Dự án tu bổ, tôn tạo di tích Thành cổ Diên Khánh (Khánh Hòa):

Nhiều sai phạm trong đấu thầu

XUÂN HƯỚNG

VHO - Ban Quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa vừa đề nghị các chi nhánh Ngân hàng thu hồi số tiền bảo lãnh dự thầu, nộp ngân sách nhà nước tại gói thầu thi công xây dựng, thiết bị thuộc Dự án tu bổ, tôn tạo di tích Thành cổ Diên Khánh, do vướng sai phạm trong công tác đấu thầu.

Nhiều sai phạm trong đấu thầu - ảnh 1
Cổng vào Thành cổ Diên Khánh

 Trao đổi với phóng viên Văn Hóa, ông Nguyễn Thanh Hiến, Giám đốc Ban Quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa, chủ đầu tư Dự án tu bổ, tôn tạo di tích Thành cổ Diên Khánh cho biết: Ban Quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa đề nghị Ngân hàng Thương mại cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam - Chi nhánh Thủ Đô và Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á - Chi nhánh Nha Trang và liên danh hai nhà thầu (Công ty cổ phần Xây lắp và Thương mại Tùng Lâm và Công ty TNHH Xây dựng và Đầu tư, hai thành viên đứng đầu các liên danh) nghiêm túc thực hiện nộp ngân sách nhà nước khoản bảo lãnh dự thầu với số tiền hơn 3,1 tỉ đồng.

Trước đó, hai liên danh khác gồm các thành viên: Công ty cổ phần kỹ thuật - xây dựng Ngũ Thường; Công ty cổ phần Xây dựng số 1 Việt Quang; Công ty cổ phần Mỹ thuật Trung ương; Công ty TNHH Phòng cháy chữa cháy Tiến Phát; Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng giao thông Khánh Hòa, Công ty TNHH Cơ điện Khánh Hòa, Công ty cổ phần xây dựng Công trình văn hóa thể thao và du lịch đã chủ động nộp bảo lãnh dự thầu với tổng số tiền là hơn 3,1 tỉ đồng về tài khoản của Ban Quản lý dự án phát triển tỉnh để nộp ngân sách theo quy định. Sở dĩ các liên danh nhà thầu phải nộp tiền bảo lãnh dự thầu đối với gói thầu thi công xây dựng, thiết bị thuộc Dự án tu bổ, tôn tạo di tích Thành cổ Diên Khánh là do trong quá trình chấm lựa chọn nhà thầu, đơn vị tư vấn phát hiện bốn liên danh với các doanh nghiệp thành viên tham gia đã vi phạm quy định của Luật đấu thầu. Các Công ty này có hành vi làm giả hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu trong đấu thầu; gian lận trong quá trình dự thầu. Ban Quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa cũng báo cáo Sở KH&ĐT tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh xem xét xử lý hành chính đối với những đơn vị này. Ban Quản lý này cũng đã tổ chức đấu thầu lại và đã lựa chọn được nhà thầu mới thi công dự án Thành cổ Diên Khánh.

Nhiều sai phạm trong đấu thầu - ảnh 2
Khuôn viên di tích Thành cổ Diên Khánh nhìn từ trên cao

Ông Nguyễn Thanh Hiến cho biết: Nội dung vi phạm là giả mạo hồ sơ đến mức hủy thầu đến nay đã hủy thầu. Theo quy định của Luật đấu thầu, trước mắt, phải thu hồi số kinh phí bão lãnh dự thầu nộp về Ban, sau đó, Ban sẽ nộp vào Ngân sách nhà nước. Ban đã nộp vào ngân sách 3,1 tỉ đồng. Việc xử lý vi phạm là theo Luật đấu thầu theo quy định hạn chế đấu thầu 3-5 năm, Ban đã đề xuất 3 năm, đã báo cáo Sở KH&ĐT, cơ quan này đang xử lý.

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích Thành cổ Diên Khánh, huyện Diên Khánh có tổng mức đầu tư hơn 166 tỉ đồng, từ ngân sách nhà nước do Ban Quản lý Dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô 12 hạng mục, trong đó trùng tu, bảo tồn nguyên gốc tuyến thành đất dài 2.500m, đỉnh thành rộng hơn 4m, lối đi lát gạch rộng 2,6m... Các công trình xây dựng mới là đường dài 2.000m, rộng 6m chạy sát chân thành; cầu vòm bắc qua hào nước; các tiểu công viên, chỉnh trang cầu tại các cổng thành; nạo vét bùn đất và vệ sinh lòng hào, mái hào và chống thấm thành hào...

Theo lãnh đạo UBND huyện Diên Khánh, tổng diện tích đất trong khu vực Thành cổ Diên Khánh hơn 251.768m². Dự án sẽ giải tỏa khoảng 55.451m² đất thành cổ, hơn 39.000m² đất cơ quan đoàn thể, hơn 105.250m² đất các hộ dân đang sử dụng. Trước đó, Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) lưu ý đối với việc phục hồi tuyến thành đất và nạo vét, chống thấm hào ở Thành cổ Diên Khánh ưu tiên phương pháp thủ công, hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới (máy ủi, máy đào), nhất là tại các vị trí gần cổng thành, góc thành. Đối với việc tôn tạo các cầu cổng và xây dựng cầu cổng Bắc, lưu ý bổ sung thuyết minh lý do đề xuất hình thức lan can cầu cổng Tây khác với lan can các cầu còn lại. Cục Di sản văn hóa cũng đề nghị việc tôn tạo các gò đất tại tiểu công viên 1, 2 và 5, các vị trí trồng cỏ tại mái gò không làm dốc phẳng và tạo ra cung tròn hoàn chỉnh, mà cần tạo thành các mái dốc bám theo đường đồng mức tự nhiên, chỉ san gạt cục bộ để tôn trọng tối đa địa hình hiện trạng.

Đối với phương án chiếu sáng lưu ý bổ sung thuyết minh để làm rõ sự phù hợp của mẫu cột đèn chiếu sáng tổng thể, chiếu sáng sân vườn với di tích. Lựa chọn màu sắc các thiết bị kỹ thuật đảm bảo phù hợp với từng vị trí lắp đặt, hài hòa với cảnh quan thành cổ.