“Lịch vạn sự” của người Mường
VHO - Cũng như các dân tộc khác, người Mường (Hòa Bình) sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Trải qua quá trình lâu đời, bằng kinh nghiệm đúc kết về nhân sinh quan, thế giới quan của mình, người Mường đã tổng kết và phát minh hệ thống nông lịch rất chặt chẽ.

Đây được xem là tri thức dân gian độc đáo nhất trong các tri thức dân gian của người Mường.
Với những tri thức đó, người Mường đã sử dụng các thanh tre để ghi lại ngày tháng, làm nên thứ lịch độc đáo. Đó là lịch Tre (lịch Đoi/Roi).
Lịch Tre có vai trò đặc biệt trong cuộc sống cộng đồng người Mường, bên cạnh cách tích lịch Tây thông dụng, các hoạt động sản xuất, sinh hoạt hàng ngày, phong tục, nghi lễ, lễ hội…, người Mường ở Hòa Bình đều dựa vào cách tính cát, hung của bộ lịch Tre.
Bộ lịch Tre của người Mường Hòa Bình gồm 12 thẻ làm từ những thanh tre.
Trên thẻ tre có khắc các khắc, vạch, chấm biểu thị ngày, tháng và các hiện tượng quy luật trong tự nhiên hàng tháng trong năm.
Trên mỗi thẻ tre có các bộ phận chính gồm: gốc lịch, sống lịch, mặt lịch. Tất cả các thẻ tre đều khắc 30 khắc tương đương với 30 ngày trong 1 tháng.
Theo cách tính lịch, các ngày từ 1-10 gọi là "ngày cây”, từ ngày 11-20 gọi là "ngày lồng”, từ ngày 21-30 gọi là "ngày cuối”.
12 thẻ tre của bộ lịch tương ứng 12 tháng. Trong đó, số ngày trong tháng ghi theo lối khắc gạch những ngày tốt, xấu, ngày mưa, ngày gió, ngày cá, ngày thú, ngày đại cát hay ngày xích khẩu… để đi làm ăn, làm nhà mới, cưới vợ, gả chồng hay công to việc lớn trong gia đình, trong cộng đồng.
Ở Hòa Bình hiện còn 5 bộ lịch Tre cổ có từ hàng trăm năm và khoảng hơn 100 bộ lịch Tre sao chép làm mới đang được lưu giữ, sử dụng trong cộng đồng người Mường.
Cùng với Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường, tri thức dân gian lịch Tre của người Mường Hòa Bình được chứng nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2022.





