Khơi dậy niềm đam mê trong giới trẻ Khmer

PHƯƠNG NGHI

VHO - Trà Cú (Trà Vinh) là huyện có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống (chiếm trên 62%), những năm qua cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, việc bảo tồn và phát huy văn hóa tinh thần được tỉnh quan tâm. Từ đó, đáp ứng nhu cầu về văn hóa, văn nghệ, thu hút nhiều thế hệ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia, quyết tâm bảo tồn văn hóa dân tộc Khmer.

Khơi dậy niềm đam mê trong giới trẻ Khmer - ảnh 1
Câu lạc bộ múa hát Khmer ấp Bà Tây C, xã Tập Sơn biểu diễn phục vụ dịp lễ Kathina năm 2024

 Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền các địa phương, cộng với sự đa dạng trong văn hóa tinh thần của đồng bào Khmer đã giúp huyện Trà Cú lưu giữ và phát huy những nét văn hóa đặc sắc, góp phần làm phong phú hơn đời sống văn hóa, tinh thần của người dân. Hơn 3 năm qua, Câu lạc bộ (CLB) múa hát Khmer ấp Bà Tây C, xã Tập Sơn duy trì việc truyền dạy các điệu múa truyền thống của đồng bào Khmer cho thế hệ trẻ trong và ngoài ấp, góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc Khmer. Khoảng sân trước nhà ông Kim Ngọc Sương dùng làm sân phơi lúa được tận dụng làm sân khấu vào mỗi đêm diễn. Tất cả phông màn, đạo cụ dù sơ sài nhưng thể hiện được sự gần gũi, tính cộng đồng đặc trưng của đồng bào Khmer.

Ông Kim Ngọc Sương, Chủ nhiệm CLB ấp Bà Tây C cho biết: “Trước đây, ở ấp cũng có đoàn Dù kê, nhưng mai một do phải lo cho cuộc sống. Bây giờ, Nhà nước chăm lo cho đồng bào Khmer có cuộc sống ổn định nên những thành viên của đoàn ngày trước cùng nhau tụ họp lại để thành lập câu lạc bộ. Những vị cao niên, là diễn viên Dù kê trước đây, đứng ra dạy cho con cháu từng động tác phù hợp với nhân vật mà mình từng thể hiện. Còn trang phục, đạo cụ, tự diễn viên tận dụng đồ đạc sẵn có mà làm ra”.

Trước đây, ông Sương đóng vai khỉ Hanuman, giờ cả 3 người con của ông đều có thể đóng vai này. Người nào cũng thích biểu diễn nên ông Sương phải sắp xếp luân phiên để 3 người có thể tham gia. Còn ông Sơn Xuyên thì truyền dạy những bước di chuyển của chằn tinh, bà Kim Thị Hoài thì dạy múa…

Khơi dậy niềm đam mê trong giới trẻ Khmer - ảnh 2
Câu lạc bộ múa chằn, khỉ xã Thanh Sơn biểu diễn phục vụ người dân

Nhằm tạo điều kiện để các bạn trẻ dân tộc Khmer được thưởng thức các loại hình văn nghệ truyền thống, Huyện đoàn đã thành lập mới CLB múa chằn, khỉ với 15 thành viên ở xã Thanh Sơn và CLB múa trống Chhay dăm (Sa dăm) với 31 thành viên ở xã Ngọc Biên. Bên cạnh đó, Huyện đoàn tiếp tục duy trì và hoạt động có hiệu quả 4 CLB múa chằn, khỉ, 2 CLB múa trống chhay dăm. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, các CLB không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa văn nghệ yêu thích của thanh niên Khmer, mà còn là niềm tự hào của địa dân phương. Từ khi ra mắt đến nay, các CLB thường xuyên có mặt biểu diễu tại nhiều chương trình, phục vụ tốt vào các dịp lễ, tết truyền thống... giúp cho các chương trình, lễ hội thêm tưng bừng, vui tươi.

Phó Bí thư Huyện đoàn Trà Cú Hồng Thị Mỹ Lương cho biết: “Các thành viên trong các CLB có trách nhiệm học tập, lưu giữ, truyền dạy, tập hợp đoàn kết thanh niên tham gia biểu diễn và giao lưu văn hóa, văn nghệ dân gian của dân tộc mình, hình thành sản phẩm văn hóa đặc thù phục vụ cho mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng và quảng bá văn hóa đặc sắc dân tộc từ nghệ thuật âm nhạc, các làn điệu dân ca, văn hóa ẩm thực… Việc thành lập và duy trì hoạt động của các CLB giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Khmer nhằm bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa, nghệ thuật dân gian truyền thống. Đồng thời, tạo điều kiện cho thanh niên người dân tộc thiểu số được vui chơi giải trí lành mạnh, tăng cường đoàn kết các dân tộc, phát huy vai trò của người có uy tín, tập hợp thanh niên vào tổ chức”.

Bà Sơn Thị Thiêng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Trà Cú chia sẻ: Thời gian qua Trà Cú tích cực triển khai thực hiện Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, được các cấp ủy, chính quyền luôn tạo mọi điều kiện để đồng bào và sư sãi Khmer giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn văn hóa vật thể, phi vật thể. Đến nay, huyện đã thành lập được 44 đội dàn nhạc ngũ âm, 15 đội trống Chhay dăm, 30 đội múa chằn, khỉ, ngày càng đi vào chiều sâu và họat động có hiệu quả, từng bước phục vụ tốt nhu cầu văn hóa, văn nghệ của nhân dân.

“Tuy các CLB chỉ có thể biểu diễn những trích đoạn, chưa thành tuồng, nhưng buổi biểu diễn nào cũng chật cứng người xem. Đặc biệt, nhiều em nhỏ mải mê xem và xin được vào CLB. Điều này làm chúng tôi tin tưởng các điệu múa truyền thống của đồng bào Khmer sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai”, bà Sơn Thị Thiêng cho biết thêm.

Việc thành lập và duy trì hoạt động của các CLB giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Khmer nhằm bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa, nghệ thuật dân gian truyền thống. Đồng thời, tạo điều kiện cho thanh niên người dân tộc thiểu số được vui chơi giải trí lành mạnh, tăng cường đoàn kết các dân tộc, phát huy vai trò của người có uy tín.