Hà Nội:
Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 33 về phát triển văn hóa, con người
VHO - Sáng 6.11, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9.6.2014 của BCH Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông dự Hội nghị.
Theo báo cáo tại Hội nghị, trong 10 năm qua, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức, song trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, thành phố đã ra sức phấn đấu, tạo sự chuyển biến tích cực với những kết quả nổi bật.
Cụ thể, Thành ủy Hà Nội tiếp tục quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo những chủ trương, quan điểm về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam của Trung ương; kế thừa và phát huy tốt những thành tựu đạt được sau 15 năm Hà Nội thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII; khẳng định cách làm sáng tạo, hiệu quả và phù hợp với tình hình cụ thể của Hà Nội, từng bước đáp ứng yêu cầu cũng như xu thế của thời đại.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai được thực hiện nhất quán từ thành phố tới cơ sở gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị các cấp; chú trọng xây dựng đội ngũ làm công tác văn hóa, tăng cường nguồn lực cho văn hóa.
Qua đó, nhận thức, ý thức, trách nhiệm của đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô về vị trí, vai trò và nhiệm vụ phát triển văn hoá, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã được nâng lên rõ rệt. Sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Nội đã có bước phát triển mạnh mẽ, khá toàn diện, đạt và vượt chỉ tiêu trên nhiều lĩnh vực.
Công tác quy hoạch và quản lý nhà nước về văn hóa ngày càng đi vào nền nếp, từng bước nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý. Chú trọng thể chế hóa, tạo hành lang pháp lý cần thiết cho hoạt động văn hóa, thu hút mạnh mẽ nhiều nguồn lực của xã hội tham gia vào tiến trình thúc đẩy quá trình xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.
Đặc biệt, thành phố luôn quan tâm tới xây dựng chiến lược, tầm nhìn phát triển văn hóa phù hợp với xu thế của thời đại như việc thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO.
Công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa Hà Nội được chú trọng. Nhiều công trình văn hóa được đầu tư, tôn tạo và phát huy vai trò đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân Thủ đô.
Hà Nội là đơn vị đi đầu trong cả nước về tiến hành tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể góp phần làm rõ hơn bản sắc văn hoá Thủ đô nghìn năm văn hiến. Việc củng cố xây dựng và hoàn thiện thể chế và chính sách văn hóa trên địa bàn thành phố luôn được chú trọng.
Hoạt động giao lưu, hợp tác về văn hóa giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế có nhiều khởi sắc. Công tác tuyên truyền, quảng bá về lịch sử, văn hóa của Hà Nội trên lĩnh vực thông tin đối ngoại có nhiều đổi mới, đạt hiệu quả cao.
Chất lượng của các hoạt động văn hoá, văn nghệ ngày càng được đổi mới và nâng cao; sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật phong phú, đa dạng. TP Hà Nội với vai trò là cơ quan thường trực chủ trì đã tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị, văn hóa lớn của đất nước và Thủ đô để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân cả nước và bạn bè quốc tế.
Đặc biệt, Thành phố luôn quan tâm chăm lo và phát huy được trách nhiệm, tình yêu Hà Nội của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức, cộng đồng xã hội trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Nội.
Tạo không gian và điều kiện cho các trào lưu văn hóa mới và tích cực xuất hiện và phát triển từ cộng đồng với nhiều hình thức phong phú, đa dạng góp phần bồi đắp thêm tinh thần nhân văn, nhân ái, nghĩa tình, khoan dung, nâng cao ý thức sống có trách nhiệm với xã hội của người dân Hà Nội.
Bên cạnh một số kết quả đã đạt được, Thành ủy Hà Nội cũng cho biết, việc triển khai thực hiện Nghị quyết còn tồn tại một số hạn chế. Trong đó, nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa, nghệ thuật còn khiêm tốn. Cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển văn hóa, nghệ thuật còn chưa đồng bộ.
Cùng với đó, việc xây dựng người Hà Nội phát triển toàn diện chưa tương xứng với yêu cầu phát triển của Thủ đô ngàn năm văn hiến và xu hướng phát triển của thời đại.
Việc tập trung các điều kiện để đầu tư toàn diện cho con người với tư cách là chủ thể sáng tạo văn hóa chưa tương xứng với tầm vóc của Thủ đô.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định, khi có Nghị quyết 33-NQ/TW, Hà Nội đã triển khai nghiêm túc, vận dụng sáng tạo trên tinh thần nêu cao vai trò, trách nhiệm của Thủ đô.
Theo đó, không chỉ thực hiện nghiêm mà thành phố còn rất sáng tạo, bám sát yêu cầu tình hình thực tiễn của Thủ đô. Cụ thể, thành phố đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, quyết sách như ban hành 2 bộ tiêu chí góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Hà Nội cũng là địa phương mạnh dạn đưa môn giáo dục nếp sống thanh lịch văn minh của người Hà Nội vào hệ thống giáo dục phổ thông, trong đó có nội dung Hà Nội học vào các nhà trường, đưa thí điểm sân khấu vào học đường để giáo dục học sinh.
Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22.2.2022 về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Từ khi ban hành đến nay, lĩnh vực công nghiệp văn hóa đã xác định đúng, trúng các tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND thành phố, Sở VHTT, các sở, ban, ngành của thành phố quan tâm lãnh đạo để sớm cụ thể hóa Luật Thủ đô 2024 trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Phải quyết tâm xây dựng và phát triển văn hóa Hà Nội thực sự tiêu biểu cho văn hóa cả nước với việc triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp rất quan trọng về phát triển văn hóa, con người.
Đồng thời, tiếp tục rà soát, bổ sung quan điểm, tư tưởng, định hướng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người trên cơ sở những kết quả đã đạt được của các cơ quan, đơn vị, địa phương để các quận, huyện, thị xã, các ngành cập nhật vào quy hoạch của ngành mình, để sắp tới khi 2 quy hoạch được phê duyệt sẽ triển khai đồng bộ.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa theo hướng liên thông và tích hợp thành hệ thống.
Lưu ý đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, quản lý văn hóa một cách chuyên nghiệp còn thiếu, hạn chế, do đó bỏ lỡ nhiều cơ hội, không khích lệ được sự sáng tạo trong xã hội, Phó Bí thư Thành ủy yêu cầu, phải quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa.
Cùng với đó, mạnh dạn nghiên cứu và thử nghiệm các chính sách mới liên quan đến vấn đề văn hóa để phát huy hết các tiềm năng, thế mạnh, nhất là đầu tư công, quản trị tư, nhượng quyền, liên kết.
Ông Nguyễn Văn Phong cũng đề nghị phải tiếp tục đẩy mạnh giao lưu, hợp tác quốc tế trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục bởi đây vừa lợi thế và cũng là trách nhiệm của Hà Nội với cả nước.