Quảng Bình:
Đặc sắc Lễ hội đập trống của người Ma Coong
VHO - Lễ hội đập trống là nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Ma Coong, được tổ chức vào tối ngày 16 tháng giêng âm lịch hằng năm.

Tối 13.2 (tức 16 tháng Giêng âm lịch), tại xã biên giới Thượng Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) đã diễn ra lễ hội đập trống của đồng bào dân tộc thiểu số Ma Coong.
Lễ hội là dịp để người Ma Coong bày tỏ lòng thành kính với giàng (trời), cảm tạ thần linh, tưởng nhớ công lao vị tiên tổ của đồng bào và cầu cho mưa thuận gió hòa, nương rẫy được mùa, dân bản no ấm.

Theo truyền thuyết, xưa kia vùng đất của người Ma Coong xuất hiện một con khỉ ác thường xuyên vào phá rẫy. Từ khi khỉ ác xuất hiện, dân bản liên tục bị mất mùa, đau ốm triền miên.
Vị già bản lúc bấy giờ đã nghĩ ra cách đánh đuổi con khỉ ác thông qua đánh trống, khua chiêng. Tiếng trống, tiếng chiêng cùng với sự giúp đỡ của Giàng đã xua đi khỉ ác, mang lại yên bình cho dân bản.

Từ đó, để bày tò lòng biết ơn giàng, biết ơn tổ tiên và cầu mùa, cầu an, cứ đến ngày 16 tháng Giêng hằng năm, đồng bào Ma Coong lại tổ chức lễ hội đập trống.
Lễ hội đập trống Ma Coong diễn ra hai phần. Phần lễ do già làng hoặc những người có uy tín trong cộng đồng đảm nhiệm với các nghi thức cúng giàng, dâng lễ vật, cầu mong những điều tốt đẹp đến với bản làng.

Sau khi phần lễ kết thúc, phần hội bắt đầu trong không khí rộn ràng, sôi động. Điểm nhấn của phần hội là nghi thức đập trống.
Lúc này, mọi người dùng đoạn mây ngắn đập vào mặt trống. Tiếng trống vang vọng khắp núi rừng sẽ xua đuổi tà ma, mang lại sự bình yên cho bản làng. Khi mặt trống vỡ cũng là lúc niềm vui hội ngộ, tình đoàn kết được nhân lên, mở ra một năm mới đầy may mắn. Đây còn dịp để những đôi trai gái gặp gỡ, trao gửi tình cảm, tìm bạn trăm năm theo phong tục của người Ma Coong.

Bên cạnh ý nghĩa tâm linh, lễ hội còn góp phần thúc đẩy du lịch địa phương, động viên bà con đoàn kết, hăng say lao động sản xuất, phát triển kinh tế, cùng nhau xây dựng bản làng ngày càng ấm no, hạnh phúc và văn minh.
Trong khuôn khổ lễ hội đập trống Ma Coong năm 2025, xã Thượng Trạch đã kết hợp tổ chức thi đấu các môn thể thao truyền thống trong khuôn khổ Đại hội Thể dục thể thao của xã; tổ chức phiên chợ quê và hội thi chế biến các món ăn truyền thống của người Ma Coong.

Lễ hội đập trống của người Ma Coong không chỉ bày tỏ sự tôn thờ tới giàng và các vị thần linh như thần lúa, thần bếp, thần núi, thần đất, thần sông, thần rừng... theo tín ngưỡng “vạn vật hữu linh”, mà còn thể hiện lòng kính trọng, biết ơn vị già làng tiên tổ đã có công giúp đỡ bản làng bình an.

Cho đến nay, người Bru-Vân Kiều ở Quảng Bình đã có 3 lễ hội được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đó là: Lễ hội Mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy; “Lễ hội Trỉa lúa của người Bru-Vân Kiều” xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh và Lễ hội Đập trống của người Ma Coong, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch.