Phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL:
Nhân rộng điển hình, phát huy hiệu quả hoạt động văn hóa cơ sở
VHO - Sử dụng hiệu quả thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; khắc phục tình trạng thiết chế được đầu tư nhưng chưa tổ chức hoạt động; không tổ chức lễ hội tràn lan, gây tốn kém; sử dụng cờ Đảng, Quốc kỳ, Quốc huy bảo đảm sự trang trọng, tôn nghiêm… là những nội dung được nhấn mạnh tại văn bản số 3732/BVHTTDL-VHCS vừa được Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy ký ban hành.
Văn bản được gửi đến UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bộ VHTTDL yêu cầu các địa phương chủ động thực hiện các nội dung tăng cường quản lý hoạt động văn hóa cơ sở.
Phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở
Trong những năm qua, công tác xây dựng môi trường văn hóa cơ sở đã đạt nhiều kết quả tích cực, hoạt động văn hóa ngày càng phong phú, đa dạng, góp phần giáo dục đạo đức, hoàn thiện nhân cách con người. Các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được địa phương từng bước quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, đổi mới phương thức hoạt động, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và thể chất của nhân dân. Nhiều mô hình mới, cách làm hay, nhiều điển hình tiên tiến trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở được phát huy, nhân rộng, góp phần vào việc phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Bên cạnh đó, thực trạng hoạt động xây dựng môi trường văn hóa cơ sở tại các địa phương còn tồn tại nhiều bất cập cần giải pháp khắc phục. Tại công văn này, Bộ VHTTDL đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chủ động tổ chức thực hiện các nội dung về tăng cường quản lý hoạt động văn hóa cơ sở. Cụ thể, về giải pháp hoàn thiện, sử dụng hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, Bộ VHTTDL đề nghị các địa phương hoàn thành các mục tiêu xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quy định tại Quyết định số 2164/QĐ-TTg ngày 11.11.2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến 2030. Ban hành cơ chế, chính sách về xã hội hóa nhằm huy động nguồn lực hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để xây dựng, tổ chức hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao các cấp, đặc biệt là các thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã, thôn, khu vui chơi giải trí, trung tâm văn hóa - thể thao trong các khu công nghiệp, khu chế xuất; chính sách đặc thù định mức hoạt động, mức chi đối với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, tuyên truyền lưu động thuộc thẩm quyền của địa phương theo quy định.
Trước thực trạng tại một số nơi, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở dù được quan tâm đầu tư xây dựng nhưng phát huy hiệu quả vẫn còn hạn chế, dẫn đến tình trạng nhà văn hóa… bị khóa, thư viện không có người đọc, sân vận động bỏ hoang…, Bộ VHTTDL đề nghị các địa phương chủ động các giải pháp sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, khắc phục tình trạng thiết chế văn hóa, thể thao ở địa phương đã được đầu tư cơ sở vật chất nhưng chưa được sử dụng để tổ chức hoạt động, hoặc chưa phát huy hết công năng sử dụng hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ nhân dân. Trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội, bên cạnh những chuyển biến tích cực, thời gian qua, một số lễ hội còn tồn tại tình trạng biến tướng, trục lợi, chen lấn, phản cảm… Khắc phục những hạn chế này, Bộ VHTTDL tiếp tục yêu cầu các địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước, BTC lễ hội thực hiện nghiêm các quy định pháp luật nhằm tổ chức lễ hội trật tự, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục tập quán tốt đẹp của địa phương. Không tổ chức lễ hội tràn lan gây tốn kém, lãng phí thời gian, tiền bạc của nhân dân, xã hội và Nhà nước.
Bộ cũng nhấn mạnh yêu cầu các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, nhân dân và du khách trong việc thực hiện nghiêm các quy định, quy chế về tổ chức lễ hội; không đốt đồ mã, vàng mã gây lãng phí, ảnh hưởng đến môi trường và công tác phòng, chống cháy nổ. Chỉ đạo tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm vi phạm trong hoạt động lễ hội, đặc biệt là hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc.
Sử dụng cờ Đảng, Quốc kỳ, Quốc huy bảo đảm sự trang trọng, tôn nghiêm
Tại nhiều địa phương trong thời gian qua, việc treo cờ Tổ quốc, cờ Đảng, băng rôn, khẩu hiệu tại trụ sở các cơ quan, đơn vị, hộ dân, địa điểm công cộng, các tuyến đường nhân dịp ngày Tết, lễ kỷ niệm đã được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Bên cạnh đó, vẫn còn một số hiện tượng treo cờ quá cũ, treo cờ ở vị trí thiếu trang trọng, cờ bạc màu, rách nhưng không được thay thế kịp thời, gây phản cảm… Đáng chú ý, gần đây xuất hiện trào lưu sơn cờ Tổ quốc trên mái nhà, tường, cửa cuốn với nhiều kiểu dáng, kích cỡ khác nhau. Là sự thể hiện tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, nhưng nhiều ý kiến cho rằng việc làm này không nên lạm dụng, tùy tiện. Trước hết, nếu cờ vẽ sai tỉ lệ, hình khối, hoặc vẽ ở những vị trí quá thấp, đặt ở vị trí không trang trọng sẽ vi phạm quy định. Chưa kể, sau một thời gian hình vẽ bị bong tróc sơn, bay màu, sẽ dẫn đến sự phản cảm.
Về nội dung sử dụng cờ Đảng, Quốc kỳ, Quốc huy trong công tác tuyên truyền cổ động các ngày lễ, kỷ niệm, Bộ VHTTDL đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo sử dụng cờ Đảng theo Hướng dẫn số 105-HD/ BTGTW ngày 29.5.2023 của Ban Tuyên giáo Trung ương Hướng dẫn thực hiện Quy định của Ban Bí thư về cờ Đảng Cộng sản Việt Nam và việc sử dụng cờ Đảng. Hướng dẫn việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy theo Hướng dẫn số 3420/HD-BVHTTDL ngày 2.10.2012 của Bộ VHTTDL về việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. UBND các tỉnh, thành phố chủ động tuyên truyền, vận động, hướng dẫn; thực hiện các giải pháp quản lý việc sử dụng hình ảnh Quốc kỳ, Quốc huy tại địa phương bảo đảm sự trang trọng, tôn nghiêm, đúng quy định của pháp luật. Tăng cường công tác kiểm tra việc sử dụng và sử dụng hình ảnh Quốc kỳ, Quốc huy tại địa phương; yêu cầu tổ chức, cá nhân thu hồi, thay mới cờ Đảng, Quốc kỳ, Quốc huy không đúng quy định, bị hỏng hoặc bạc màu.
Cũng tại văn bản nói trên, nhằm phát huy hiệu quả phong trào TDĐKXDĐSVH, Bộ VHTTDL đề nghị UBND các tỉnh, thành phố ban hành văn bản quy định chi tiết tiêu chuẩn và việc xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” của địa phương theo Nghị định số 86/2023/NĐ-CP ngày 7.12.2023 quy định về khung tiêu chuẩn và trình tự, thủ tục, hồ sơ xét tặng các danh hiệu. Các địa phương chủ động tổ chức hướng dẫn triển khai thực hiện tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh theo Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; đánh giá, sơ kết để kịp thời tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, đưa ra giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả Quyết định số 04/2022/ QĐ-TTg.
“Tiếp tục phát triển phong trào TDĐKXDĐSVH bền vững, có chiều sâu, chất lượng, hiệu quả, thiết thực; tăng cường phối hợp giữa các thành viên BCĐ trong triển khai thực hiện phong trào…”, công văn nhấn mạnh.
Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường
Bộ VHTTDL đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường tại Nghị định số 54/2019-NĐ-CP và các văn bản pháp luật liên quan về an ninh, trật tự, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ trong việc kiểm soát, thẩm định các điều kiện kinh doanh theo quy định pháp luật trước khi cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường. Căn cứ tình hình thực tế, ban hành Quy chế phối hợp, kiện toàn đội kiểm tra liên ngành, kịp thời xử lý những cơ sở vi phạm quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy, an ninh trật tự và các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường.
THẢO PHƯƠNG