Độc đáo lễ hội Cầu Ngư ở làng biển Cảnh Dương

VH- ​Lễ hội Cầu Ngư ở làng biển Cảnh Dương là nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang tính tâm linh, tưởng nhớ ơn đức của cá Ông, cá Bà; đồng thời, cầu mong cho trời yên biển lặng, mưa thuận gió hòa, tôm dày cá được, làng xã ấm no, yên vui, hạnh phúc…

Ngày 2-3 (tức Rằm tháng Giêng năm Mậu Tuất), xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) đã tổ chức lễ hội Cầu Ngư năm 2018.

Độc đáo lễ hội Cầu Ngư ở làng biển Cảnh Dương - Anh 1

Lễ hội Cầu Ngư ở làng biển Cảnh Dương

Sinh sống lâu đời trên dãi đất ven biển, cùng với nhiều làng biển miền Trung khác, cư dân Cảnh Dương có tập quán, tín ngưỡng tôn thờ cá voi. Trong tâm thức, ngư dân tin rằng cá voi là vị thần linh thiêng của biển, đem đến cho họ sức khoẻ, của cải và cuộc sống. Cá voi thường được gọi với những cái tên thành kính như: Cá Ông, cá Ngài, Đức Ngài hay Đức Ông Nam Hải...

Trong sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức có viết: "Cá biển có cá voi đầu tròn, ở trán có lỗ phun nước, mũi miệng như con voi, mình trơn láng không có vảy, đuôi chẻ đôi như đuôi tôm, tính hiền lành, hay cứu giúp người. Thuyền đi biển bị đắm, cá voi thường đưa người lên bờ. Dân vùng biển đều kính lễ, có xác cá ấy trôi dạt vào đâu thì ngư dân góp tiền, vải, sắm quan tài để liệm chôn, lấy người trùm ngư dân làm tang chủ... lập đền thờ phụng".

Độc đáo lễ hội Cầu Ngư ở làng biển Cảnh Dương - Anh 2

Lễ rước kiệu Thần hoàng

Độc đáo lễ hội Cầu Ngư ở làng biển Cảnh Dương - Anh 3

Ngư dân Cảnh Dương với ngư lưới cụ của mình trong lễ hội

Dưới thời Gia Long (nhà Nguyễn), nhà vua đã ban sắc phong cho cá voi là "Nam Hải Đại tướng quân", được xếp vào hàng Thượng đẳng thần. Lúc bấy giờ, nhiều làng, xã vùng duyên hải miền Trung trong đó có Quảng Bình, ngư dân đã lập đền thờ "Ngư Ông", "Nam Hải Đại tướng quân" để tôn vinh và thờ phụng lâu dài.

Ở làng biển Cảnh Dương, vào các năm 1806 và 1818, có hai con cá voi (gọi là cá Ông và cá Bà) "lụy" vào làng đã được người dân địa phương chôn cất chu đáo, xây miếu thờ. Hiện nay, hai bộ xương của cá Ông và cá Bà này được người Cảnh Dương thờ tại Linh Ngư miếu. Đây là hai bộ xương cá voi lớn nhất và lâu đời ở vùng biển miền Trung. Chiều dài mỗi bộ xương ước tính gần 27m, bề rộng gần 10m. Ngoài ra, ở Cảnh Dương còn có nghĩa địa cá voi với khoảng 23 cá Cô, cá Cậu, đã “lụy” vào làng trong gần 375 năm nay.

Độc đáo lễ hội Cầu Ngư ở làng biển Cảnh Dương - Anh 4

Lễ hội Cầu Ngư thu hút nhiều người dân tham gia

Độc đáo lễ hội Cầu Ngư ở làng biển Cảnh Dương - Anh 5

Văn tế lễ Cầu Ngư ở làng Cảnh Dương tổ chức tại Ngư Linh miếu

Lễ hội Cầu Ngư làng Cảnh Dương năm 2018 được tổ chức với các hoạt động như: Lễ xin rước Thần hoàng về dự lễ Cầu Ngư tại đình thờ Tổ; Rước kiệu Thần hoàng; Lễ Cầu Ngư với các phần nghi thức dâng hương, văn tế, lễ tất, nghi lễ hò chèo cạn…

Lễ hội Cầu Ngư ở làng Cảnh Dương là lễ hội truyền thống mang đậm tính văn hóa đặc sắc và độc đáo so với các làng biển khác. Đó còn là lễ hội cầu mùa, cầu phúc, cầu thiện, cầu an, cầu lành, cầu cho thiên nhiên thuận hòa, đất nước thanh bình, làng xã yên vui, nhà nhà hạnh phúc…

Được biết, Sở Du lịch Quảng Bình phối hợp với xã Cảnh Dương xây dựng thêm các sản phẩm, dịch vụ thu hút khách du lịch như cung đường bích họa, Không gian trưng bày các bộ xương cá voi, công viên thuyền thúng, khu dịch vụ cho khách du lịch... để Cảnh Dương trở thành điểm đến du lịch mới, nổi bật của Quảng Bình với các sản phẩm, dịch vụ du lịch độc đáo, khu du lịch cộng đồng kiểu mẫu của Quảng Bình.

Phạm Phú

 

Ý kiến bạn đọc