Sớm có giải pháp bảo tồn di tích tháp đôi Liễu Cốc
VHO - Đến thời điểm hiện tại, tháp đôi Liễu Cốc là di tích duy nhất ở Việt Nam có hai đền tháp thờ chính. Cùng với nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật kiến trúc độc đáo, di tích quốc gia này cần sớm có giải pháp bảo vệ khẩn cấp và định hướng bảo tồn, tu bổ, phát huy giá trị lâu dài.

Ngày 8.7, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Sở VHTT TP Huế tổ chức báo cáo kết quả sơ bộ về khai quật khảo cổ giai đoạn hai di tích quốc gia tháp đôi Liễu Cốc (phường Kim Trà, TP Huế).
Khu đền tháp độc đáo ở Việt Nam
Trong khoảng 1,5 tháng, tại di tích tháp đôi Liễu Cốc, nhóm khai quật đã mở hai hố khai quật có tổng diện tích 60m2, cùng hai hố thăm dò với diện tích 6m2 ở phía Bắc của tháp Bắc và phía Nam của tháp Nam, nhằm tìm vị trí, quy mô, cấu trúc tường bao quanh của khu đền tháp và dấu tích vết đền tháp thứ ba (nếu có).
Về kỹ thuật xây dựng, hai tháp đều được xử lý gia cố nền bằng đất sét pha cát, bề mặt đầm chắc bằng đất laterite màu đỏ sẫm. Toàn bộ kiến trúc sử dụng vật liệu chủ yếu là gạch, các lớp gạch lãnh được xây xếp bên ngoài, lõi tường bên trong đa phần là gạch vỡ; gạch được xếp so le với mạch liên kết là đất sét mịn pha loãng.
Ông Nguyễn Ngọc Chất, Phó Phòng Nghiên cứu sưu tầm (Bảo tàng Lịch sử quốc gia) thông tin: Đợt khai quật giai đoạn hai tiếp tục tái khẳng định tháp đôi Liễu Cốc được xây dựng từ thế kỷ IX đến đầu thế kỷ X. Trong đó, tháp Bắc được xây dựng trước và tháp Nam xây sau khoảng 10-20 năm.
Qua kết cấu địa tầng cho thấy, hai tháp gần như không có sự chênh lệch về cao độ, nhưng tháp Nam lại được xây dựng quy mô hơn tháp Bắc khoảng 0,4m và tịnh tiến lệch về phía Đông so với tháp Bắc là 0,2m. Các trang trí trên tường của hai tháp có sự khác biệt về tạo tác trang trí cột, trụ tường và trụ cửa giữa; các đường xoi rãnh ở tháp Nam cầu kỳ và hoàn mỹ hơn tháp Bắc.
“Đến nay, tháp đôi Liễu Cốc là di tích duy nhất ở Việt Nam có hai đền tháp thờ chính, thông thường chỉ có một hoặc ba tháp thờ chính. Chúng tôi đã có nhiều nghiên cứu về di tích Chăm Pa ở miền Trung, nhưng chưa có nơi nào có hai tháp thờ chính”, ông Chất cho biết.
Cùng với đó, đợt khai quật lần hai này đã thu được 9.380 tiêu bản và mảnh hiện vật, trong đó tập trung chủ yếu là các loại vật liệu kiến trúc, trang trí kiến trúc, các mảnh bia, đồ gốm men, đồ sành, đồ đất nung và các mảnh kim loại đồng.

Cần có giải pháp khẩn cấp
Quá trình khai quật khảo cổ tại di tích quốc gia tháp đôi Liễu Cốc đã chịu ảnh hưởng bởi đợt mưa lũ bất thường hồi tháng 6. Rất may, khu vực hai tháp Bắc và tháp Nam nằm trên gò đất cao hơn so với đường đi nên không làm xáo trộn hiện trường. Tuy nhiên, đây cũng là nguy cơ lâu dài, vì thời tiết mưa bão ở Huế và miền Trung rất khắc nghiệt.
Theo đại diện các cơ quan liên quan, các nhà nghiên cứu có mặt tại buổi khảo sát hiện trường khảo cổ di tích tháp đôi Liễu Cốc, cần có các giải pháp để đảm bảo an toàn cho di tích sau khi khảo cổ. Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, ngành Văn hóa và chính quyền địa phương cần đề xuất một dự án mang tính khẩn cấp, nếu không qua các đợt mưa lũ nguy cơ phá hủy thành quả mà thời gian qua đã khảo cổ, bảo vệ.
Ngoài ra, phường Kim Trà cũng cần tính toán, cân nhắc không cho phép người an táng và xây dựng kiên cố lăng mộ ở xung quanh di tích này, để trong tương lai còn tạo ra không gian di sản văn hóa của địa phương.
TS Phan Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP Huế cho hay, đoàn khai quật và Sở VHTT cùng các đơn vị liên quan cần sớm tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu cho di tích tháp đôi Liễu Cốc; đồng thời tăng cường tuyên truyền, giáo dục trong dân cư địa phương và lan tỏa đến cộng đồng, các thế hệ học sinh sinh viên.
Đại diện chính quyền địa phương, ông Châu Viết Thành, Bí thư Đảng ủy phường Kim Trà cho biết: Trước đây, khi còn cấp huyện, thị xã Hương Trà đã rất quan tâm di tích tháp đôi Liễu Cốc nhưng do vướng mắc, khó khăn nên chỉ mới triển khai một số hạng mục chỉnh trang bên ngoài. “Những nội dung trong thẩm quyền của phường, chúng tôi sẽ cho triển khai sâu rộng và sẽ có giải pháp để tránh việc kiên cố hóa lăng mộ ở khu vực xung quanh di tích”, ông Thành khẳng định.
Nhiều ý kiến của chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục tổ chức mở rộng diện tích khảo cổ tháp đôi Liễu Cốc để làm rõ thêm các nội dung liên quan đến cấu trúc mặt bằng nền móng tháp cổng, đền tháp Bắc; có hay không đền tháp cổng của đền tháp Nam; có hay không tháp bia và tháp hỏa; có hay không kiến trúc nhà dài, tiền đường ở phía ngoài; xác định dấu vết tường bao quanh phía Tây; mối liên hệ kết nối hệ thống đường đi nội bộ trong di tích; giải mã vị trí và vai trò của tháp đôi Liễu Cốc với hệ thống di tích Chăm Pa ở lưu vực sông Bồ…
Giám đốc Sở VHTT TP Huế Phan Thanh Hải cho biết, hai đợt khai khảo cổ vừa qua chỉ chiếm khoảng 6% diện tích quy hoạch của khu di tích tháp đôi Liễu Cốc. Thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với một số đơn vị liên quan xây dựng phương án tiếp tục mở rộng khai quật làm rõ hơn toàn bộ cấu trúc của các tháp, làm rõ các thông tin chưa rõ hoặc còn nghi ngờ. Đồng thời, xây dựng phương án chi tiết để bảo tồn, phát huy giá trị di tích; trước mắt, đề xuất có nhà che để đảm bảo an toàn trước điều kiện thiên tai khắc nghiệt.
“Chúng tôi sẽ hỗ trợ tập huấn cho cán bộ địa phương ở phường Kim Trà để góp phần tuyên truyền, quảng bá, giáo dục di sản đến cộng đồng. Ngoài ra, Sở cũng sẽ phối hợp nắm rõ các giá trị gắn liền với câu chuyện văn hóa của di tích này để góp phần xây dựng điểm đến du lịch”, ông Hải thông tin.