Lễ hội “Gầu tào” - di sản văn hóa độc đáo của người Mông ở Yên Bái

QUỲNH VY

VHO - Lễ hội "Gầu tào" là sinh hoạt tín ngưỡng có từ lâu đời của người Mông ở Yên Bái được tổ chức vào dịp đầu xuân năm mới. Lễ hội là dịp để đồng bào Mông gắn tình đoàn kết trong cộng đồng thôn bản và gìn giữ nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Lễ hội “Gầu tào” - di sản văn hóa độc đáo của người Mông ở Yên Bái - ảnh 1
Lễ công bố quyết định và trao chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội “Gầu Tào” sẽ được tổ chức vào 20h ngày 14.2 tại huyện Trạm Tấu

Với nhiều nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc sắc, người Mông ở các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải và một số xã vùng cao của huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái có nhiều lễ hội truyền thống độc đáo, thể hiện đặc trưng văn hóa, tín ngưỡng và phong tục tập quán, trong đó có Lễ hội "Gầu tào” (Tsang Hâur Tox).

Lễ hội “Gầu Tào” có truyền thống lâu đời, gắn liền với cộng đồng người Mông cư trú trên địa bàn các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải và một số xã vùng cao của huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái với không gian trọng điểm thuộc địa bàn huyện Trạm Tấu.

Ngày 9.8.2024, Bộ VHTTDL đã công nhận Lễ hội “Gầu tào” của người Mông các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn, tỉnh Yên Bái là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ công bố quyết định và trao chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội “Gầu Tào” sẽ được tổ chức vào 20h ngày 14.2 tại Sân vận động huyện Trạm Tấu.

Lễ hội "Gầu tào” thường được tổ chức vào đầu xuân năm mới, trong khoảng thời gian từ mùng 1 - 15 tháng Giêng. Đây là lễ hội lớn nhất, được coi là lễ hội tiêu biểu và đặc sắc nhất trong văn hóa tâm linh của người Mông.

Lễ hội "Gầu tào” xuất hiện từ lâu trong đời sống của người Mông với mong muốn cầu tự, cầu con, cầu mệnh và cầu phúc, cầu cho dân làng no ấm, ăn nên làm ra, thóc lúa đầy đồng, mùa màng bội thu, gia súc, gia cầm đầy chuồng...

Theo truyền thống, Lễ hội "Gầu Tào” thường được đồng bào bắt đầu bằng việc chọn ngày đẹp, đốn và dựng cây nêu treo dải vải đỏ cùng chiếc khèn Mông ở bãi đất trống. Sau khi dựng cây nêu đã hoàn tất, bà con dân bản gần xa đều biết nơi sẽ tổ chức lễ hội. Cây nêu được người Mông xem là cây thiêng, biểu tượng cho sức sống trường tồn, là linh hồn của lễ hội "Gầu tào”.

Để chuẩn bị cho nghi lễ cúng, chủ lễ sẽ cùng mọi người đặt bàn lễ và bày đồ lễ ngay chân cột nêu. Lễ vật cúng gồm: giấy cúng, một bát gạo, một bát nước, một bầu rượu, tám chén được chia đều đặt ở bốn góc bàn lễ, đặc biệt lễ vật không thể thiếu được là gà trống.

Lễ hội “Gầu tào” - di sản văn hóa độc đáo của người Mông ở Yên Bái - ảnh 2
Năm 2024, Lễ hội “Gầu tào” của người Mông các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đã được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh minh họa: Mạnh Cường

Lễ hội "Gầu tào" gồm 2 phần lễ  và hội. Phần lễ với nhiều nghi thức thiêng liêng.  Phần hội là các hoạt động thể thao, trò chơi hấp dẫn như: thi giã bánh giày, đánh quay, kéo co, đẩy gậy, ném pao...

Bên cạnh đó là hoạt động văn hóa, nghệ thuật như: múa Khèn, tấu sáo, kéo nhị, hát đối, hát giao duyên, đàn môi, kèn lá... Tất cả được vang lên náo nức khắp làng bản, báo hiệu một mùa xuân mới đã về, hứa hẹn một năm mới mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, sung túc.

Bà Dương Phương Thảo, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Trạm Tấu cho biết, Lễ hội "Gầu tào” của người Mông là một nét đẹp văn hóa tâm linh đặc trưng của người dân vùng cao. Đó không chỉ là nơi bà con người Mông gửi gắm niềm tin, hy vọng về một cuộc sống mới tươi đẹp, mà còn là nơi gắn kết tình cảm của cộng đồng, là dịp để những người con xa xứ về đoàn tụ với gia đình, thôn bản nhân dịp đầu xuân năm mới.

Đến nay, Lễ hội "Gầu Tào” được Sở VHTTDL Yên Bái, UBND huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn và cộng đồng dân tộc Mông duy trì t chức hàng năm nhằm bảo tồn, phát huy nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mônggóp phần lan tỏa văn hóa về vùng đất, con người Yên Bái đến với du khách thập phương.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc