng bào vùng cao Quảng Nam  - ảnh 1
Trong quan niệm của đồng bào Tà Riềng (nhóm địa phương thuộc nhóm dân tộc Giẻ triêng) tại huyện Nam Giang, kho lúa là nơi cư ngụ của thần lúa Yang Si Bha, là hình ảnh của sự no ấm
Lễ hội mừng lúa mới đồng bào vùng cao Quảng Nam  - ảnh 2
Để chuẩn bị cho nghi lễ cúng thần lúa, dân làng dựng cây nêu, sửa sang nhà kho, gùi lúa mang về từ rẫy được đặt dưới nhà kho

Lễ hội mừng lúa mới (Tơl Ba Riang) là một lễ hội độc đáo, mang ý nghĩa tâm linh, gửi gắm ước nguyện của cộng đồng Tà Riềng đến với thần lúa.

Lễ hội mừng lúa mới đồng bào vùng cao Quảng Nam  - ảnh 3
Mâm lễ vật cúng đặt ở sạp cạnh cây nêu, có rượu cần ở giữa, hai gùi lúa hai bên, cùng với các sản vật thiên nhiên ban tặng
Lễ hội mừng lúa mới đồng bào vùng cao Quảng Nam  - ảnh 4
Trước khi tổ chức lễ cúng chính, dân làng nổi trống chiêng, hòa cùng nhạc cụ đinh tút, di chuyển quanh kho lúa mừng hồn lúa về làng, tổ chức cúng thần nhà, thần đất dưới kho lúa
Lễ hội mừng lúa mới đồng bào vùng cao Quảng Nam  - ảnh 5
Già làng trong trang phục truyền thống khấn xin thần linh trước cây nêu, mời các vị thần linh xuống ăn cơm mới, ăn thịt, uống rượu, phù hộ các gia đình, dân làng mùa vụ mới được mùa, thú rừng không phá phách, người làng mạnh khỏe, bệnh tật không còn
Lễ hội mừng lúa mới đồng bào vùng cao Quảng Nam  - ảnh 6
Ngay trong lễ cúng, nếu con gà trống đặt trên gùi lúa thiêng ăn hạt thóc hoặc cất tiếng gáy vang là báo hiệu cho mùa màng năm sau bội thu. Sau đó, già làng ôm con gà lên bới thóc trong hai chiếc gùi lúa, tung thóc lên trời, cầu mong mọi điều tốt đẹp đến với dân làng

Tại xã vùng cao Phước Gia, huyện Hiệp Đức, đồng bào Ca Dong vẫn lưu giữ nguyên bản lễ hội mừng lúa mới truyền thống gắn liền với sản xuất nông nghiệp của cộng đồng nơi đây.

Lễ hội mừng lúa mới đồng bào vùng cao Quảng Nam  - ảnh 7
Các nghi thức chính của lễ cúng mừng lúa mới của đồng bào Ca Dong, huyện Hiệp Đức như cúng xin thần linh, hồn lúa; gọi thần lúa, tạ ơn thần lúa, rước hồn lúa vẫn bảo tồn nguyên vẹn
Lễ hội mừng lúa mới đồng bào vùng cao Quảng Nam  - ảnh 8
Đồng bào Ca Dong cùng tham gia các hoạt động sản xuất trong chu kỳ phát triển của lúa rẫy từ khi chuẩn bị vào mùa vụ cho đến khi thu hoạch như phát rẫy, tỉa lúa, làm cỏ, chăm bón, suốt lúa

Trong khuôn khổ Dự án số 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” giai đoạn 2022 – 2025, thời gian qua, Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam cùng các địa phương vùng thụ hưởng dự án cũng đã tổ chức phục dựng lễ hội mừng lúa mới của đồng bào Ca Dong tại xã Phước Gia, huyện Hiệp Đức; đồng bào Tà Riềng tại xã Đắc Tôi, huyện Nam Giang.

Lễ hội mừng lúa mới đồng bào vùng cao Quảng Nam  - ảnh 9
Tại lễ hội, các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào cũng đã thu hút đông đảo người dân, du khách cùng tham gia

Ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam chia sẻ:  Việc phục dựng lễ hội mừng lúa mới nhằm bảo tồn và phát huy những bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi ở Quảng Nam nói chung và cộng đồng người Ca Dong, Tà Riềng nói riêng.

Lễ hội mừng lúa mới đồng bào vùng cao Quảng Nam  - ảnh 10
Bên cạnh mục đích bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa độc đáo của cộng đồng, các địa phương cũng đang hướng đến xây dựng các lễ hội truyền thống thành sản phẩm du lịch nguyên bản đặc trưng nhằm thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng

Qua đó góp phần tuyên truyền, quảng bá, bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể. Đồng thời, nâng cao ý thức, trách nhiệm và niềm tự hào của cộng đồng về các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp; động viên, khuyến khích người dân chung tay bảo vệ, phát huy và lan toả các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trong giai đoạn hiện nay.