Cơ hội mới trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Raglai

PGS.TS PHAN QUỐC ANH

VHO - Ninh Thuận và Khánh Hòa trước khi sáp nhập là 2 tỉnh có đông người Raglai nhất cả nước. Theo số liệu năm 2019, dân số Raglai trong cả nước là 147.613 người. Trong đó, Ninh Thuận có 70.366 người, Khánh Hòa có 55.844 người, Bình Thuận có 15.440 người và Lâm Đồng có 1.500 người. Như vậy, tỉnh Khánh Hòa sau sáp nhập sẽ có 126.210 người, chiếm tỷ lệ 86,1% số người Raglai.

Cơ hội mới trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Raglai - ảnh 1
Nghệ nhân Chamalek Âu chế tác đàn Chapi

 Dấu ấn văn hóa dân tộc Raglai

Dân tộc Raglai là một trong những dân tộc bản địa, cư trú lâu đời ở vùng miền núi Nam Trung bộ. Trong đó đông nhất ở tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa. Đây là vùng chiến khu VI anh hùng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Ranh giới hành chính đã chia vùng đồng bào Raglai cư trú thành hai nửa. Phía Khánh Hòa là huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, phía Ninh Thuận là huyện Bác Ái và huyện Ninh Sơn. Từ ngày 1.7.2025, Ninh Thuận nhập với Khánh Hòa, người Raglai tập trung về một tỉnh Khánh Hòa.

Di sản văn hóa vật thể của người Raglai đậm dấu ấn ở văn hóa ẩm thực, trang phục truyền thống và hệ thống nhà sàn cổ truyền. Về văn hóa phi vật thể, dân tộc Raglai là một trong những dân tộc hiếm hoi ở Việt Nam còn lưu giữ được những áng sử thi được trao truyền hát kể cho đến tận ngày nay.

Cơ hội mới trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Raglai - ảnh 2
Nghệ nhân Mai Thắm chế tác đàn Chap

Cũng như các dân tộc miền núi các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, người Raglai vẫn gìn giữ được kho tàng di sản văn nghệ dân gian đặc sắc như dân ca, dân vũ, hệ thống nhạc cụ, lễ hội truyền thống như lễ nghi nông nghiệp, nghi lễ vòng đời người, phong tục tập quán, văn hóa ứng xử, hệ thống luật tục để duy trì các quy định về hôn nhân, gia đình và chế độ mẫu hệ.

Với âm nhạc dân gian, bên cạnh hệ thống nhạc cụ được làm bằng tre nứa với nhạc cụ nổi tiếng là đàn Chapi, người Raglai còn có những nhạc cụ nổi tiếng như khèn bầu, bộ cồng chiêng (mã la - người Raglai gọi là “char”) và đàn đá Khánh Sơn đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Các làn điệu dân ca Raglai đầy quyến rũ như hát giao duyên, hát ru...

Về lễ hội truyền thống. Dân tộc Raglai có các lễ hội phong phú và đặc sắc như lễ Mừng lúa mới, lễ Đền ơn đáp nghĩa, lễ cưới và đặc biệt là lễ Bỏ mả. Trong đó, lễ bỏ mả của đồng bào Raglai ở xã Ba Cụm Bắc (Khánh Sơn, Khánh Hòa) và lễ hội Bỏ mả ở xã Phước Chiến đã được Bộ VHTTDL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trong lịch sử của mình, vùng đồng bảo dân tộc Raglai cư trú là trung tâm của chiến khu VI anh hùng. Dân tộc Raglai không chỉ chống chọi với các thế lực thiên tai, địch họa để sinh tồn mà còn góp công sức trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, thống nhất nước nhà.

Nhiều người con của đồng bào dân tộc Raglai đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận công lao, phong tặng anh hùng lực lượng vũ trang nhân như: Pinăng Tắc, Pi Năng Thạnh, Chamalek Châu, Bo Bo Tới… Trong đó, bẫy đá Pinăng Tắc đã được công nhận là di tích lịch sử quốc gia.

Cơ hội mới trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Raglai - ảnh 3
Cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động các làng nghề truyền thống, gắn với hoạt động du lịch

Trong những năm qua, người Raglai ở Khánh Hòa và Ninh Thuận luôn được sự quan tâm của Đảng và chính quyền địa phương trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống của mình. Công tác nghiên cứu khoa học văn hóa được quan tâm. Đã có hàng chục công trình nghiên cứu về văn hóa Raglai đã được xuất bản.

Sở Khoa học và Công nghệ của 2 tỉnh cũng đã dành nhiều đề tài để nghiên cứu về văn hóa Raglai. Tuy nhiên, trong điều kiện phát triển, hòa nhập, hội nhập hiện nay, văn hóa Raglai cũng như văn hóa các dân tộc thiểu số khác cũng đang bị đe dọa bởi quá trình đô thị hóa, quá trình giao lưu tiếp biến mạnh mẽ đang làm thất thoát những giá trị văn hóa truyền thống.

Điều kiện để phát triển

Khánh Hòa cùng với cả nước đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Muốn vươn mình thì gốc rễ phải vững bền, phải làm tốt việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Theo đà phát triển kinh tế, hội nhập, đời sống - xã hội có nhiều cái đang thay đổi rất nhanh, tuy nhiên, có những cái chất chứa tinh thần, tinh hoa độc đáo, đặc sắc của các cộng đồng dân tộc thì cần phải được lưu giữ.

Trong quá trình bảo tồn văn hóa, không nên áp đặt mà cần tạo điều kiện cho đồng bào gìn giữ văn hóa của dân tộc mình bởi họ chính là chủ thể của nền văn hóa đó. Và phải đạt được mục tiêu kép là gắn bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa với du lịch, đây là một trong những nhiệm vụ thực hiện kinh tế trong văn hóa và chương trình công nghiệp văn hóa.

Cơ hội mới trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Raglai - ảnh 4

Ngay sau khi sáp nhập, kết hợp với việc xây dựng Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ, tỉnh Khánh Hòa cần xây dựng cơ chế, chính sách để huy động được các nguồn lực cho bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc; kết hợp việc thực hiện Nghị quyết 162/2024/ QH15 của Quốc Hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 với việc triển khai Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”.

Việc bảo tồn văn hóa cần gắn với các chương trình phát triển du lịch cộng đồng trên quan điểm phát triển phải tạo điều kiện sinh kế cho người dân tại chỗ. Cần có các giải pháp huy động mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; nghiên cứu việc thành lập quỹ từ nguồn xã hội hóa để động viên, khuyến khích các tầng lớp nhân dân và các tổ chức, cá nhân chung tay, góp sức vào việc bảo quản, tu bổ, tôn tạo di tích. Xây dựng Trung tâm Bảo tồn văn hóa Raglai.

Đồng thời, tỉnh cần tiếp tục làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị các lễ hội, làng nghề truyền thống, xây dựng các đội văn nghệ truyền thống Raglai trong phục vụ điểm đến du lịch; hỗ trợ khôi phục các nhà sàn truyền thống Raglai, các lớp truyền dạy sử thi, sử dụng và chế tác nhạc cụ của đồng bào Raglai... Trong đó, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ nghệ nhân, duy trì hoạt động các làng nghề truyền thống, gắn kết chặt chẽ hơn nữa với hoạt động du lịch.