Vì sao lăng mộ các chúa Nguyễn ít được biết đến?

SƠN THÙY

VHO - Nằm ở thượng nguồn sông Hương, cách trung tâm TP Huế hơn 12 km, xã Hương Thọ được biết đến bởi nơi đây có nhiều công trình di tích độc đáo, trong đó nổi bật là hệ thống lăng mộ của chín chúa Nguyễn và hai vua triều Nguyễn.

Vì sao lăng mộ các chúa Nguyễn ít được biết đến? - ảnh 1
Toàn cảnh lăng Trường Cơ, lăng mộ chúa Tiên Nguyễn Hoàng nhìn ở làng La Khê, xã Hương Thọ

 Những năm qua, nhiều du khách đã được quảng bá, giới thiệu và tìm đến tham quan quần thể lăng Gia Long, Minh Mạng thuộc quần thể di tích Cố đô Huế tại xã Hương Thọ, nhưng không phải ai cũng biết nơi an nghỉ của chín vị chúa Nguyễn trên mảnh đất này.

Lăng mộ ở trên địa bàn một xã

Chúng tôi men theo con đường ven sông quanh làng La Khê để tìm đến di tích lăng Trường Cơ, lăng mộ của chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1525-1613), vị chúa Nguyễn đầu tiên. Vốn lăng chúa Tiên được lập ở Quảng Trị, sau đó được di dời vào đây và được xây dựng lại lăng mộ dưới thời vua Gia Long triều Nguyễn.

Di tích này cách bờ sông Hương khoảng 300m, nằm giữa không gian cây xanh và có đường bê tông khá thuận lợi so với các lăng mộ chúa Nguyễn khác. Sau thời gian dài xuống cấp, năm 2016, từ nguồn xã hội hóa 3,8 tỉ đồng, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã tiến hành trùng tu lăng Trường Cơ. Không gian di tích được khoanh vùng, tôn tạo cảnh quan và trở thành điểm đến hành hương, tham quan, tìm hiểu của nhân dân trên địa bàn và du khách. Cách đó không xa là lăng Trường Thiệu của chúa Nguyễn Phúc Thuần, đang đối diện với nguy cơ xuống cấp, hư hại do các đoạn tường gạch bị sụt lún. Cách lăng Trường Thiệu hơn 1km là lăng Trường Thanh, nơi an nghỉ của chúa Nguyễn Phúc Chu tại thôn Kim Ngọc. Lăng được sửa chữa vào thời vua Minh Mạng và thời vua Thiệu Trị. Năm 2009 và năm 2015, con cháu Nguyễn Phúc tộc đã đóng góp trùng tu, tôn tạo lại khu lăng mộ này. Công trình đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là di tích cấp tỉnh từ năm 2018.

Theo TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế, lăng các chúa Nguyễn có quy mô nhỏ hơn, cách thức xây dựng cũng đơn giản hơn nhiều so với lăng các vua Nguyễn. Dù lăng các chúa ở khá xa so với Kinh thành nhưng đều có vị trí rất lý tưởng và hoàn toàn tuân thủ các quy tắc về phong thủy địa lý. Chứng tỏ người xưa đã bỏ rất nhiều công sức cho việc tìm kiếm mảnh đất làm “sinh phần” cho các chúa Nguyễn. Về mặt quy mô và kiểu thức xây dựng, hệ thống lăng mộ các chúa Nguyễn đều tương tự như nhau. Mỗi lăng mộ đều có hai vòng thành hình chữ nhật bao bọc, vòng ngoài xây bằng đá bazan nhưng phần mũ thành xây bằng gạch vồ, vòng trong xây hoàn toàn bằng gạch (trừ lăng Trường Diễn). Chiều cao của các vòng thành tương ứng đều như nhau; phần mộ đều xây thấp, phẳng với 2 tầng theo lối giật cấp. Trước mộ có hương án, sau cổng có bình phong trang trí long mã và rồng. Sau lưng mộ cũng có bình phong trang trí rồng cùng kiểu, ghép nổi mành sành sứ hoặc đắp nổi vôi vữa… Tại các lăng chúa Nguyễn không có công trình kiến trúc gỗ.

Có sự giống nhau này là bởi các lăng chúa Nguyễn đều được tái xây dựng và tu bổ trong các thời điểm gần tương tự như nhau, xây dựng lại dưới thời vua Gia Long và tu sửa vào thời vua Minh Mạng, vua Thiệu Trị.

Vì sao lăng mộ các chúa Nguyễn ít được biết đến? - ảnh 2
Di tích lăng Trường Thanh, nơi an nghỉ của chúa Nguyễn Phúc Chu tại thôn Kim Ngọc, xã Hương Thọ

Chỉnh trang, kết nối điểm đến các lăng chúa Nguyễn

Xã Hương Thọ là vùng bán sơn địa với điểm nhấn là cảnh quan đẹp với hệ thống cây xanh và đồi núi trù phú. Đặc biệt, vùng đất ở ngã ba Bằng Lãng là nơi ghi dấu hợp lưu của dòng Tả Trạch và Hữu Trạch để thành sông Hương đã trở thành nơi an nghỉ của cả 9 vị chúa Nguyễn. Theo nhiều chuyên gia, từ khi lập ra triều Nguyễn, vua Gia Long đã cắt cử những người am hiểu địa lý để đi tìm cuộc đất “Vạn niên cát địa”, và nơi đó cũng chính là khu vực mà tổ tiên ông đã chọn.

TS Phan Thanh Hải cho biết: Thời các chúa Nguyễn (1558-1775), đặc biệt là ở giai đoạn cuối, cùng với việc kiến thiết Huế trở thành Kinh đô của vương quốc Đàng Trong thì vấn đề quy hoạch vị trí các lăng tẩm cho các chúa và phi đã được giải quyết khá hoàn chỉnh. Quan sát kỹ khu vực Huế trên Bình Nam Đồ của Bùi Thế Đạt vẽ năm Giáp Ngọ 1774, có thể thấy rõ: Đô thành Phú Xuân đã được xây dựng ở bờ Bắc sông Hương (bên trong Kinh thành hiện nay), xây mặt về hướng Nam; các khu buôn bán và cảng thị Thanh Hà nằm ở phía Đông hạ lưu sông Hương; còn đàn miếu của hoàng triều cùng lăng mộ các chúa và phi đều được bố trí ở phía Tây và Tây Nam, trên thượng nguồn sông Hương. Sau này, vua Gia Long cũng đã cho xây dựng lăng Thiên Thọ làm nơi an nghỉ của mình và Hoàng hậu ở vùng đất thượng nguồn sông Hương.

 Trước đây, nhiều du khách tìm đến lăng mộ các chúa Nguyễn để dâng hương, tham quan tìm hiểu nhưng gặp khó khăn khi tìm đường đi. Xuất phát từ nhu cầu thực tế, song song với việc chỉnh trang các lối vào lăng, chúng tôi cũng đặt các biển chỉ dẫn, giới thiệu về di tích. Giờ đã thuận lợi hơn nhiều, người dân và du khách có thể dễ dàng đến các lăng chúa Nguyễn để dâng hương tri ân tiền nhân.

(Ông HOÀNG VIỆT TRUNG, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế)

Nếu đi theo con đường nhựa khang trang kết nối qua các thôn La Khê, Kim Ngọc, Định Môn để vào lăng Gia Long, du khách cũng có thể nhìn thấy công trình lăng Trường Thái, lăng mộ chúa Nguyễn Phúc Khoát, người được xem là “ông tổ” của áo dài Việt. Rẽ phải từ đường lớn rồi men theo cánh đồng khoảng 500m sẽ đến được di tích này. Con đường cũng đang được dọn dẹp, chỉnh trang để thuận lợi hơn cho du khách hành hương. Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, các lăng chúa Nguyễn đều đã được công nhận là di tích và khoanh vùng bảo vệ, trong đó lăng Trường Cơ, Trường Thiệu, Trường Thái đã được công nhận di tích quốc gia; các lăng còn lại được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Vừa qua, UBND TP Huế triển khai xây dựng, chỉnh trang các tuyến đường vào lăng các chúa Nguyễn, hiện đã cơ bản hoàn thành. Ngoài ra, một số tuyến đường nằm trong dự án hạ tầng của quần thể lăng Gia Long cũng được triển khai và kết nối đến các lăng chúa Nguyễn gần đó. Trung tâm cũng đã cho thiết kế và đang tiến hành đặt các biển chỉ dẫn (kích thước lớn) giới thiệu về di tích ở gần lối vào các lăng chúa Nguyễn.

“Trước đây, nhiều du khách tìm đến lăng mộ các chúa Nguyễn để dâng hương, tham quan tìm hiểu nhưng gặp khó khăn khi tìm đường đi. Xuất phát từ nhu cầu thực tế, song song với việc chỉnh trang các lối vào lăng, chúng tôi cũng đặt các biển chỉ dẫn, giới thiệu về di tích. Giờ đã thuận lợi hơn nhiều, người dân và du khách có thể dễ dàng đến các lăng chúa Nguyễn để dâng hương tri ân tiền nhân”, ông Hoàng Việt Trung nói. Cũng theo ông Trung, quần thể di tích Cố đô Huế có rất nhiều công trình di tích và trong đó có nhiều di tích đang trong tình trạng khẩn cấp, cần ưu tiên tu bổ, bảo tồn, đặc biệt là ở khu vực Đại Nội Huế. Thời gian qua, hệ thống lăng các chúa Nguyễn chủ yếu được tu bổ, chỉnh trang, sửa chữa nhỏ từ nguồn xã hội hóa. Vừa qua, Trung tâm đã cho khảo sát, đánh giá lại hiện trạng các di tích lăng chúa Nguyễn để làm cơ sở xây dựng kế hoạch cho công tác bảo tồn, tu bổ khi có điều kiện phù hợp…

Trước mắt, đơn vị thường tổ chức các hoạt động nhằm chống hoang hóa, phát quang cỏ dại, trồng cây xanh xung quanh khu vực các lăng, tạo điểm đến xanh và văn hóa. Ngoài ra, Trung tâm cũng phân công tổ bảo vệ ở lăng Gia Long kiểm tra, dọn vệ sinh cảnh quan ở các lăng chúa Nguyễn gần trong khu vực. “Những việc làm này không phải lớn nhưng có ý nghĩa, bày tỏ sự tôn kính tiền nhân có công lao với đất nước và góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ. Chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động để kết nối, tạo thuận lợi cho du khách đến tham quan, dâng hương tri ân tiền nhân”, ông Trung nhấn mạnh.