Bảo tồn lễ cưới của đồng bào Ve
VHO - Là một trong những tộc người sinh sống và cư trú lâu đời trên dãy Trường Sơn - Tây Nguyên, đồng bào Ve (thuộc dân tộc Giẻ Triêng) đã sáng tạo nên một nền văn hóa vô cùng độc đáo với những phong tục tập quán, lễ hội mang đậm dấu ấn của nền văn hóa nương rẫy. Một trong những phong tục đó là lễ cưới truyền thống của người Ve với nhiều giai đoạn, từ việc tìm hiểu đến hôn lễ…
Cô dâu, chú rể cùng uống rượu cưới
Trong lễ cưới truyền thống của người Ve ở các xã biên giới Đắc Pre và Đắc Pring, huyện Nam Giang (Quảng Nam), nghi thức lễ cưới là một phần rất quan trọng, có nhiều ý nghĩa, là bản sắc riêng của một tộc người. Ngày nay, các đám cưới không còn khắt khe với nhiều phong tục cũng như nghi thức phức tạp như trước nhưng vẫn lưu giữ những nghi thức truyền thống tốt đẹp. Đối với người Ve, nghi thức lễ cưới là trình tự từ tìm hiểu, dạm hỏi, chuẩn bị lễ cưới và tục lại mặt. Hàm chứa nhiều giá trị văn hóa, phản ánh góc nhìn thú vị về đời sống người vùng cao, nghi thức lễ cưới của người Ve vẫn đang được gìn giữ, bảo tồn như một dấu ấn độc đáo, đầy bản sắc của tộc người Ve ở vùng biên.
Già làng Pơ Loong Tý, xã Đắc Pre, huyện Nam Giang chia sẻ: “Khi đến tuổi trưởng thành, nam nữ người Ve thường tìm hiểu nhau trong những ngày đi làm nương rẫy, vào những buổi tối cùng bạn bè đi chơi, những lúc tập trung ở nhà cộng đồng hay vào dịp lễ hội truyền thống... Cả trai lẫn gái đều có quyền chủ động bày tỏ trước, nhưng để thiết lập quan hệ hôn nhân giữa hai gia đình, người con trai sẽ chủ động báo cho cha mẹ biết để tìm mai mối. Nguyện vọng của các con luôn được cha mẹ ủng hộ”.
Theo già làng Pơ Loong Tý, tiêu chuẩn chọn vợ của người Ve là phải nết na, thùy mị, chăm chỉ làm ăn, thông thạo công việc, biết cư xử trong gia đình và xã hội. Người chồng phải nhanh nhẹn, khỏe mạnh, chịu khó làm ăn, biết tính toán trong cuộc sống vợ chồng, không ỷ lại vào gia đình, tôn trọng mọi người, quan hệ xóm làng tốt. Gia đình vợ hoặc chồng cần có quan hệ tốt với dân làng và cộng đồng, không phạm luật tục.
Hiện nay, huyện Nam Giang đã nghiên cứu, tái hiện nghi thức lễ cưới của người Ve nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản độc đáo này. Việc tổ chức phục dựng và tái hiện Lễ cưới truyền thống của người Ve nhằm bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Giẻ Triêng nói riêng, các dân tộc thiểu số trên địa bàn miền núi Quảng Nam nói chung, theo tinh thần Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 9.6.2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và góp phần tuyên truyền, bảo tồn, quảng bá văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một. Qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm và niềm tự hào về các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp; động viên, khuyến khích người dân chung tay bảo vệ, phát huy và lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trong giai đoạn hiện nay.
Đây cũng là một trong những hoạt động thiết thực nhằm triển khai thực hiện Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2022 - 2025.
THẾ HỮU