Chuyện về “người có uy tín” ở bản Mùa Xuân

NGUYỄN LINH - LƯƠNG DIỄN

VHO - Anh Thao Văn Dia, “người có uy tín” ở bản Mùa Xuân (xã Sơn Thủy, huyện biên giới Quan Sơn, Thanh Hóa) đã có nhiều đóng góp trong việc đẩy lùi hủ tục lạc hậu, thay đổi nhận thức của đồng bào Mông ở địa phương, xóa đói giảm nghèo, xây dựng bản làng ngày càng tiến bộ. Anh là 1 trong 10 đại biểu của huyện được bầu chọn đi dự Đại hội đại biểu các DTTS cấp tỉnh sắp tới.

Chuyện về “người có uy tín” ở bản Mùa Xuân - ảnh 1
Anh Thao Văn Dia (áo trắng, đứng giữa) cùng bộ đội biên phòng tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước tới bà con dân tộc Mông

Thay đổi diện mạo của bản nghèo

Đã chớm thu nhưng trời còn nắng gắt, chúng tôi trở lại với bản Mùa Xuân, một trong những địa phương khó khăn nhất của huyện Quan Sơn. Thật ngạc nhiên, nếu 3 năm trước, đường đi phải vượt qua khu rừng khúc khuỷu, thăm thẳm dốc ghềnh, thì giờ đây, bằng các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, một con đường bê tông phẳng lì thênh thang đã chạy thẳng vào đến tận bản.

“Có điện, có đường, đó là bước ngoặt lớn, là một cuộc cách mạng, mở ra hy vọng và tương lai mới cho bà con”, anh Thao Văn Dia (SN 1982), “người có uy tín” của bản phấn khởi chia sẻ.

Trong ký ức anh Dia chưa bao giờ phai nhạt những ngày xưa nghèo khó. Sinh ra trên quê hương Mường Lát, dù đất rừng bao la, bát ngát nhưng bà con quanh năm thiếu đói bởi phương thức canh tác lạc hậu, lưu giữ nhiều hủ tục. Do tập quán du canh, du cư, cậu bé Thao Văn Dia đã theo đoàn người Mông tìm đến vùng núi cao Sơn Thủy, huyện Quan Sơn để lập làng, lập bản. Sau này, chính quyền vận động bà con định cư và đặt tên bản là Mùa Xuân.

Điều kiện sống lúc bấy giờ vẫn còn rất khó khăn, nhưng may mắn nhờ sự vào cuộc của chính quyền địa phương, anh Dia được gia đình cho đi học bán trú tại trường cách nhà 16 km. Đó là quãng thời gian dài gian nan trên con đường theo đuổi con chữ của Thao Văn Dia. Đầu tuần gùi gạo xuống trường, cuối tuần đi bộ cắt rừng về với bố mẹ. Học hết lớp 12, không có điều kiện học cao hơn, Dia về tham gia lao động phụ giúp gia đình.

Cần cù, chịu khó, lại biết con chữ, anh Dia được bà con dân bản tín nhiệm, yêu quý, chính quyền tin cậy. Năm 2003, khi vừa tròn 20 tuổi, Dia được kết nạp Đảng. Suốt 19 năm liền (2003-2022), anh được bầu vào các vị trí Phó bản, rồi Trưởng bản, Bí thư Chi bộ. Thao Văn Dia trở thành cầu nối giữa chính quyền với bà con trong việc tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Ngược lại, anh cũng tích cực truyền tải những tiếng nói, nguyện vọng của bà con đến cấp trên, nhờ đó, hàng loạt chính sách dân tộc đã được triển khai, thay đổi diện mạo của bản nghèo, giúp người dân nâng cao đời sống, đẩy lùi hủ tục lạc hậu.

Nhớ lại những ngày đầu tham gia công tác ở bản, anh Dia kể: “Hơn 100 hộ dân sống giữa vùng rừng núi hoang sơ, đường giao thông khó khăn, trình độ văn hóa thấp, 100% số hộ thuộc diện nghèo, nhiều hủ tục lạc hậu từ bao đời còn đeo đẳng. Trong khi đó, tà đạo ngấm ngầm, luồn lách tìm đến lừa phỉnh, “ru ngủ” người dân, làm một bộ phận đồng bào thờ ơ với các phong trào chung, ngoảnh mặt lại với các chính sách, những dự án phát triển kinh tế ở địa phương. Biết làm gì để bà con phát triển kinh tế?

Được sự động viên, hỗ trợ của cán bộ Biên phòng và lãnh đạo địa phương, anh Dia đã đến từng nhà giải thích, vận động bà con, nói đúng, hợp lòng người thì ai cũng nghe. Rồi anh trực tiếp cùng họ lên nương, ra ruộng, cầm tay chỉ việc để bà con biết cách nuôi trồng, canh tác đúng kỹ thuật, từ đó năng suất mỗi ngày một nâng cao dần.

Làm việc gì cũng vì lợi ích của đồng bào

Mùa Xuân là bản có đoạn biên giới từ Cột mốc 322 đến Cột mốc 323, giáp với huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Anh Dia nắm rõ từng vệt đường mòn, thuộc từng gốc cây, ngọn cỏ. Xác định việc bảo vệ biên cương không chỉ là trách nhiệm, mà còn là quyền lợi và niềm tự hào của mỗi người dân, anh luôn tích cực tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc. Anh cùng cán bộ Biên phòng, những người có uy tín, đoàn viên thanh niên trong bản đến từng nhà nhắc nhở, khuyên mọi người chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương; tích cực tham gia bảo vệ rừng, bảo vệ biên giới. Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường thì kịp thời báo cáo ngay với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo.

Anh Dia luôn tâm niệm, làm việc gì cũng phải được lòng dân, phải biết vì lợi ích của đồng bào mình. Anh đã mang tiếng nói của bà con lên xã đề đạt những nguyện vọng chính đáng như: Không hỗ trợ cho người nghèo bằng tiền mặt mà thay bằng hạt giống, cây củ quả, con giống...; tiên phong thay đổi thói quen canh tác, từ gieo lúa nương thành trồng lúa nước 2 vụ. Thấy Dia làm hiệu quả, bà con đua nhau chăn nuôi, trồng cấy theo kỹ thuật mới. Anh cho biết, tổng diện tích lúa nước của bản bây giờ đã lên hơn 6 ha; 101 con trâu; 251 con bò; 100 con lợn và gần 2.000 gia cầm… Đặc biệt, bà con đã biết thực hiện nếp sống mới trong cưới hỏi, tang ma, “nói không” với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống… vốn là những hủ tục ngăn cản người Mông thoát đói nghèo.

Ông Phạm Bá Thái, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Thủy khẳng định: Nhờ có các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, bản Mùa Xuân đã có nhiều đổi thay tích cực, cái tên bản “5 không - không điện, không đường, không trường, không trạm y tế, không sóng điện thoại” cũng được xóa bỏ. Mùa Xuân đã có lưới điện quốc gia, trẻ em được đến trường học chữ, người dân biết trồng lúa nước, xây dựng đời sống văn hóa, không tin lời kích động của những kẻ xấu di cư, phá rừng…

“Nhờ có Đảng, tin tưởng và đi theo Đảng, cuộc sống của đồng bào đã thay đổi tích cực mỗi ngày. Bản Mùa Xuân tiến bộ như hôm nay là có sự đóng góp rất lớn của những đảng viên, “người có uy tín” như anh Thao Văn Dia”, ông Thái bày tỏ.