Độc đáo Lễ ăn mừng đầu lúa mới của người Raglai

HUY AN

VHO - Lễ ăn mừng đầu lúa mới là một trong những lễ hội lớn, quan trọng và lâu đời nhất của người Raglai ở tỉnh Ninh Thuận. Đây cũng là dịp để cộng đồng Raglai sum họp, giao lưu, thắt chặt tình đoàn kết và cùng nhau thưởng thức những thành quả lao động sau một năm vất vả.

Độc đáo Lễ ăn mừng đầu lúa mới của người Raglai - ảnh 1
Ăn mừng đầu lúa mới là lễ hội quan trọng nhất của người Raglai

Cộng đồng người Raglai sinh sống sinh sống lâu đời trên vùng đất Nam Trung Bộ, tập trung đông nhất ở khu vực miền núi hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận.

Lễ ăn mừng đầu lúa mới chứa đựng nhiều giá trị về nhân sinh quan và thế giới quan của tộc người Raglai.

Độc đáo Lễ ăn mừng đầu lúa mới của người Raglai - ảnh 2
lễ ăn mừng đầu lúa mới thể hiện lòng biết ơn với thần linh, tổ tiên đã cho mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no

 Người Raglai có tín ngưỡng đa thần, tin rằng cây cối đều có hồn và được thần linh cai quản. Các vị thần linh, tổ tiên ở thế giới bên kia cũng luôn dõi theo và phù hộ cho con cháu làm ăn, giúp cho họ cuộc sống tốt hơn.

 Ý nghĩa sâu xa của Lễ ăn mừng lúa mới của đồng bào Raglai là tạo lương thực từ đời này sang đời khác. Đây cũng là dịp để họ bày tỏ lòng biết ơn bà con trong buôn làng đã giúp đỡ gia đình mình trong sản xuất, thu hoạch mùa màng.

Độc đáo Lễ ăn mừng đầu lúa mới của người Raglai - ảnh 3
Mâm lễ vật dâng cúng được chuẩn bị chu đáo từ những cây trồng, vật nuôi trong các hộ gia đình người Raglai

 Chính vì thế, Lễ ăn mừng lúa mới là một trong những lễ hội lớn và quan trọng nhất của người Raglai, diễn ra vào khoảng tháng Ba, tháng Tư Dương lịch hằng năm.

Sau khi thu hoạch lúa, bắp, việc đầu tiên là phải tổ chức nghi lễ lớn để tạ ơn trời đất, các vị thần linh và tổ tiên đã ban cho mùa màng bội thu.

Độc đáo Lễ ăn mừng đầu lúa mới của người Raglai - ảnh 4
Những hạt lúa trồng trên nương, được chọn lựa hết sức cẩn thận là lễ vật không thể thiếu trong nghi lễ

Để chuẩn bị nghi lễ quan trọng này, phụ nữ Raglai chuẩn bị đồ cúng lễ. Lễ vật cúng gồm: Lúa trồng trên nương rẫy giã ra gạo nấu cơm mới, thịt heo, thịt gà hoặc thịt trâu, rượu cần, trứng gà, trầu cau, thuốc hút, rượu trắng, hạt cườm, vải, vòng đeo tay, kiềng đeo cổ, cây nêu, dây lục lạc…

Độc đáo Lễ ăn mừng đầu lúa mới của người Raglai - ảnh 5
Nghi thức cúng lễ được thực hiện bởi thầy cúng hoặc người có uy tín trong dòng họ

 Các nghi lễ chính của Lễ ăn mừng đầu lúa mới: ngày thứ nhất, dựng cây nêu, trình báo tổ tiên; ngày thứ hai, tra nước vào ché rượu cần, đeo chuỗi hạt cườm; ngày thứ ba, cầu hồn lúa, hồn bắp, tiễn đưa tổ tiên và lễ tạ ơn thầy cúng Kei Du.

Nghi thức cúng lễ được thực hiện bởi thầy cúng hoặc người có uy tín trong dòng họ. Trong quá trình thực hiện các nghi thức cúng lễ, thầy cúng sẽ đọc những lời khấn cầu, tạ ơn các vị thần linh và cầu mong những điều tốt đẹp cho dân làng.

Độc đáo Lễ ăn mừng đầu lúa mới của người Raglai - ảnh 6
Thông qua nghi lễ ăn mừng đầu lúa mới, người dân mong muốn mùa màng luôn bội thu, sức khỏe dồi dào và gia đình hạnh phúc

 Sau khi lễ cúng kết thúc, mọi người cùng nhau ăn uống, vui chơi và ca hát những điệu múa, lời ca mang đậm bản sắc văn hóa của người Raglai.

Một số nhạc cụ truyền thống thường được sử dụng trong lễ hội mừng đầu lúa mới bao gồm: kèn bầu (Sarakel), trống lớn (Sagger Kayau), mã la (Chahar), đàn Chapi. Trong ngày hội, ngoài phần hòa tấu nhạc cụ và biểu diễn ca múa, đây còn là cơ hội để bà con làng trên, xóm dưới gặp gỡ, thăm hỏi nhau.

Độc đáo Lễ ăn mừng đầu lúa mới của người Raglai - ảnh 7
Sau khi nghi lễ cúng kết thúc, người Raglai quây quần bên ché rượu cần, hàn huyên trò chuyện và làm quen, tìm hiểu nhau

 Đặc biệt, đây cũng là dịp để các chàng trai, cô gái Raglai làm quen, tìm hiểu nhau, từ đó hình thành nên những mối lương duyên.

Trong ngày lễ, các bậc cao niên cũng truyền dạy cho con cháu từng nghi thức, từng động tác cầm cồng, đánh chiêng, thể hiện mong muốn thế hệ trẻ tiếp tục gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Độc đáo Lễ ăn mừng đầu lúa mới của người Raglai - ảnh 8
Bên cạnh các nghi lễ, người Raglai ca hát, nhảy múa xung quanh cây nêu trong Lễ ăn mừng đầu lúa mới

 Người Raglai sở hữu một kho tàng tri thức dân gian đồ sộ từ sử thi, truyện cổ dân ca đến luật tục...

Nhiều lễ hội đặc sắc như Lễ ăn mừng đầu lúa mới, Lễ bỏ mả, các nghi lễ vòng đời... có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của cộng đồng người Raglai.

Trong đó, tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ ăn mừng đầu lúa mới của người Raglay được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2023.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc