Bảo tàng TP.HCM “thay da đổi thịt”

THÙY TRANG

VHO - TP.HCM là một trong hai địa phương có nhiều bảo tàng nhất cả nước. Tính đến tháng 7.2024, TP có 19 bảo tàng, trong đó có 7 bảo tàng cấp tỉnh trực thuộc Sở VHTT quản lý, 4 bảo tàng trực thuộc Bộ, ngành Trung ương và 8 bảo tàng ngoài công lập.

Bảo tàng TP.HCM “thay da đổi thịt” - ảnh 1
Dự án tu bổ Bảo tàng Lịch sử TP.HCM và Đền Hùng dự kiến hoàn thành vào tháng 10.2024

Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, hệ thống thiết chế bảo tàng TP đang nỗ lực từng ngày để đáp ứng nhu cầu thực tiễn về phát triển ngành văn hóa trong thời kỳ mới.

Nhiều bảo tàng được đầu tư tu bổ

Tháng 10.2020, công trình trọng điểm “Xây dựng mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng” được khởi công với tổng kinh phí gần 300 tỉ đồng. Công trình chính gồm 1 tầng hầm và 4 tầng nổi, đến nay đã hoàn thành 100% tầng 1, tầng 3 và 4 đang thi công phần tranh sơn dầu, đai vách hộp hình, in ấn đồ họa… dự kiến hoàn thiện bàn giao vào tháng 9.2024.

Cùng với đó, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đang phối hợp với BQL đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP để thực hiện dự án trưng bày mở rộng với kinh phí 70 tỉ đồng; Bảo tàng Lịch sử TP phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích tiếp tục thi công tu bổ Bảo tàng Lịch sử TP.HCM và Đền Hùng; Bảo tàng HồChíMinh - Chi nhánh TP.HCM cũng đang phối hợp thực hiện dựán cải tạo, mởrộng…

Theo Phòng Quản lý Di sản văn hóa (Sở VHTT TP.HCM), việc hoàn thành các công trình này sẽ giúp cho các Bảo tàng đảm bảo cơ sở vật chất, đáp ứng đủ không gian trưng bày, giới thiệu hiện vật một cách có hệ thống, linh động và phong phú, cũng như bảo quản hiện vật đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn của bảo tàng học.

Tính đến nay, các bảo tàng trực thuộc Sở VHTT quản lý đã và đang lưu giữ 577.846 hiện vật, tài liệu (trong đó có 192.831 hiện vật gốc). Năm 2023, các bảo tàng đã sưu tầm được gần 3.000 hiện vật, hình ảnh và tài liệu khoa học, trong đó trên 1.600 hiện vật gốc. TP.HCM cũng đã phê duyệt việc mua 216 hiện vật cho 5 bảo tàng với tổng số tiền trên 8,4 tỉ đồng. Song song với hình thức mua hiện vật từ giới sưu tập tư nhân, các bảo tàng còn tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước hiến tặng hiện vật, thu được nhiều kết quả khả quan khi sưu tầm được hàng trăm hiện vật quý, có giá trị cao.

Ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở VHTT TP.HCM cho biết, đối với hoạt động của bảo tàng ngoài công lập, việc khuyến khích các tổ chức cá nhân cùng tham gia với nhà nước là một chủ trương đúng đắn trong công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa nói chung và hoạt động bảo tàng nói riêng. Hiện TP.HCM có 8 bảo tàng ngoài công lập, gồm: Bảo tàng Áo dài, Bảo tàng nghệ thuật Wada, Bảo tàng Sâm Ngọc Linh, Bảo tàng Y học cổ truyền, Bảo tàng Nghệ thuật Quang San, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, Bảo tàng Hoàng cung triều Nguyễn, Bảo tàng Trang sức 54 dân tộc Việt Nam. Hệ thống bảo tàng ngoài công lập thu hút đông đảo khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.

Bảo tàng TP.HCM “thay da đổi thịt” - ảnh 2
Học sinh tham quan và học tập chuyên đề tại Bảo tàng TP.HCM

Nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản

Sở VHTT TP.HCM đang mời góp ý dự thảo Nghị quyết quy định mức thu phí tham quan các bảo tàng trực thuộc Sở. So với mức vé cũ, giá mới tăng 20.000 đồng, đồng thời thực hiện chính sách không thu phí tham quan đối với một số bảo tàng, miễn phí đối với một số trường hợp và những ngày đặc biệt.

Thống kê cho biết, số lượng khách tham quan tại các bảo tàng có thu phí (giai đoạn từ 2018-2023) là gần 7,9 triệu lượt người, tổng doanh thu trên 203,5 tỉ đồng. Theo Sở VHTT, đây là nguồn thu quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho bảo tàng có thêm kinh phí để chủ động cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, đầu tư nội dung, hình thức, cải thiện giải pháp trưng bày, đa dạng chương trình hoạt động phục vụ du khách, đáp ứng nhu cầu tham quan và hưởng thụ văn hóa của công chúng.

Tuy nhiên, mức thu phí theo Nghị quyết 16 được áp dụng từ năm 2018 đến nay, so với mặt bằng giá cả chung đã lạc hậu và thấp hơn nhiều so với mức thu của các bảo tàng trong nước. Theo dự thảo, mức thu phí tham quan các bảo tàng trực thuộc Sở VHTT TP.HCM như sau: Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP.HCM, Bảo tàng Tôn Đức Thắng và Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ: Giữ nguyên chính sách không thu phí tham quan. Bảo tàng TP.HCM, Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố, Bảo tàng Lịch sử Thành phố: 50.000 đồng/người/lượt; Bảo tàng Chứng tích chiến tranh: 60.000 đồng/người/lượt…

Miễn phí tham quan đối với trẻ em dưới 6 tuổi, người khuyết tật, hộ nghèo, người có công với Cách mạng. Người dân thường trú trên địa bàn TP.HCM được miễn phí tham quan bảo tàng công lập trực thuộc Sở VHTT nhân dịp các ngày kỷ niệm, sự kiện của TP và đất nước theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM về tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng hằng năm. Người dân trong nước được miễn phí vào tham quan các bảo tàng công lập trực thuộc Sở VHTT TP.HCM nhân Ngày Quốc tế Bảo tàng 18.5, ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23.11. Các bảo tàng giảm 50% mức thu phí tham quan đối với các trường hợp: HSSV, người cao tuổi theo quy định của Luật Người cao tuổi…

Theo Tờ trình dự thảo, dự kiến nguồn thu phí tham quan sẽ tăng khoảng 10 tỉ đồng sau khi TP triển khai điều chỉnh mức thu phí mới. Được biết, nguồn thu này chiếm tỷ lệ trung bình khoảng 12,72% tổng nguồn thu của đơn vị, giúp bổ sung một phần chi phí bảo quản, tu bổ, phục hồi và quản lý cơ sở vật chất, đầu tư cho chuyên môn.

Chia sẻ câu chuyện điều chỉnh thu phí tham quan bảo tàng, TS Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM bày tỏ: “Với mức thu phí quá ít như hiện nay, các bảo tàng đang bị hạn chế điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, chất lượng chuyên môn để tăng trải nghiệm, thu hút công chúng đến với bảo tàng. Quy định mức phí tham quan mới phù hợp với sự phát triển của xã hội, tăng chất lượng phục vụ, góp phần tái đầu tư cơ sở vật chất, chuyên môn, giảm chi từ ngân sách; đáp ứng nhu cầu thực tiễn về phát triển ngành văn hóa của Thành phố”. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc