Tưởng nhớ tiền nhân, tri ân áo dài

VHO- Chương trình Tri ân tiền nhân là một trong những hoạt động quan trong của Đề án “Ngày hội Áo dài Huế” lần đầu tiên được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức trong hai ngày 8 - 9.7, nhân dịp húy kỵ chúa Nguyễn Phúc Khoát.

Tưởng nhớ tiền nhân, tri ân áo dài - Anh 1

Đoàn diễu hành dâng hoa tưởng nhớ chúa Nguyễn Phúc Khoát tại Triệu Tổ Miếu (Đại nội Huế)

Theo sử liệu, năm 1744 sau khi lên ngôi xưng vương ở phủ chính Phú Xuân, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã ban hành nhiều chính sách, tổ chức lại bộ máy và đề cập đến việc cải cách triều phục. Từ đó, Áo dài được chú trọng, trân quý và trở thành trang phục chính của người dân ở vùng đất Đàng Trong, khẳng định tính tự chủ trong văn hóa.

Sẽ là hoạt động thường niên

Lễ hành hương và tri ân chúa Nguyễn Phúc Khoát được tổ chức tại hai địa điểm là lăng Trường Thái (khu lăng mộ của chúa) và tại Triệu Tổ Miếu (khu Di sản Hoàng cung Huế). Từ sáng sớm ngày 9.7, rất đông con cháu Hệ 9 Tiền biên, Hội đồng Nguyễn Phúc tộc đã có mặt tại lăng để chuẩn bị lễ vật cho lễ húy kỵ chúa Nguyễn Phúc Khoát. Đại diện UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ngành văn hóa địa phương và cộng đồng dân cư cũng có mặt, dâng hương tri ân.

Tưởng nhớ tiền nhân, tri ân áo dài - Anh 2

 Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tham quan không gian trưng bày Áo dài Huế xưa

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, hoạt động tri ân tiền nhân với lễ hành hương về lăng mộ chúa Nguyễn Phúc Khoát, người được xem là “ông tổ” của Áo dài Việt Nam nhân dịp húy kỵ 20.5 Âm lịch sẽ được tổ chức thường niên. Đây là một trong những hoạt động quan trọng của Đề án “Ngày hội Áo dài Huế” mà địa phương này đang triển khai thực hiện. Lăng Trường Thái tọa lạc tại thôn La Khê, xã Hương Thọ (thị xã Hương Trà). Hiện con đường dẫn vào lăng còn nhỏ hẹp và nhiều cây dại. Trong đợt khảo sát di tích này trước đó, ông Phan Ngọc Thọ đã đề nghị UBND thị xã Hương Trà và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sớm có phương án chỉnh trang và tôn tạo di tích, rà soát đất đai khu vực bảo vệ di tích, có phương án thu hồi đất xung quanh Lăng Trường Thái để trồng cây bản địa hoặc cây thông nhằm tạo cảnh quan và vành đai bảo vệ di tích. Cạnh đó, cần nghiên cứu phương án khôi phục con đường dẫn vào lăng như trước đây...

Cũng trong chương trình “Tri ân tiền nhân”, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng phối hợp với Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc tổ chức lễ dâng hoa tri ân Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát tại Triệu Tổ Miếu (Đại nội Huế). Nhiều nghệ sĩ, người mẫu, các nhà thiết kế áo dài trên địa bàn và cộng đồng đã cùng tham gia đoàn diễu hành, rước lễ tri ân chúa Nguyễn Phúc Khoát. Dẫn đầu đoàn dâng hoa là các nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế với phục trang, đạo cụ theo nghi thức cung đình xưa, làm tôn lên không khí trang trọng và thành kính... Có mặt tại buổi lễ, ông Nguyễn Phước Bửu Tộ, 77 tuổi, Trưởng phủ Tùng Thiện Vương, một hoàng tử của vua Minh Mạng, đã chia sẻ rằng “chúng tôi rất vui mừng khi tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức các hoạt động hành hương tri ân người “khai sinh” Áo dài Việt Nam. Và càng tự hào hơn khi chúa Nguyễn Phúc Khoát là người “khai sinh” thì vua Minh Mạng là người đưa Áo dài trở thành trang phục trên toàn quốc. Nhiều năm qua, Phủ Tùng Thiện Vương luôn vận động con cháu mặc áo dài trong các dịp lễ, Tết hay kỵ giỗ. Mới đây Phủ còn chi tiền may áo dài cho tất cả con cháu là nữ giới, qua đó mong muốn mọi người cùng bảo tồn và phát huy giá trị di sản áo dài của cha ông.

Tưởng nhớ tiền nhân, tri ân áo dài - Anh 3

 Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế dâng hương tri ân chúa Nguyễn Phúc Khoát tại lăng Trường Thái

Hướng đến một “Kinh đô Áo dài”

Chúa Nguyễn Phúc Khoát được xem là “ông tổ” của Áo dài và cùng với vùng đất Cố đô Huế chính là nơi “khởi đầu” cho quốc phục. Do vậy, vấn đề quan trọng hiện nay không chỉ là xây dựng thương hiệu Áo dài Huế mà còn cần lan tỏa nét đẹp văn hóa của cộng đồng đối với phục trang Áo dài ngay trên mảnh đất “tổ” của nó.

Những điều này sẽ là tiền đề để xây dựng một “Kinh đô Áo dài” mà ngành văn hóa tỉnh Thừa Thiên Huế đang lên kế hoạch triển khai. Góp ý tại hội thảo khoa học với chủ đề “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam” diễn ra vào chiều 8.7, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh: Cần phải khẳng định Áo dài Huế là một giá trị văn hóa độc đáo trong kho tàng di sản văn hóa Huế và chúng ta phải quyết tâm xây dựng thương hiệu Áo dài Huế như một tài sản trí tuệ độc sáng của vùng đất Cố đô. “Ngoài những nỗ lực tiếp tục mở rộng các phương thức hướng dẫn nữ sinh, vận động phụ nữ thường xuyên mang phục trang Áo dài thì Huế cần tổ chức các hoạt động quảng bá, tôn vinh vẻ đẹp của Áo dài Huế, khuyến khích xây dựng các show trình diễn Áo dài Huế, nâng chất lượng và gắn Lễ hội Áo dài ở mỗi kỳ Festival Huế với một không gian độc đáo của Quần thể Di tích Cố đô Huế...”, ông Hoa góp ý.

Tưởng nhớ tiền nhân, tri ân áo dài - Anh 4

 Bộ sưu tập Áo dài dưới thời nhà Nguyễn của nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng

Nhà nghiên cứu này cũng cho rằng, Áo dài phục sinh trên đất Huế chính là để làm giàu thêm cho Huế, giàu cả về những giá trị văn hóa và giàu lên nhờ dịch vụ Áo dài phát triển. Chính vì thế, địa phương cần xúc tiến thành lập Hiệp hội nghề may Áo dài và kinh doanh Áo dài Huế. Trong đó cần hình thành phố kinh doanh Áo dài Huế, hình thành các tiệm may Áo dài phục vụ du khách có đẳng cấp cao, tạo mối liên kết giữa các cơ sở du lịch và người làm dịch vụ may và kinh doanh Áo dài. Tìm kiếm các thị trường ngoại tỉnh cho các sản phẩm bộ Áo dài Huế “may sẵn”... Họa sĩ Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm CLB Đình Làng Việt cũng đề xuất một số phương án nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản Áo dài tại Huế. Theo đó, ông Bình cho rằng với các tư liệu, hiện vật, căn cứ khoa học từ các công trình nghiên cứu... cần sớm thành lập Bảo tàng Áo dài Việt Nam. Đây sẽ là sản phẩm du lịch khá thú vị cho du khách khi đến Huế. “Huế cần hình thành đội ngũ nghệ nhân lành nghề. Chúng tôi nhận thấy đây là yếu tố quan trọng và mấu chốt cho việc hình thành, phát triển và bảo lưu thương hiệu Huế - Kinh đô Áo dài Việt”, ông Bình đề xuất.

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ghi nhận những ý kiến đóng góp tâm huyết của các nhà nghiên cứu, đơn vị quản lý, các nghệ nhân, doanh nghiệp tại hội thảo để địa phương thấy được những thuận lợi và thách thức của thương hiệu Áo dài Huế hiện nay. Diễn đàn lần này sẽ góp phần tạo tiền đề để xây dựng hồ sơ công nhận Áo dài truyền thống Huế là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tiếp đến là đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

 Nếu như chúa Nguyễn Phúc Khoát có công khai sinh ra chiếc Áo dài thì vua Minh Mạng có công đưa Áo dài trở thành trang phục sử dụng phổ biến từ Bắc đến Nam, trong đó Huế giữ vị thế là kinh đô Áo dài.

(TS PHAN THANH HẢI, Giám đốc Sở VHTT Thừa Thiên Huế)

 SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc