Truyền thông đóng vai trò quan trọng trong quảng bá và bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử của bảo tàng
VHO - Ngày 20.8, tại TP.HCM, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với Cục Chính trị/Quân khu 7 tổ chức tập huấn nghiệp vụ Bảo tàng toàn quân năm 2024. Chương trình tập huấn kéo dài trong 3 ngày, từ 20-22.8.
Chương trình nhằm bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ về hoạt động truyền thông trong bảo tàng; cung cấp thông tin, phổ biến kinh nghiệm về công tác truyền thông của một số bảo tàng trong nước, quốc tế tới cán bộ, nhân viên trong hệ thống bảo tàng toàn quân.
Đây là hoạt động thường niên của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, nhằm nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, nhân viên bảo tàng toàn quân trong hoạt động truyền thông di sản văn hóa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Trong chương trình, cán bộ nhân viên trong hệ thống bảo tàng toàn quân được học tập, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động truyền thông ở bảo tàng qua 2 chuyên đề: Xu hướng truyền thông của các bảo tàng trên thế giới và Việt Nam; Kinh nghiệm tổ chức công tác truyền thông tại một số bảo tàng ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, các học viên còn tham gia hoạt động ngoại khoá với 2 nội dung: Học tập, trao đổi kinh nghiệm hoạt động truyền thông tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh và Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP.HCM; Học tập thực tế tại Trung tâm Sinh thái - Văn hóa - Lịch sử Chiến khu Đ (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai).
Chia sẻ về chuyên đề “Xu hướng truyền thông của các bảo tàng trên thế giới và Việt Nam”, TS Vũ Tuấn Anh - Trưởng khoa Truyền thông và văn hóa đối ngoại - Học viện ngoại giao, cho biết trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ 4.0, các bảo tàng trên thế giới và Việt Nam đang chuyển đổi mạnh mẽ về cách thức truyền thông và tiếp cận công chúng. Xu hướng truyền thông của các bảo tàng hiện nay tập trung vào việc tận dụng công nghệ số và mạng xã hội để tạo sự kết nối mạnh mẽ hơn với cộng đồng.
Một số bảo tàng lớn trên thế giới đã áp dụng công nghệ để cung cấp trải nghiệm tương tác phong phú cho khách tham quan, cho phép họ khám phá các hiện vật và triển lãm một cách sinh động và chi tiết hơn. Mạng xã hội cũng trở thành công cụ quan trọng giúp bảo tàng quảng bá sự kiện, triển lãm và chia sẻ những câu chuyện thú vị liên quan đến di sản văn hóa.
Tại Việt Nam, các bảo tàng cũng đang dần bắt nhịp với xu hướng này. Nhiều bảo tàng đã bắt đầu sử dụng các nền tảng trực tuyến để tổ chức triển lãm ảo, cung cấp thông tin qua ứng dụng di động và tương tác với công chúng thông qua các kênh mạng xã hội như Facebook, Instagram và YouTube. Điều này không chỉ giúp bảo tàng tiếp cận được một lượng khán giả rộng lớn hơn mà còn góp phần nâng cao nhận thức và giá trị của di sản văn hóa trong lòng cộng đồng.
Xu hướng truyền thông mới này đang mở ra nhiều cơ hội và thách thức, đòi hỏi các bảo tàng phải liên tục đổi mới và sáng tạo để giữ vững vai trò của mình trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa.
Chia sẻ một số kinh nghiệm thực tiễn trong công tác tổ chức hoạt động truyền thông bảo tàng, ThS Nguyễn Thị Thu Hương - Trưởng phòng Truyền thông, Đối ngoại - Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của truyền thông trong hoạt động của bảo tàng. Đây không chỉ là cầu nối giữa bảo tàng và công chúng mà còn là công cụ mạnh mẽ để bảo tồn, giới thiệu và quảng bá giá trị văn hóa, lịch sử.
Theo đó, truyền thông giúp bảo tàng tiếp cận và thu hút đối tượng khán giả rộng lớn hơn, từ các chuyên gia, học giả đến các gia đình và du khách. Bằng cách sử dụng các kênh truyền thông đa dạng như báo chí, truyền hình, mạng xã hội, và website, bảo tàng có thể quảng bá các triển lãm, sự kiện đặc biệt và các chương trình giáo dục, tạo sự hấp dẫn và khuyến khích sự tham gia của công chúng.
Bên cạnh đó, truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục và nâng cao nhận thức của công chúng về giá trị của di sản văn hóa và lịch sử. Truyền thông còn giúp bảo tàng xây dựng và củng cố thương hiệu. Một chiến lược truyền thông hiệu quả sẽ tạo nên hình ảnh tích cực, chuyên nghiệp và gần gũi, giúp bảo tàng tạo được niềm tin và sự yêu mến từ công chúng. Đồng thời, truyền thông cũng là phương tiện để bảo tàng kết nối với các đối tác, nhà tài trợ và cộng đồng quốc tế, mở rộng khả năng hợp tác và phát triển.
Dựa trên những kinh nghiệm tại thực tế tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và một số bảo tàng trong và ngoài nước, bà Nguyễn Thị Thu Hương đã chia sẻ những điều kiện cơ bản để tổ chức hoạt động truyền thông; quy trình tổ chức hoạt động truyền thông bảo tàng; nhiệm vụ và vai trò của cán bộ truyền thông…
Theo chuyên gia, truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá và bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử của bảo tàng. Thông qua các phương tiện truyền thông, bảo tàng có thể lan tỏa những thông điệp về di sản, văn hóa đến với công chúng một cách rộng rãi và sâu sắc.
Quy trình tổ chức hoạt động truyền thông đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả của nhiều kỹ năng và chiến lược. Từ việc xác định mục tiêu, đối tượng mục tiêu đến việc lựa chọn kênh truyền thông phù hợp, mọi khía cạnh đều cần được chú trọng để đạt được kết quả tốt nhất.