Gia Lai:

Phục dựng lễ mừng lúa mới thu hút du khách

HƯƠNG TRÀ

VHO - Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San phối hợp với UBND huyện Chư Sê vừa tổ chức phục dựng lễ mừng lúa mới của đồng bào Jrai ở làng Greo Pết (xã Dun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai).

Lễ Mừng lúa mới là nghi thức nông nghiệp cổ truyền độc đáo của đồng bào Tây Nguyên, thể hiện sự giao hòa giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên và vạn vật, tạo nên sức mạnh cộng đồng. Lễ hội mang đậm bản sắc văn hoá của đồng bà Jrai.

Phục dựng lễ mừng lúa mới thu hút du khách - ảnh 1
Lễ mừng lúa mới mang đậm bản sắc đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung và đồng bào Jrai nói riêng

Sau khi thu hoạch mùa vụ và đưa lúa về kho, đồng bào Jrai náo nức với lễ mừng lúa mới. Nghi lễ nông nghiệp cổ truyền độc đáo này đã được bà con duy trì từ bao đời nay.

Đúng như tinh thần cố kết cộng đồng của các lễ hội từ làng, bà con tề tựu về nhà rông từ rất sớm. Dưới gầm sàn kho lúa, già làng Rmah Ker (làng Greo Pết) cùng những người uy tín bày biện lễ vật tươm tất gồm 1 con heo, 1 ghè rượu.

Người Jrai quan niệm vạn vật hữu linh, các vị thần cũng có đời sống tình cảm như con người. Do vậy, nếu biết ơn, dâng cúng với một tấm lòng thành kính thì cộng đồng sẽ được thần linh che chở.

Từ quan niệm đó, lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Tây Nguyên được tổ chức đều đặn hàng năm, cho thấy đời sống văn hóa hết sức phong phú của cư dân bản địa. Sau khi tiếng cồng, tiếng chiêng vang lên như một lời mời gửi đến thần linh, già làng Rmah Ker dâng lễ vật và đại diện dân làng gửi lời khấn cầu.

Cùng với lễ thức trên, phụ nữ trong làng còn tái hiện công đoạn giã gạo chày đôi và sàng sảy ngay trước sân nhà rông, góp thêm nét chân thực, sống động cho lễ mừng lúa mới.

Sau nghi lễ, gái trai, già trẻ trong làng cùng hòa điệu xoang, nhịp cồng chiêng rộn rã. Ngoài men rượu ghè truyền thống đậm đà, khách phương xa còn được thết đãi các món ăn hấp dẫn, đặc trưng của đồng bào nơi đây như heo nướng xiên, cơm lam nấu bằng lúa mới dẻo thơm, lá mì xào cà đắng…

Nói về ý nghĩa của lễ mừng lúa mới, ông Lê Đình Tuyền-Chủ tịch UBND xã Dun-cho hay: Việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là vấn đề được Đảng ủy, UBND xã hết sức quan tâm. Đây là lễ hội rất quan trọng đối với đồng bào dân tộc thiểu số xã Dun, nơi có trên 60% dân số là người Jrai.

“Vì vậy, việc phục dựng giúp bà con thấm nhuần truyền thống văn hóa của dân tộc mình, động viên thế hệ trẻ tiếp tục phát huy truyền thống quý báu của cha ông. Đồng thời qua lễ hội sẽ thu hút đông đảo du khách muốn tìm hiểu, khám phá cảnh vật, đời sống của đồng bào Jrai”-ông Tuyền nói.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Dun Hoàng Thị Trang cho biết: “Dịp này, Hội Nông dân xã đã tổ chức gian trưng bày sản phẩm đặc trưng của nhân dân xã Dun với các mặt hàng hấp dẫn như: yến sào, cà phê, gạo Đài Thơm, chanh dây, rượu ghè bo bo, hoa hòe khô, nhãn Hương Chi… Chúng tôi xem đây là cơ hội quảng bá sản phẩm của bà con nông dân, cũng là một cách góp phần phát triển du lịch của địa phương”.

Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San Nguyễn Ngọc Long chia sẻ, lễ mừng lúa mới là nghi thức nông nghiệp cổ truyền độc đáo của đồng bào Tây Nguyên, thể hiện sự giao hòa giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên, tạo nên sức mạnh cộng đồng. Lễ hội mang đậm bản sắc văn hoá của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung và đồng bào Jrai nói riêng. Qua lễ hội, du khách sẽ có dịp thưởng thức những nét văn hoá độc đáo riêng có cũng như được thưởng thức sản vật của địa phương.

“Đây cũng là hoạt động thiết thực nhằm góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; quảng bá Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”, ông Long cho biết.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc