Phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL:
Ngăn chặn, đẩy lùi vi phạm trên môi trường số
VHO - Bộ VHTTDL cho biết, trong năm 2024, Đề án “Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch” đã được triển khai đồng bộ; nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức của ngành trong tham gia phòng ngừa, phòng chống vi phạm pháp luật, đặc biệt trên mạng Internet, không gian ảo đang ngày càng có nhiều tác động đến đời sống thực.
Việc triển khai thực hiện Đề án đã góp phần tăng cường phòng ngừa, kéo giảm các loại tội phạm, giảm vi phạm pháp luật trong hoạt động văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch; đảm bảo môi trường hoạt động kinh doanh an ninh, an toàn.
Chấn chỉnh lộn xộn quảng cáo trên mạng
Sau 12 năm triển khai, kể từ khi Luật Quảng cáo năm 2012 được ban hành, bên cạnh những thành tựu quan trọng, hệ thống pháp luật về quảng cáo cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập.
Đáng chú ý là thực trạng hoạt động quảng cáo đang có sự chuyển dịch từ quảng cáo theo hình thức truyền thống (quảng cáo ngoài trời trên bảng, biển, băng rôn, báo in, báo nói, báo hình…) sang hình thức quảng cáo trên môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới (quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng di động…).
Kéo theo sự chuyển dịch này là những khó khăn trong công tác quản lý nhà nước do việc ràng buộc trách nhiệm, phát hiện và xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo trên phương tiện này áp dụng với một loại chủ thể không giới hạn phạm vi lãnh thổ. Luật Quảng cáo hiện cũng chưa có quy định cụ thể về quyền, trách nhiệm của đối tượng tham gia, quy trình phát hiện và xử lý vi phạm nằm rải rác tại một số văn bản dưới Luật, vì vậy nên hiệu quả quản lý chưa cao.
Cũng trong bối cảnh quảng cáo đang phát triển mạnh mẽ và càng ngày càng khẳng định vị trí trong hoạt động doanh nghiệp, nhiều đối tượng đã lợi dụng sự phổ biến và thông dụng của các phương tiện quảng cáo, đặc biệt là mạng xã hội, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có ảnh hưởng… để truyền tải các nội dung quảng cáo sai sự thật, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Khá phổ biến là việc xuất hiện nhiều người dùng mạng xã hội, các nghệ sĩ nổi tiếng giới thiệu, mời chào, quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng, gây bức xúc cho đông đảo người tiêu dùng.
Trước thực tế “khoảng trống” trong hệ thống luật pháp đã dẫn đến những khó khăn trong công tác quản lý, các doanh nghiệp Việt cũng mất đi nhiều thị phần quảng cáo trên không gian mạng, không chỉ giảm nguồn thu thuế cho nhà nước mà còn kéo theo hệ lụy là những vi phạm kéo dài.
Để lấp khoảng trống này, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo đã bổ sung những quy định mới, bắt kịp và phù hợp với yêu cầu của đời sống, trong đó có những quy định đối với hoạt động quảng cáo trên mạng. Theo đó, nội dung sửa đổi về quảng cáo trên mạng bao gồm: Quy định về yêu cầu đối với hoạt động quảng cáo mạng; trách nhiệm của người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo ở trong nước và ngoài nước; hoạt động quảng cáo trên mạng do các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam như: Quảng cáo trên mạng phải có dấu hiệu nhận diện bằng từ ngữ, ký hiệu hoặc các hình thức tương tự để người tiếp nhận xác định là quảng cáo và phân biệt với các thông tin không phải quảng cáo…
Các chuyên gia về quảng cáo nhấn mạnh, hoạt động quảng cáo thực chất là nhằm hướng đến tạo dựng niềm tin ở khách hàng. Vì thế, trong bối cảnh hoạt động quảng cáo trên mạng đang dần trở thành một xu thế tất yếu, việc bổ sung những quy định cụ thể nhằm siết chặt quản lý đối với hoạt động quảng cáo trên không gian mạng là điều rất cần thiết, góp phần đưa hoạt động quảng cáo trên mạng dần đi vào nề nếp.
Gia tăng các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ
Trước thực tế vấn nạn xâm phạm bản quyền trong các lĩnh vực, đặc biệt ở lĩnh vực sáng tạo, thời gian qua, công tác tuyên truyền và các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho đội ngũ các nhà sáng tạo, đẩy lùi vi phạm đã liên tục được tăng cường.
Gần đây nhất là vụ việc triệt phá đường dây vi phạm bản quyền lớn nhất thế giới Fmovies, do các cơ quan chức năng Việt Nam, với sự hỗ trợ từ ACE thực hiện.
Fmovies và các tên miền liên quan đã ghi nhận hơn 6,7 tỉ lượt truy cập từ tháng 1.2023 đến tháng 6.2024. Với gần 374 triệu lượt truy cập mỗi tháng, tổ chức này là một mắt xích vi phạm bản quyền lớn nhất thế giới.
“Việc triệt phá Fmovies là một chiến thắng vang dội cho các diễn viên, ê kíp, biên kịch, đạo diễn, hãng phim và cộng đồng sáng tạo trên toàn thế giới”, ông Charles Rivkin (Chủ tịch và CEO của Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ, Chủ tịch ACE) phát biểu. Các hoạt động này nhằm bảo vệ an toàn cho khán giả, giảm thiểu rủi ro cho hàng chục triệu người tiêu dùng, bảo vệ quyền lợi cũng như sinh kế của những người sáng tạo.
Theo bà Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA), ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển quan trọng, chuyển từ mô hình sản xuất được nhà nước bao cấp sang giai đoạn tăng trưởng nhanh chóng nhờ sự tham gia của khu vực tư nhân.
“Để đạt được sự phát triển nhanh và bền vững, cũng như hội nhập vào ngành công nghiệp điện ảnh toàn cầu, chúng ta cần phải đi đúng con đường. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là một yếu tố quan trọng đối với sự thành công của ngành công nghiệp này. VFDA đánh giá cao những nỗ lực của ACE, phối hợp với các cơ quan chức năng Việt Nam, trong việc chống lại các hoạt động vi phạm nghiêm trọng của các nhà điều hành Fmovies. Chúng tôi tin rằng cột mốc này sẽ đóng góp đáng kể vào sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam”, bà Ngô Phương Lan nhấn mạnh.
Vụ việc kể trên là một minh chứng điển hình về hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng nhằm tuyên truyền, triệt phá và đẩy lùi những vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt trên không gian mạng.
Tại công văn mới đây về báo cáo kết quả phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024, Bộ VHTTDL cho biết, Đề án “Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch” thời gian qua đã được triển khai đồng bộ; nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức của ngành trong tham gia phòng ngừa, phòng chống vi phạm pháp luật, đặc biệt trên mạng Internet.
Việc triển khai thực hiện Đề án đã có tác động tăng cường phòng ngừa, kéo giảm các loại tội phạm, giảm các vi phạm pháp luật trong hoạt động văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch, đảm bảo môi trường hoạt động kinh doanh văn hóa, thể thao và du lịch an ninh, an toàn.
Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra trên các lĩnh vực, trong đó tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm như công tác quản lý, tổ chức lễ hội; phòng, chống vi phạm về quyền tác giả, quyền liên quan; hoạt động quảng cáo; hoạt động kinh doanh du lịch, kinh doanh dịch vụ thể dục, thể thao; phòng, chống tội phạm trong quản lý di tích, di sản; tăng cường phổ biến, tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm chống lại những hành vi sai trái, xuyên tạc trên mạng Internet, mạng xã hội, Facebook… trong các lĩnh vực quản lý của ngành. Đồng thời, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo thẩm quyền và quy định của pháp luật về phòng, chống tội phạm.
Xử phạt hành chính nhiều hành vi vi phạm
Từ 1.10.2023 đến 31.7.2024, Bộ VHTTDL đã ban hành 20 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, thể thao, quyền tác giả, quyền liên quan với tổng số tiền xử phạt là gần 550 triệu đồng. Đồng thời, yêu cầu biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm (chương trình máy tính) dưới hình thức điện tử; tiêu hủy bản ghi âm Fever, tháo gỡ bản ghi âm Fever trên môi trường mạng và kỹ thuật số, buộc nộp lại số tiền bất hợp pháp. Trong thời kỳ thống kê này, không có vụ việc, đối tượng vi phạm nào đến mức chuyển xử lý hình sự. THẢO PHƯƠNG