Gian nan việc trùng tu thành cổ Diên Khánh

VHO - Sau thời gian dài bị trì hoãn, mới đây UBND tỉnh Khánh Hòa đã đốc thúc Sở VHTT phối hợp các đơn vị liên quan họp bàn cụ thể, có phương án tháo gỡ vướng mắc, trình UBND tỉnh xem xét sớm triển khai dự án tu bổ, tôn tạo thành cổ Diên Khánh.

Gian nan việc trùng tu thành cổ Diên Khánh - Anh 1

 Cổng thành cổ Diên Khánh (thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa

 Dự án tu bổ, tôn tạo di tích thành cổ Diên Khánh sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2022-2025, với tổng diện tích 151.000m2, kinh phí đầu tư hơn 166,8 tỉ đồng, do Ban Quản lý dự án Phát triển tỉnh làm chủ đầu tư. Dự án gồm các hạng mục như: Tu bổ, tôn tạo, phục hồi tuyến thành đất; xây mới tuyến đường lát gạch thẻ nằm ngoài ranh giới bảo vệ trong thành; xây dựng 3 bãi đậu xe, 2 khu nhà vệ sinh công cộng, 1 cầu vòm bắc qua hào nước ở cổng phía Bắc, 5 tiểu công viên; chỉnh trang hình thức các cầu ở cổng Tiền, Đông, Tây; nạo vét bùn đất và vệ sinh lòng hào, mái hào nước, trồng cây xanh…

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án đã phát sinh vấn đề liên quan đến tuyến đường giao thông như tọa độ, tim đường, kết cấu, chiều rộng đường, vỉa hè không đồng nhất với quyết định số 438, ngày 18.2.2016 của UBND tỉnh Khánh Hòa về điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu trung tâm thị trấn Diên Khánh. Ngoài ra, hơn 30 hộ dân đã xây nhà, làm vườn trong khuôn viên dự án nhiều năm nhưng vẫn chưa thực hiện giải tỏa, di dời các hộ dân đến nơi khác trả lại đất di tích cho dự án.

Ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa cho biết, để bảo vệ các hạng mục của di tích quốc gia thành cổ Diên Khánh, năm 2003-2004, UBND tỉnh Khánh Hòa đã tiến hành trùng tu, sơn sửa bốn cổng di tích, gia cố những nơi bị nứt tường, giột nước mưa và phục hồi 400m tường thành bằng đất. Năm 2004, đặt bia di tích ở cổng Đông. Năm 2010, phục hồi hơn 1.000m tường thành, làm đường bê tông ngoài hào và điện chiếu sáng. Đến nay nhiều hạng mục của di tích quốc gia thành cổ Diên Khánh vẫn tiếp tục xuống cấp. Để bảo tồn phát huy giá trị thành cổ này, năm 2018 HĐND tỉnh Khánh Hòa cũng có Nghị quyết số 33 phê duyệt đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo di tích thành cổ Diên Khánh, kinh phí 75,6 tỉ đồng. Sau đó, Sở VHTT lập dự án để trình tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, do các nguyên nhân khách quan như chi phí đền bù giải tỏa tăng, giá cả vật tư tăng... đã làm tổng mức đầu tư tăng, đồng thời do các quy định về Luật Đầu tư công có sự thay đổi. Đến tháng 8.2020, để đảm bảo tính khả thi và thực hiện theo quy định về đầu tư, tỉnh có Tờ trình gửi HĐND tỉnh Khánh Hòa bãi bỏ Nghị quyết số 33 để thực hiện lại dự án theo quy định Luật Đầu tư công 2019. Tháng 4.2022, HĐND tỉnh Khánh Hòa thông qua Nghị quyết số 06, phê duyệt dự án có tổng mức đầu tư 166,8 tỉ đồng, thời gian thực hiện của dự án là 2022-2025.

Gian nan việc trùng tu thành cổ Diên Khánh - Anh 2

 Nhiều khu vực di tích thành cổ Diên Khánh đã bị người dân xây nhà ở nhiều năm

Mới đây, sau khi họp và lấy ý kiến của các Sở, ngành, địa phương liên quan, Sở VHTT đề nghị UBND tỉnh xem xét chỉ đạo thực hiện triển khai dự án theo đúng các nội dung đã được HĐND tỉnh thông qua; đề nghị UBND huyện phối hợp với Sở VHTT, Ban Quản lý dự án Phát triển tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan để cập nhật dự án vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Diên Khánh đến năm 2040 và điều chỉnh quy hoạch phân khu 1/2000 Khu trung tâm thị trấn Diên Khánh; cho phép chủ đầu tư dự án được thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng dự án trong thời gian chờ lập, thẩm định và phê duyệt triển khai thực hiện.

Ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa giao nhiệm vụ cho Sở VHTT, UBND huyện Diên Khánh, Ban Quản lý dự án Phát triển tỉnh xác định loại đất, chủ sở hữu đất ở những khu vực đất phát sinh trong phạm vi dự án; các cơ quan liên quan cần họp bàn cụ thể, thực hiện theo đúng quy trình để triển khai dự án. Trước ngày 1.10, phải hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án trình UBND tỉnh xem xét; đến tháng 12.2023, hoàn chỉnh hồ sơ…

Thành cổ Diên Khánh là một trong những di tích lịch sử, văn hóa có giá trị bậc nhất của xứ Trầm Hương, được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa quốc gia năm 1988. Thành cổ được xây dựng và hoàn thành vào năm 1793, trên diện tích khoảng 36.000m2 là một quần thể kiến trúc quân sự theo kiểu Vauban, một hình mẫu thành quân sự phổ biến ở Tây Âu vào thế kỷ XVII, XVIII. Thành cổ Diên Khánh có hình lục giác nhưng các cạnh không đều nhau, tường thành đắp bằng đất cao khoảng 3,5m. Bên ngoài tường thành là hào nước sâu từ 3m - 5m, rộng từ 20m-30m, hợp cùng với những hàng tre gai trên tường thành tạo nên hàng rào phòng ngự bao quanh bảo vệ thành theo truyền thống người Việt. Khu nội thành được xây dựng giống như một kinh thành thu nhỏ với hoàng cung, cột cờ, dinh Tuần vũ, dinh Án sát, dinh Lãnh binh và phía dưới là dinh quan Tham tri. Ngoài ra, trong thành còn có một dãy nhà kho đồ sộ và một nhà lao xây tường đá cao kiên cố...

Theo sử liệu, thành cổ Diên Khánh có 6 cửa, nhưng 2 cửa Tả và cửa Hữu đã bị lấp năm 1823, đến nay chỉ còn 4 cửa Đông - Tây - Tiền (phía nam) - Hậu (phía bắc). Trong khu vực thành cổ Diên Khánh có một ngôi miếu. Trong “Xứ Trầm Hương” của Quách Tấn có nhắc đến truyền thuyết về ngôi miếu Ba Cô, nhưng ngày nay ngôi miếu cũng không còn tồn tại. Sau khi khảo sát, tìm hiểu, các nhà khoa học phát hiện còn một góc tường của ngôi miếu nằm ở một góc khu vực nội thành và đã bị cây mọc bao phủ. 

XUÂN HƯỚNG

Ý kiến bạn đọc