Cách làm hay từ “cầm tay chỉ việc”
VHO - Nhằm thực hiện hiệu quả Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” tỉnh Quảng Bình đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Những hoạt động này kỳ vọng sẽ tạo những điểm nhấn mới trong đời sống gia đình và kinh tế - xã hội các địa phương vùng đồng bào Bru - Vân Kiều sinh sống.
Mới đây Sở VHTT phối hợp với Sở Du lịch Quảng Bình và Bảo tàng Tổng hợp tỉnh tổ chức lớp tập huấn để hướng dẫn, “cầm tay chỉ việc” giúp các nghệ nhân, già làng, trưởng bản, người có uy tín và đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều ở xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy.
Tham dự lớp tập huấn, hơn 60 học viên là nghệ nhân, già làng, trưởng bản, người có uy tín và đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều ở xã Kim Thủy được cán bộ ngành văn hóa, du lịch truyền đạt những nội dung cơ bản về truyền thống văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Quảng Bình. Về hiện trạng và tiềm năng phát triển du lịch văn hóa cộng đồng dân tộc Bru - Vân Kiều ở xã Kim Thủy. Truyền dạy, thực hành kỹ năng trình diễn các nghi thức của lễ hội trỉa lúa của người Bru - Vân Kiều xã Trường Sơn (Quảng Ninh). Kỹ năng xây dựng mô hình di sản kết nối gắn với các hành trình du lịch di sản để phát triển cộng đồng các dân tộc thiểu số có di sản tương đồng…
30 hộ dân ở bản Rum Ho dự lớp tập huấn kiến thức về du lịch và đã được cấp chứng chỉ hành nghề. Nhiều hộ dân khác cũng đã được học, được tập huấn về bảo tồn và phát triển văn hóa cộng đồng; về xây dựng, quản lý, phát triển homestay, chế biến món ăn, tập huấn về spa mát xa ngâm chân thảo dược… Bà Hồ Thị Thành (78 tuổi), người dân tộc Bru - Vân Kiều, một trong số các gia đình làm du lịch cộng đồng thành công ở bản Rum Ho cho biết, nếu như trước đây, cuộc sống của đồng bào ở bản chỉ biết dựa vào rừng thì nay đã có nhiều đổi thay trong nhận thức thông qua các lớp tập huấn, đào tạo, tìm kiếm sinh kế từ chuyện “làm du lịch” từ vốn văn hóa bản địa.
Vụ Văn hóa Dân tộc (Bộ VHTTDL) cũng vừa phối hợp với Sở VHTT Quảng Bình tổ chức lớp tập huấn về công tác văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch cho cán bộ, công chức cấp xã, nghệ nhân, già làng, trưởng thôn, bản, người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tham gia lớp tập huấn, 60 học viên là người dân tộc, cán bộ vùng dân tộc ở trên địa bàn tỉnh Quảng Bình được phổ biến các nội dung dự án của Chương trình 1719; nghị quyết, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Bình về thực hiện công tác dân tộc.
Học viên Hồ Quang ở xã Kim Thủy chia sẻ, tại chương trình học viên còn được truyền đạt những kiến thức về phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở; xây dựng kế hoạch thực hiện công tác gia đình, bình đẳng giới; nắm bắt thực trạng và định hướng phát triển văn hóa du lịch cộng đồng. Vai trò của cán bộ, công chức cấp xã, nghệ nhân, già làng, trưởng thôn, bản, người có uy tín trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Cách thức triển khai và trách nhiệm của cán bộ văn hóa, nghệ nhân, già làng, trưởng thôn, bản và người có uy tín trong công tác xây dựng gia đình văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Những kiến thức này rất hữu ích, góp phần giúp chúng tôi nâng cao ý thức trong việc gìn giữ nét văn hóa của địa phương, trong các thủ tục hành chính, kể cả việc phát triển du lịch để nâng cao thu nhập…
Ông Mai Xuân Thành, Phó Giám đốc Sở VHTT Quảng Bình cho biết: “Thông qua tổ chức các lớp tập huấn nhằm góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số ở Quảng Bình gắn với phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều ở các địa phương vùng biên giới. Qua các lớp tập huấn nhằm từng bước nâng cao nhận thức của các chủ thể văn hóa; tạo điều kiện cho thế hệ trẻ được tiếp thu, kế thừa các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp; giữ gìn và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Đặc biệt là biết kết hợp các di sản văn hóa với phát triển du lịch để nâng cao đời sống hộ gia đình và chung tay xây dựng bản làng ngày càng đổi mới”.