Những giải thưởng cao quý trong lòng dân tộc
VHO - Chiêm ngưỡng gần 50 tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh của các tác giả vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước đang trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, người xem có dịp sống lại trong dòng cảm xúc tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc, về những khoảnh khắc vô giá trên từng tác phẩm.
Triển lãm “Tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh của các tác giả được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước năm 2022” là sự kiện đặc biệt được Bộ VHTTDL chỉ đạo Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9.
Những dấu ấn lịch sử
Tại triển lãm, công chúng có cơ hội được chiêm ngưỡng 47 tác phẩm (26 tác phẩm mỹ thuật, 21 tác phẩm, cụm tác phẩm nhiếp ảnh) của 26 tác giả được tặng, truy tặng Giải thưởng. Rất nhiều trong số đó là những tác phẩm mang dấu ấn lịch sử hào hùng, phản ánh những thời khắc lịch sử vô giá của dân tộc.
Trong số 128 tác giả, đồng tác giả được tặng, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2022, giới mỹ thuật, nhiếp ảnh có 26 tác giả được tặng, truy tặng Giải thưởng. Ba tác giả được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh gồm họa sĩ Bùi Trang Chước, NSNA Võ Nguyên Nhân, Chu Chí Thành. 23 tác giả được tặng Giải thưởng Nhà nước gồm các họa sĩ Nguyễn Văn Chung, Trần Đông Lương, Nguyễn Tài Lương, Nguyễn Minh Mỹ, Nguyễn Văn Giáo, Hoàng Sùng, Đinh Gia Thắng, Trịnh Hoàng Tân; Nghệ nhân Nguyễn Đăng Sần; cùng các NSNA Nguyễn Á, Nguyễn Xuân Át, Nguyễn Đặng, Nguyễn Hữu Lộc, Lâm Hoàng Thanh Liêm, Ngô Minh Nhật, Nguyễn Hoàng Nẫm, Trần Văn Giác, Lương Huệ Quân, Hồ Sỹ Sô, Đinh Quang Thành, Phạm Văn Thính, Trần Văn Tuấn, Lê Vấn.
“Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT là phần thưởng cao quý dành cho tác phẩm đặc biệt xuất sắc, có giá trị cao về VHNT, về nội dung tư tưởng. Giải thưởng là sự ghi nhận và đánh giá của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với văn nghệ sĩ, trí thức đã có nhiều cống hiến, vì sự phát triển của nền văn học nghệ thuật nước nhà…”, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông khẳng định. 47 tác phẩm được trưng bày trang trọng tại triển lãm nhằm một lần nữa tôn vinh những thành tựu xuất sắc trong sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật của các họa sĩ, nhà điêu khắc, nghệ sĩ nhiếp ảnh đã có đóng góp tích cực cho sự phát triển của nền VHNT Việt Nam nói chung và ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh nói riêng. Các tác phẩm được trao Giải thưởng là những tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật của mỗi tác giả, được Hội đồng chuyên môn đánh giá cao, được Nhà nước ghi nhận. Đó là những tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh mang giá trị nghệ thuật cao, nội dung tư tưởng sâu sắc, phản ánh chân thực, đậm nét những giai đoạn lịch sử của dân tộc.
Một trong những tác phẩm tạo ấn tượng và níu bước chân người xem tại triển lãm là tác phẩm Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang, gồm 10 ảnh của NSNA Võ An Khánh (Võ Nguyên Nhân) được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT năm 2022. Tác phẩm được công bố trước năm 1975. Bộ ảnh chuyển tải thông điệp những đóng góp to lớn về công sức, máu xương của tầng lớp phụ nữ trong thời kỳ kháng chiến cam go, ác liệt cho đến ngày chiến thắng vẻ vang của dân tộc. Những người phụ nữ ấy vừa là hậu phương vững chắc, vừa là những chiến binh kiêu hãnh, quả cảm khi đối mặt với quân xâm lược. Họ xứng đáng với tám chữ vàng “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang” mà Bác Hồ đã dành tặng. Cụm tác phẩm Địch phá, ta cứ đi gồm năm ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh, nguyên phóng viên TTXVN Đinh Quang Thành được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2022. Nhà nhiếp ảnh Đinh Quang Thành cho biết, trong chiến tranh chống Mỹ, ông thường trú ở Nam Định, một địa bàn giao thông trọng yếu ở miền Bắc. Quãng thời gian đó, ông bám trụ tại các trọng điểm giao thông của Nam Định để chụp ảnh. Những bức ảnh không ai có thể chụp được đó phản ánh sức chiến đấu kiên cường, sự sáng tạo không ngừng của các lực lượng vũ trang hiệp đồng tác chiến, của đội ngũ kỹ sư, công nhân kỹ thuật làm cầu phà, của thanh niên xung phong san lấp hố bom, mở đường cho xe qua.
Động lực thôi thúc ngọn lửa sáng tạo
Là tên tuổi có nhiều đóng góp lớn lao cho nền mỹ thuật nói riêng, VHNT nước nhà nói chung, cố họa sĩ Bùi Trang Chước (Nguyễn Văn Chước) được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT năm 2022 với thiết kế mẫu Huân chương - Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động; thiết kế mẫu Quốc huy Việt Nam và tác phẩm Khu gang thép Thái Nguyên. Tại triển lãm, người xem một lần nữa có được cơ hội quý giá để chiêm ngưỡng những tác phẩm đặc biệt này của họa sĩ Bùi Trang Chước, được trưng bày trang trọng tại vị trí trung tâm.
Xúc động đứng trước những tác phẩm của cha được trưng bày tại triển lãm, con gái cố họa sĩ Bùi Trang Chước, bà Nguyễn Thị Minh Thủy (tức Bùi Minh Thủy) bộc bạch, triển lãm vinh danh các tác giả, tác phẩm lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT là hoạt động vô cùng ý nghĩa nhân kỷ niệm ngày Quốc khánh 2.9 của đất nước. “Một lần nữa, các thành viên trong gia đình tôi thực sự cảm nhận được những xúc cảm tự hào, thiêng liêng khi xem lại những tác phẩm mà bố tôi đã bền bỉ, dày công sáng tạo nên. Đó là những tác phẩm có giá trị đặc biệt mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã ghi nhận, bố tôi đã vinh dự được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý”. Bà Thủy cho biết, bông lúa là một hình tượng chủ đạo trong toàn bộ các mẫu vẽ của họa sĩ Bùi Trang Chước. Để có được hình tượng bông lúa rủ xuống một cách sinh động nhất, họa sĩ đã nhiều lần phải lội xuống ruộng để ngắm bông lúa ở nhiều góc độ khác nhau. Bà Thủy bồi hồi nhớ lại quãng thời gian họa sĩ Bùi Trang Chước sáng tác mẫu Quốc huy. Quãng thời gian năm 1953-1955, họa sĩ đã tập trung sáng tác mẫu Quốc huy, được Quốc hội thông qua vào tháng 9.1955 và trở thành mẫu Quốc huy được chính thức sử dụng. “Trong suốt thời gian kháng chiến và qua nhiều năm tháng, các tác phẩm được kỳ công sáng tác cũng đồng thời được bố tôi gìn giữ, bảo quan rất cẩn thận. Đến nay, gia đình chúng tôi đã gửi tặng Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III toàn bộ những tác phẩm gốc của ông, từ mẫu Quốc huy đến các mẫu Huân, Huy chương… Có thể nói, cả cuộc đời sáng tác của cha tôi đều được gia đình gửi gắm tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III với niềm tin tất cả những tác phẩm quý giá đó sẽ luôn được gìn giữ, bảo quản và phát huy cẩn thận, hiệu quả…”, con gái họa sĩ bộc bạch.
Nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng (Giải thưởng Nhà nước) thay mặt các tác giả
được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước bày tỏ, những Giải thưởng cao quý này là niềm vinh dự, tự hào của mỗi tác giả, là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước về những đóng góp cho nền VHNT nước nhà. “Giải thưởng là động lực lớn lao để chúng tôi tiếp tục giữ được ngọn lửa sáng tạo, giữ được cảm xúc mạnh mẽ để vượt qua chính mình, có được thêm những tác phẩm xuất sắc, lan tỏa những giá trị nghệ thuật vào cuộc sống, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, khơi dậy lòng yêu nước và lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước, hướng công chúng đến vẻ đẹp Chân, Thiện, Mỹ”, nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng bộc bạch.
Triển lãm Tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh của các tác giả được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước năm 2022 sẽ mở cửa đến hết ngày 8.9.