Cách làm hay vận động bà con vùng biên giao nộp vũ khí tự chế

PHẠM NGÂN

VHO - Những bước chân miệt mài của các lực lượng chức năng đến tận nhà bà con dân bản tuyên truyền, vận động, cùng ý thức tự giác, đồng lòng của bà con nhân dân trong bảo đảm ANTT đã giúp những bản làng, thôn xóm vùng biên giới ngày càng bình yên.

Gõ từng nhà, rà từng đối tượng

Theo chân đoàn công tác Thượng tá Lô Văn Thao, Phó Trưởng Công an huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) băng rừng vượt suối, chúng tôi có mặt tại bản Cánh, xã Tà Cạ để vận động bà con giao nộp vũ khí tự chế, vật liệu nổ. Tranh thủ khoảng thời gian đồng bào vùng cao đi rẫy về, tổ công tác của Công an xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn đã phối hợp với Trạm biên phòng bản Cánh, thuộc Đồn biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn đến từng nhà tuyên truyền, thuyết phục các cá nhân tự nguyện giao nộp khẩu súng kíp.

Cách làm hay vận động bà con vùng biên giao nộp vũ khí tự chế - ảnh 1

Người dân huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) tự nguyện giao nộp vũ khí tự chế. Ảnh: Lữ Phú

Thượng tá Lô Văn Thao, Phó Trưởng Công an huyện Kỳ Sơn, cho biết: Kỳ Sơn là huyện vùng cao biên giới Nghệ An, có trên 94% đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, Khơ Mú và Mông. Từ xa xưa, đồng bào đã có tập quán sử dụng vũ khí tự chế để phục vụ cuộc sống và lao động sản xuất. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng các loại súng tự chế đã gây ra những câu chuyện đau lòng, khiến người chết, kẻ vào tù, nhiều gia đình phải gánh chịu nỗi bất hạnh, đau thương.

Để ngăn chặn việc sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, đồng thời đấu tranh, phòng ngừa các loại tội phạm, tai nạn bom mìn xảy ra trên địa bàn, gây thiệt hại về người và tài sản, huyện Kỳ Sơn đã ban hành Kế hoạch số 111 “Mở đợt cao điểm vận động Nhân dân giao nộp và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ”. Huy động các lực lượng nòng cốt như: Công an, Biên phòng tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân trên địa bàn giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Mặc dù địa bàn khó khăn, giao thông cách trở, tuy nhiên với quyết tâm cao, triển khai mở đợt cao điểm, lực lượng chức năng huyện Kỳ Sơn đã thu hồi được hơn 600 khẩu súng, nòng súng và công cụ hỗ trợ các loại. Trong thời gian qua, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân thu hồi và đấu tranh với các hành vi vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, pháo nổ, công cụ hỗ trợ đã góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn xã biên giới.

“Chúng tôi mong rằng, người dân hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm trong giao nộp vũ khí, để đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Sau đợt cao điểm thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, từ ngày 11.7.2024, chúng tôi sẽ triển khai các biện pháp để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, mức phạt sẽ rất cao với hành vi tàng trữ, sử dụng, mua bán các thiết bị, liên quan đến súng tự chế ở trong Nhân dân,” Thượng tá Lô Văn Thao, Phó Trưởng Công an huyện Kỳ Sơn cho biết thêm.

Thu hồi 380 khẩu súng trong 1 ngày

Với tập quán săn bắt, hái lượm nên nhiều người dân vùng cao vẫn lén lút chế tạo và sử dụng vũ khí tự chế, dẫn đến nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra. Theo tổng hợp của Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, trong ngày đầu phát động “Ngày hội toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo” bắt đầu từ ngày 15.7, Công an các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An đã vận động thu hồi được 380 khẩu súng (8 khẩu súng quân dụng, 372 khẩu súng tự chế); 208 viên đạn; 8 quả lựu đạn, đầu đạn các loại; 0,8 kg thuốc nổ; 6 kíp nổ; 10m dây cháy chậm; 18 kg tiền chất thuốc nổ; 13 công cụ hỗ trợ; 452 vũ khí thô sơ; 1 linh kiện để lắp ráp vũ khí; 477 quả, hộp pháo; 9 kg thuốc nổ.

Để có được kết quả trên, lực lượng Công an các cấp đã chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc triển khai thực hiện về mở đợt cao điểm tuyên truyền, vận động nhân dân giao nộp và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo năm 2024 một cách hiệu quả, thiết thực.

Cách làm hay vận động bà con vùng biên giao nộp vũ khí tự chế - ảnh 2

Triển khai mở đợt cao điểm, lực lượng chức năng huyện Kỳ Sơn thu hồi được hơn 600 khẩu súng, nòng súng và công cụ hỗ trợ các loại. Ảnh: Lữ Phú

Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Nghệ An cho biết: Mặc dù số lượng vũ khí, vật liệu nổ được nhân dân giao nộp cũng như lực lượng chức năng thu giữ trong thời gian qua là rất lớn. Tuy nhiên để ngăn chặn triệt để hành vi tàng trữ, mua bán, sử dụng súng tự chế, đưa Nghệ An ra khỏi diện địa bàn trọng điểm trong số 18 địa phương của cả nước, là còn rất nhiều khó khăn do Nghệ An có tới 61 xã, phường biên giới, ven biển; trong đó có 22 xã biên giới đất liền thuộc vùng đặc biệt khó khăn, nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế. 

Về kế hoạch trong thời gian tới, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Nghệ An nhấn mạnh: Chú trọng công tác tuyên truyền để khuyến khích người dân giao nộp số vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ còn đang cất giữ, công an các địa phương tiếp tục rà soát, lập danh sách các đối tượng có tiền án, tiền sự, nghi vấn hoạt động phạm tội về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo để theo dõi, quản lý, đấu tranh. Bên cạnh đó, tăng cường nắm tình hình địa bàn để kịp thời phát hiện, đấu tranh, bắt giữ các đối tượng có dấu hiệu sản xuất, tàng trữ, mua bán trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ…

Đặc biệt, để thực hiện tốt công tác thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, cùng với vai trò của các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương cần tích cực tuyên truyền, phát huy cả vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vận động người dân không tham gia vận chuyển, mua bán, tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép.