Lan tỏa yêu thương ở các bản làng người A Rem, Ma Coong

VHO - Những ngày mùa thu này, bản làng vùng cao, vùng xa ở nơi biên giới của huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình) như khoác lên mình chiếc áo mới. Chiếc áo của ấm no, của nghĩa đồng bào miền xuôi và miền ngược khi thực hiện sáng kiến “Mỗi xã giúp mỗi bản”.

Lan tỏa yêu thương ở các bản làng người A Rem, Ma Coong - Anh 1

Hướng dẫn trồng cây ăn quả cho đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Bố Trạch

Kết nối miền xuôi và miền ngược

Huyện Bố Trạch có 25 xã và 3 thị trấn, trong đó có 22 bản dân tộc thiểu số, đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn. Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy Quảng Bình về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đông tín đồ tôn giáo giai đoạn 2021-2025, Ban Dân vận Huyện ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy Bố Trạch thực hiện mô hình dân vận khéo “Mỗi xã giúp mỗi bản”.

Dẫn chúng tôi đến xem các công trình sinh hoạt cộng đồng phục vụ người dân, ông Đinh Cu, Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch chia sẻ, mô hình “Mỗi xã giúp mỗi bản” đã góp phần tích cực trong việc thay đổi nhận thức của dân bản, về cách tổ chức cuộc sống, sinh hoạt gia đình. Bà con đã biết tăng gia sản xuất, chăn nuôi, trồng cây có giá trị để cải thiện cuộc sống, để bán hoặc trao đổi thêm thực phẩm, lương thực, vật dụng khác phục vụ cho sinh hoạt gia đình.

“Đây là một sáng kiến hay, phát huy được tinh thần đại đoàn kết giữa người miền xuôi và miền ngược. Thông qua mô hình, bà con trên địa bàn xã đã nhận được sự giúp đỡ bằng những việc làm cụ thể để vươn lên xây dựng bản làng ngày càng giàu đẹp”, ông Đinh Cu cho biết.

Lan tỏa yêu thương ở các bản làng người A Rem, Ma Coong - Anh 2

Những con đường được cứng hoá nối liền các hộ gia đình ở các bản

Bản Nịu xã biên giới Thượng Trạch (Bố Trạch), nơi có 37 hộ dân với 142 nhân khẩu là nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; trong đó có 24 hộ nghèo, 2 hộ cận nghèo. Để triển khai hiệu quả mô hình “Mỗi xã giúp mỗi bản”, cán bộ và nhân dân xã Trung Trạch đã đến thăm, tìm hiểu tình hình thực tế đời sống của người dân bản Nịu để có những đóng góp, hỗ trợ phù hợp. Từ thực tế còn lắm khó khăn, xã Trung Trạch đã kêu gọi sự chung tay hỗ trợ nguồn lực của các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm để triển khai thực hiện một số công trình thiết yếu giúp người dân bản Nịu.

Từ tháng 6.2022 đến nay, xã Trung Trạch đã hỗ trợ, bàn giao cho bản Nịu nhiều công trình, phần việc trị giá khoảng 90 triệu đồng, gồm: Công trình tu sửa nhà văn hóa sinh hoạt động cộng đồng bản Nịu; hệ thống nước sạch phục vụ sinh hoạt; công trình sinh kế và hỗ trợ con giống cho hộ gia đình trong bản; hỗ trợ cây ăn quả, hướng dẫn quy trình và kỹ thuật gieo trồng các loại cây rau cho bà con; làm vệ sinh môi trường… Bên cạnh đó, các chi bộ, đoàn thể ở xã Trung Trạch cùng với bản Nịu đã nâng cao công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con trong việc thực hiện các chủ trương về phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống văn hóa mới.

Lan tỏa yêu thương ở các bản làng người A Rem, Ma Coong - Anh 3

Giúp dân bản kéo đường ống nước sạch về để sinh hoạt

San sẻ yêu thương

Triển khai “Mỗi xã giúp mỗi bản”, xã Thanh Trạch đã giúp đỡ bản Bụt (xã Thượng Trạch) nhiều hoạt động ý nghĩa. Xã đã hỗ trợ xây dựng các điểm cấp nước sinh hoạt cho người dân bản Bụt trị giá khoảng 70 triệu đồng; xây dựng cổng trường mầm non trị giá 15 triệu đồng; tặng quà cho người dân bản Bụt trị giá hơn 21 triệu đồng;  xây dựng 2 chuồng nhốt gia súc cho bản trị giá 40 triệu đồng…

Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Bố Trạch Nguyễn Quốc Hạnh cho biết, mặc dù thời gian triển khai sáng kiến chưa dài (từ tháng 6.2022), nhưng mô hình bước đầu đã đạt được kết quả khá ấn tượng, san sẻ yêu thương của người miền xuôi với đồng bào miền ngược. Cụ thể, toàn huyện đã huy động được trên 3 tỷ đồng hỗ trợ các bản, trong đó thực hiện 56 công trình văn hoá, sân thể thao phần việc trị giá trên 2 tỉ đồng, tặng 860 suất quà trị giá 164 triệu và hàng trăm ngày công.

Lan tỏa yêu thương ở các bản làng người A Rem, Ma Coong - Anh 4

Hỗ trợ, giúp đỡ người dân bản Bụt công trình ý nghĩa

Theo ông Hạnh, xác định giúp đỡ các bản là quá trình mang tính lâu dài, thiết thực, do đó, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Bố Trạch tiếp tục huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị từ xã đến các thôn. Đặc biệt, người đứng đầu các ban ngành, đoàn thể, các bí thư chi bộ, trưởng ban công tác Mặt trận các khu dân cư phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của mô hình dân vận khéo “Mỗi xã giúp mỗi bản”. Từ đó, tạo sức lan tỏa để nhân dân cùng đồng hành, hỗ trợ về vật chất và tinh thần để Bố Trạch thực hiện kế hoạch đề ra, góp phần nâng cao hiệu quả mô hình.

Sáng kiến “Mỗi xã giúp mỗi bản” ở trên địa bàn huyện Bố Trạch là cách làm hay, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ về tinh thần san sẻ yêu thương với đồng bào dân tộc còn gặp nhiều khó khăn. Qua thời gian triển khai, mô hình đã khoác lên chiếc áo mới ở các bản làng người Ma Coong, A Rem xa xôi, ở nơi biên giới của huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình). Với những việc làm cụ thể, thiết thực, mô hình không chỉ thể hiện tình đoàn kết, nghĩa Đảng tình dân ngày càng bền chặt mà còn là hoạt động san sẻ yêu thương của người dân ở trên địa bàn huyện Bố Trạch. 

TÂN BÌNH

Ý kiến bạn đọc