Nghề dệt vải lanh, nhuộm chàm của người Mông Sa Pa

LÊ THANH CƯỜNG

VHO - Để làm nên bộ trang phục truyền thống với những hoa văn độc đáo, nổi bật trên màu vải chàm, đồng bào dân tộc Mông ở Khu du lịch quốc gia Sa Pa (tỉnh Lào Cai) đã tự trồng lanh, se sợi, dệt vải, nhuộm chàm và thêu hoa văn tinh xảo, làm nên bản sắc riêng có, đã được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nghề dệt vải lanh, nhuộm chàm của người Mông Sa Pa - ảnh 1
Bà con tranh thủ ngày nắng để phơi vải đã nhuộm chàm

Bao đời nay, cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông luôn gắn liền với núi rừng, với cây trồng quanh vườn nhà và tri thức văn hóa bản địa, trong đó họ vẫn lưu giữ được một số nghề thủ công truyền thống đặc trưng.

Không chỉ làm nên bản sắc văn hóa trong cộng đồng 25 dân tộc anh em cùng sinh sống trên mảnh đất biên cương - “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”, mà trong cuộc sống đương đại ngày nay, nghề dệt vải lanh, nhuộm chàm còn tạo nên một sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, thu hút rất đông du khách trải nghiệm khi đến với các bản làng của đồng bào Mông ở vùng cao Sa Pa.

Trong đời sống thường nhật, cây lanh luôn gắn bó mật thiết và được ví như linh hồn của văn hóa, tín ngưỡng trong cộng đồng dân tộc Mông. Cùng với mùa đổ nước, mùa cấy, mùa gặt…, đồng bào dân tộc Mông ở Sa Pa còn có thêm mùa thu hoạch cây lanh về phơi và thu hái cây chàm về ủ làm cao chàm- những nguyên liệu chính để làm nên những tấm vải nhuộm chàm, vẽ hoa văn sáp ong, thêu thổ cẩm.

Hành trình từ cây lanh, cây chàm đến những bộ trang phục truyền thống của đồng bào Mông là cả chặng dài, với nhiều công đoạn cầu kỳ, phức tạp, đòi hỏi sự sáng tạo, chăm chỉ và mức độ tinh xảo.

Nghề dệt vải lanh, nhuộm chàm của người Mông Sa Pa - ảnh 2
Vàng Thị Sua ở bản Sín Chải (Sa Pa) tước lanh giúp mẹ

Vàng Thị Sua, năm nay 18 tuổi, ở bản Sín Chải (Ô Quý Hồ, Sa Pa) tranh thủ ngày nắng, giúp mẹ tước lanh để se sợi, đồng thời nhuộm những mẻ vải chàm mới để sau ngày mùa, thu hoạch lúa xong, mẹ sẽ se lanh, dệt vải… may quần áo cho cả gia đình.

Vàng Thị Sua trò chuyện: "Chuẩn bị cho năm học mới, mẹ thường may quần áo mới cho em và các em của em, rồi để dành vải may áo váy mặc Tết nữa. Thế nên, cứ mỗi độ vào mùa thu lanh, tranh thủ Sa Pa những ngày có nắng, bà con trong bản Sín Chải, nhà nào nhà nấy đều tất bật với công việc nhuộm chàm và thu lanh để phơi".

Đặc biệt, từ khi bản du lịch cộng đồng Sín Chải được nhiều du khách dừng chân tham quan, không ít đoàn khách trong nước và quốc tế luôn dành thời gian để trải nghiệm, xem bà con dân tộc Mông ở vùng cao nơi này phơi lanh, dệt vải và nhuộm chàm.

Nghề dệt vải lanh, nhuộm chàm của người Mông Sa Pa - ảnh 3
Phụ nữ dân tộc Mông ở Cát Cát - Sa Pa vẫn thêu thổ cẩm vẽ sáp ong

Thậm chí, ở những gia đình làm dịch vụ homestay, một số công ty lữ hành du lịch đã kết nối để đưa vào chương trình khám phá nghề thủ công độc đáo này, để khách du lịch tự tay nhuộm chàm và vẽ sáp ong theo hướng dẫn của chính người dân bản địa.

Bà Sùng Thị Lan, Giám đốc Hợp tác xã Mường Hoa, xã Tả Van chia sẻ: Nghề thủ công truyền thống se lanh, dệt vải và nhuộm chàm trước đây chỉ bó hẹp trong phạm vi “tự cung, tự cấp”, đủ dùng trong mỗi gia đình người Mông, chủ yếu làm ra để may trang phục truyền thống cho người thân. Thế nhưng, từ nét độc đáo của nghề thủ công này, giờ đây đã phát huy giá trị của nó trong đời sống thường nhật của đồng bào vùng cao Sa Pa.

Ngay như Hợp tác xã Mường Hoa, thời gian qua đã tổ chức các tour du lịch trải nghiệm dệt vải, nhuộm chàm, vẽ sáp ong trên vải lanh, trở thành một trong những sản phẩm dịch vụ hấp dẫn du khách, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các thành viên tham gia Hợp tác xã, tạo việc làm cho phụ nữ dân tộc Mông cũng như nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhiều gia đình dân tộc thiểu số ở địa phương.

Nghề dệt vải lanh, nhuộm chàm của người Mông Sa Pa - ảnh 4
Tước sợi lanh để dệt vải

Nếu lên Sa Pa đúng vào mùa thu lanh, rất dễ gặp hình ảnh của những sân phơi cây lanh, những thùng gỗ thông ủ chàm, những sào tre phơi vải đã nhuộm chàm…

Bên hiên nhà, các bà, các chị phụ nữ dân tộc Mông ngồi dệt vải, tỉ mỉ vẽ sáp ong trên vải lanh mộc, thêu hoa văn thổ cẩm trên những mảnh vải chàm, để may áo váy cho người thân. Rất nhiều bậc cao niên trong bản người Mông, dù đã cao tuổi, vẫn miệt mài với nghề truyền thống, không chỉ là niềm vui của tuổi già, mà họ còn truyền dạy lại cho con cháu trong nhà nối nghề tổ tiên.  

Bà Hoàng Thị Vượng, Trưởng Phòng VHTT thị xã Sa Pa cho biết: "Trải qua hàng trăm năm hình thành, phát triển và bao thăng trầm của cuộc sống, cho đến hôm nay, đồng bào Mông ở Sa Pa vẫn luôn duy trì nghề trồng lanh, dệt vải và nhuộm chàm, giữ gìn bản sắc văn hóa như báu vật thiêng liêng, song hành cùng cuộc đời của mỗi người Mông…".

Điều thú vị hơn cả, không chỉ là một nét độc đáo trong kho tàng bản sắc văn hoá cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Sa Pa, sản phẩm thủ công từ cây lanh, cây chàm, từ đôi bàn tay khéo léo thêu hoa văn thổ cẩm của đồng bào Mông, đã được ứng dụng rộng rãi trong đời sống hiện đại (công nghệ may mặc, đồ thủ công mỹ nghệ, trang trí không gian sống…) tạo sức hấp dẫn trong hoạt động du lịch văn hoá của Khu du lịch trọng điểm quốc gia Sa Pa.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc